“Hương cốt” cà phê thuộc... “người ngoài”

Theo Lê Thúy/thoibaokinhdoanh.vn

Các doanh nghiệp cà phê trong nước gặp khó khăn về vốn nên không thể đẩy mạnh phát triển công nghệ chế biến, trong khi đó, doanh nghiệp nước ngoài với tiềm lực tài chính mạnh đang không ngừng đầu tư và mở rộng nhà máy chế biến, dù doanh nghiệp nội hay ngoại đều biết nếu xuất khẩu cà phê đã qua chế biến, giá trị thu về sẽ gấp đôi.

Có nhiều doanh nghiệp ngoại đang đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến cà phê Việt Nam để xuất khẩu và hưởng lợi. Nguồn: Internet
Có nhiều doanh nghiệp ngoại đang đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến cà phê Việt Nam để xuất khẩu và hưởng lợi. Nguồn: Internet

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu cà phê tháng 11/2017 ước đạt 83 nghìn tấn với giá trị đạt 185 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu cà phê 11 tháng đầu năm 2017 ước đạt 1,27 triệu tấn và 2,89 tỷ USD, giảm 22,5% về khối lượng và giảm 3,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. 

Khối nội vẫn chần chừ

Theo ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, Việt Nam đứng thứ hai thế giới về nước xuất khẩu cà phê nhân; Năm 1990 chỉ chiếm 1% thị phần thế giới, năm 2016, con số này lên tới 19% thị phần toàn cầu. 

Tuy nhiên, ông Tự cho rằng hiện nay, vấn đề đặt ra đối với ngành cà phê Việt Nam là cần đẩy mạnh khâu chế biến, nâng cao giá trị gia tăng cho ngành cà phê. Những năm qua, xuất khẩu cà phê rang xay và hoà tan chỉ chiếm 10% tổng kim ngạch xuất khẩu, dù giá trị của nó gấp đôi cà phê nhân. 

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết hiện cả nước có 160 cơ sở chế biến cà phê rang xay, tổng công suất 51.000 tấn; 19 nhà máy sản xuất cà phê hoà tan với 170.000 tấn/năm.

Nhưng tỷ lệ chế biến sâu vẫn còn rất khiêm tốn khi chiếm chưa đến 10% sản lượng cả nước. 

Tuy nhiên, để đẩy mạnh công nghiệp chế biến là chuyện không hề dễ với các doanh nghiệp trong nước. Cụ thể, ông Tự cho biết, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp là vấn đề vốn, để có một hệ thống chế biến cà phê hoà tan hoặc rang xay với công suất 1.000 tấn, doanh nghiệp phải đầu tư khoảng 10 triệu USD. 

“Thực tế, làm cà phê hoà tan chỉ vài doanh nghiệp lớn mới làm được như Tổng công ty Cà phê Việt Nam, công ty cổ phần Vinacafe Biên Hoà, công ty cổ phần cà phê Mê Trang, Tập đoàn An Thái, công ty cổ phần Cà phê Phúc Sinh…”, ông Tự cho biết.

Ông Tự cho biết thêm, vì không có vốn để đầu tư máy móc, một số doanh nghiệp nhỏ chọn cách rang xay thủ công phục vụ khách hàng châu Âu, chấp nhận mỗi tháng xuất khẩu 1-2 container để duy trì sản xuất, lợi nhuận. 

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Nam Hải, Tổng Giám đốc Tổng công ty Cà phê Việt Nam, cho biết để đầu tư một hệ thống chế biến cà phê hoà tan mới hoàn toàn với công suất 3.000 tấn/năm, chi phí bỏ ra khoảng 30 triệu USD (tương đương khoảng 600 tỷ đồng) – vượt khả năng của các doanh nghiệp. 

Hơn nữa, ông Đỗ Hà Nam, Tổng Giám đốc công ty cổ phần Tập đoàn Intimex, cho biết, Intimex dù là doanh nghiệp sản xuất cà phê thuộc top đầu cả nước, đã đầu tư được hơn 10 nhà máy sản xuất cà phê nhưng quy mô không lớn vì thiếu đất. 

Nguyên nhân, theo ông Nam: “Có những diện tích đất của nông trường làm ăn thua lỗ, doanh nghiệp muốn tiếp cận song trên thực tế nông trường đã khoán hết đất cho nông dân nên gặp rất nhiều khó khăn. Có trường hợp, doanh nghiệp đàm phán với nông dân thành công nhưng lại bị cơ quan quản lý địa phương gây khó dễ, yêu cầu phải nộp hết loại phí này, đến phí kia, cuối cùng vẫn không có đất”. 

Theo thống kê, hiện có rất nhiều hãng cà phê rang xay hàng đầu trên thế giới đã có mặt tại Việt Nam như Olam, Nestlé… Các doanh nghiệp nước ngoài đã và đang bắt đầu đầu tư sản xuất cà phê hòa tan để tranh thủ cơ hội.

