Hướng đi nào cho thương mại điện tử ở nông thôn?

PV.

Trong thời gian qua, với sự phát triển nhanh, Thương mại điện tử Việt Nam (TMĐT) đã trở thành 1 công cụ kinh doanh hữu hiệu cho các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, một thực trạng cần phải nhìn nhận đó chính là sự chênh lệch lớn về sự phát triển TMĐT giữa các tỉnh thành, giữa Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh so với các tỉnh thành khác, đặc biệt là các vùng nông thôn.

Theo thống kê của giải pháp bán hàng online toàn diện Bizweb với hơn 10.000 khách hàng trả phí trong tháng 11/2015, tỷ trọng website đăng ký tại Hà Nội và TP HCM chiếm 76,5%, các tỉnh còn lại chỉ chiếm 23,5%. Tính đến các tỉnh tiệm cận Hà Nội, TP HCM như Hải Phòng (1,2%), Bình Dương (1%), Đà Nẵng (0,8%)… cũng vẫn đang có sự chênh lệch rất lớn về mức độ sẵn sàng cho TMĐT. Tỷ lệ này còn nhỏ hơn rất nhiều tại các tỉnh thành khác, đặc biệt ở khu vực nông thôn. Điều này cũng khá dễ hiểu khi “ướm” TMĐT vào từng khu vực, với từng trình độ phát triển kinh tế-xã hội và tiềm năng tương ứng.

Cơ hội mới đang tồn tại ở dạng tiềm năng

Hiện tại ở nhiều tỉnh thành, các hoạt động TMĐT còn rất sơ khai, việc mua hàng trực tuyến hay thực hiện các giao dịch trên Internet còn xa lạ với hầu hết người dân, có hay chăng cũng chỉ là một bộ phận giới trẻ có điều kiện tiếp cận sớm hơn với TMĐT. Có nhiều nguyên nhân giải thích cho hiện trạng này, tập trung vào 3 điểm chính:

Đầu tiên đó là nhận thức, hiểu biết và thói quen của người Việt, họ chưa quen đối với việc mua sắm hay sử dụng dịch vụ trực tuyến.

Thứ hai về hạ tầng về dịch vụ trong thanh toán, vận chuyển chưa thực sự thuận tiện, bảo đảm tối đa khiến người tiêu dùng có tâm lý e ngại khi mua hàng online, ví dụ như việc sử dụng thẻ thanh toán chẳng hạn, người nông thôn còn quá xa lạ và thanh toán online gần như không có trong suy nghĩ của họ.

Thứ ba là các dịch vụ TMĐT chưa chú trọng phát triển tại các vùng nông thôn, có thể là do quy mô chưa đủ tầm để tiến đến một thị trường còn khá sơ khai. Điều đó đòi hỏi một quyết tâm cực kỳ lớn cũng như là nguồn lực, khả năng đầu tư, “chịu chơi” và cần phải có thêm thời gian.

Mặc dù tỷ trọng tại các khu vực nông thôn còn thấp thế nhưng, xét trên nhiều phương diện, thương mại điện tử ở vùng nông thôn tại Việt Nam có rất nhiều cơ hội tiềm năng để phát triển. Dân số của 2 thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM chỉ chiếm hơn 16% tổng dân số cả nước, trong khi đó 61 tỉnh thành còn lại chiếm tới hơn 83%. Ngoài ra, tại các khu vực nông thôn hiện nay có nhiều lợi thế do hạ tầng Internet đang dần phổ biến, số lượng người sử dụng smartphone tăng nhanh dẫn đến có một lực lượng tiềm năng những người dùng trẻ tuổi đang tiếp cận nhanh chóng với TMĐT. Bên cạnh đó, chính sách của Nhà nước cũng đang quan tâm sát sao, đầu tư mạnh tay hơn để thúc đẩy TMĐT nông thôn phát triển cho xứng với tiềm năng.

Với quy mô này, nhận thức và nhu cầu về thương mại điện tử ở những khu vực tỉnh thành, nông thôn sẽ ngày càng tăng và trong thời gian ngắn tới sẽ chạm tới mức bình ổn về thực trạng và tiềm năng.

Vẫn chưa khai thác hết tiềm năng vốn có

Thương mại điện tử tại các khu vực nông thôn có nhiều cơ hội là thế, nhưng để khai thác triệt để tạo bàn đà phát triển nhanh và mạnh thì cần có thời gian.

Việc cần làm trước mắt là hoàn thiện nền tảng TMĐT, ở đây là hệ thống Internet, là website bán hàng, là dịch vụ giao nhận, thanh toán… Chỉ khi giải quyết được những cản trở, khó khăn trong các khâu này, TMĐT nông thôn sẽ “băng băng” mà tiến xứng đáng với tiềm năng hiện có.

Trên thực tế, các đơn vị kinh doanh mảng TMĐT không sớm thì muộn cần phải thúc đẩy hoạt động, vươn cánh tay dài hơn đến các khu vực nông thôn để chạm tới mục tiêu tăng trưởng mới khi mà sự phát triển tại các khu vực thành thị tới mức giới hạn hoặc sự cạnh tranh quá lớn, thị trường trở nên bão hòa.

Với những nền tảng và lợi thế riêng, có thể nói thị trường TMĐT nông thôn Việt Nam đang ở dạng tiềm năng và nằm chờ cơ hội bùng nổ mạnh mẽ. Theo chia sẻ của ông Trần Trọng Tuyến – Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghệ DKT (đơn vị cung cấp giải pháp bán hàng online toàn diện Bizweb): “Ở khu vực nông thôn hiện nay có nhiều lợi thế do hạ tầng Internet, 3G đã rất phổ biến, đặc biệt số lượng người sử dụng Smartphone tăng rất nhanh dẫn đến có một lực lượng tiềm năng những người dùng trẻ tuổi đang tiếp cận nhanh chóng với Thương mại điện tử. Đây chính là lực lượng sẽ làm cho TMĐT ở khu vực nông thôn sẽ có sự khởi sắc rõ rệt trong 3 năm tới và phát triển mạnh mẽ trong 5 năm tiếp theo.”