Khối ngoại nhắm “miếng bánh” chế biến

Trong đó, Nestlé đã đầu tư 300 triệu USD vào ngành chế biến sâu cà phê Việt Nam. 

Năm 2015, Tập đoàn Neumann Gruppe (Đức) đã đầu tư xây dựng nhà máy chế biến cà phê tại Long Thành (Đồng Nai) với giá trị 12 triệu USD, công suất dự kiến đạt 100.000 tấn cà phê nhân/năm vào năm 2017. Đây là nhà máy thứ hai của Tập đoàn tại Việt Nam (nhà máy đầu tiên được xây dựng năm 1992 tại tỉnh Bình Dương). 

Trước đó, cuối năm 2014, công ty con của Tập đoàn Massimo Zanetti Beverage (Ý) đã khai trương nhà máy cà phê đầu tiên tại Việt Nam ở khu công nghiệp Mỹ Phước III, Bình Dương, trên diện tích 5.000 m2 với công suất rang xay 3.000 tấn cà phê mỗi năm. 

Theo ông Tự, hiện doanh nghiệp FDI đang chiếm khoảng 40% khối lượng và giá trị xuất khẩu cà phê của Việt Nam, còn lại 60% thuộc về các doanh nghiệp Việt Nam. Đáng nói, các doanh nghiệp FDI dù chiếm 40% về khối lượng nhưng các doanh nghiệp này chủ yếu xuất khẩu cà phê rang xay, hoà tan có giá trị lớn hơn xuất khẩu cà phê nhân. 

Theo các chuyên gia, các FDI đẩy mạnh đầu tư vào ngành cà phê Việt Nam để hưởng lợi hai lợi thế: vùng nguyên liệu cà phê Việt Nam rất phong phú, từ đó có thể tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có và cà phê từ Việt Nam xuất đi được ưu đãi về thuế. 

Trước đây, các nước chỉ nhập khẩu cà phê nhân của Việt Nam làm nguyên liệu và bảo hộ khâu chế biến trong nước. Do đó, các sản phẩm cà phê rang xay, cà phê hòa tan của Việt Nam thường bị áp thuế 20% khi xuất khẩu vào các thị trường nước ngoài. 

Tuy nhiên, việc Việt Nam tham gia một loạt các hiệp định thương mại tự do, mức thuế đã được giảm về 0%. Đây là lí do các doanh nghiệp FDI nhòm ngó vào thị trường chế biến cà phê hiện nay. 

Hơn nữa, ông Hải đánh giá, chỉ 4-5 doanh nghiệp FDI nhưng lại gần như chiếm lĩnh toàn bộ thị trường xuất khẩu của cà phê chế biến, mỗi nhà máy của họ có công suất lên tới 10.000 tấn/năm, thậm chí có nơi đạt 15.000 tấn/năm. 

Trước thực trạng trên, ông Nam lo ngại với việc các hãng cà phê rang xay hàng đầu trên thế giới đều đã có mặt ở Việt Nam. Doanh nghiệp nước ngoài không những có lợi thế về vốn và thị trường tiêu thụ, mà thực tế không ít thời điểm, doanh nghiệp FDI đã tự đẩy giá thu mua nguyên liệu, gây khó khăn rất lớn cho các doanh nghiệp trong nước. 

Ngoài ra, thống kê cũng cho thấy, Việt Nam hiện đang nhập khẩu cà phê rang xay, cà phê pha sẵn từ Trung Quốc, Lào, Brazil, Mỹ… Nguyên nhân là vì vài năm gần đây, các nhà bán lẻ cà phê hàng đầu thế giới như Starbucks, McCafé, Dunkin Donuts… đã tấn công thị trường Việt Nam. 

Tuy nhiên, các hãng đồ uống này đặt ra rất nhiều yêu cầu khắt khe về nguồn nguyên liệu cho các sản phẩm của họ nhưng hiện nay, doanh nghiệp Việt Nam chưa đủ sức, đủ công nghệ, đủ khả năng để cạnh tranh với những thương hiệu cà phê rang xay, hoà tan nước ngoài. 

Công ty cổ phần nghiên cứu ngành và tư vấn Việt Nam VIRAC, dự báo tổng sản lượng cà phê Việt Nam sẽ nhập khẩu trong niên vụ 2017/2018 đạt khoảng 1.06 triệu bao. 

Trước thực trạng này, mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa phê duyệt đề án Khung Phát triển sản phẩm quốc gia Cà phê Việt Nam chất lượng cao, với tổng kinh phí dự kiến khoảng 170 tỷ đồng. 

Đề án này đặt ra có ít nhất 10 doanh nghiệp tham gia đầu tư sản xuất và chế biến sâu các sản phẩm cà phê chất lượng cao theo chuỗi giá trị sản xuất, chế biến đến thương mại, đảm bảo được giá trị gia tăng cho ngành cà phê 2020-2030. Việc hiện thực hoá mục tiêu này đến đâu chắc vẫn phải chờ.