Đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao:

Hướng tới lợi ích cộng đồng

Đặng Thành Dương

Hưởng ứng chủ trương của Chính phủ và định hướng của Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã tập trung đầu tư cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn, đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao, gia tăng giá trị và lợi ích cho cộng đồng, xã hội.

Lễ khánh thành giai đoạn 1 Nhà máy sản xuất trứng gà sạch DTK Phú Thọ - dự án do Vietcombank cho vay trên 600 tỷ đồng
Lễ khánh thành giai đoạn 1 Nhà máy sản xuất trứng gà sạch DTK Phú Thọ - dự án do Vietcombank cho vay trên 600 tỷ đồng

Từ đầu năm 2017, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã khẳng định: Tiếp tục điều hành chính sách tín dụng theo hướng kiểm soát quy mô tín dụng hợp lý, an toàn, hiệu quả, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn.

Định hướng tín dụng hướng vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, trong đó tập trung cho những lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, xuất khẩu, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao).

Thủ tướng Chính phủ cũng đánh giá việc nâng gói hỗ trợ từ 60.000 tỷ đồng đến 100.000 tỷ đồng được xem như là một trong những giải pháp quan trọng nhằm phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Bám sát định hướng của Chính phủ, cụ thể hóa các chỉ đạo của NHNN, Vietcombank đã từng bước triển khai và cấp tín dụng cho những dự án hiệu quả để phát triển nông nghiệp nông thôn.

Theo đó, cùng với việc tiếp tục đầu tư tín dụng cho các dự án có hiệu quả về phát triển nông nghiệp nói chung, Vietcombank đã đăng ký gói tài trợ 10 nghìn tỷ đồng đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao với những ưu tiên về nhận tài sản bảo đảm hình thành từ vốn vay và ưu đãi lãi suất thấp hơn so với các thành phần kinh tế khác. 

Chỉ từ tháng 4 đến hết tháng 7/2017, tổng lượng vốn lên tới hơn 2.510 tỷ đồng đã được Vietcombank giải ngân cho vay lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch.

Đến nay, nhiều dự án đã được Vietcombank tiếp cận và thẩm định hiệu quả kinh tế, tính khả thi và thực hiện cho vay. Có thể kể đến: Dự án Nhà máy sản xuất trứng gà sạch ĐTK Phú Thọ do Vietcombank đầu tư cho vay trên 600 tỷ đồng. 

Đây là nhà máy sản xuất trứng gà sạch công nghệ cao hàng đầu thế giới lần đầu tiên có tại Việt Nam, ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật tiên tiến nhất trong chăn nuôi gà đẻ trứng của Nhật, Mỹ, Israel, có khả năng kiểm soát an toàn sinh học trong toàn bộ quy trình sản xuất trứng để cho ra đời những quả trứng sạch, tươi, ngon, bổ dưỡng, có chất lượng cao phục vụ người tiêu dùng.

Nhà máy do Công ty TNHH ĐTK Phú Thọ làm chủ đầu tư, được xây dựng trên diện tích hơn 40 ha tại xã Tề Lễ, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ với sản lượng dự kiến đạt 178 triệu quả trứng gà sạch/năm và thịt gà đẻ sau 80 tuần.

Tiếp sau dự án này, Vietcombank tiếp tục cấp tín dụng cho nhà máy xử lý và chế biến trứng gia cầm công nghệ cao của Công ty TNHH Ba Huân Hà Nội với mức cho vay 60 tỷ đồng. Sau 11 tháng triển khai, ngày 15/04/2017 dự án đã hoàn thành và chính thức đi vào hoạt động với khả năng cung cấp trên 100 triệu quả trứng sạch/năm cho nhân dân Thủ đô.

Nhận định về dự án có ý nghĩa này, đại diện lãnh đạo UBND TP Hà Nội cho biết: Việc khánh thành, đưa dây chuyền sản xuất nhà máy xử lý trứng gia cầm công nghệ cao Ba Huân Hà Nội vào hoạt động sẽ góp phần giải quyết được nhu cầu tiêu dùng trứng sạch của người dân Thủ đô.

Đây sẽ là một trong những địa chỉ cung cấp thực phẩm sạch, thực phẩm an toàn lớn nhất của thị trường miền Bắc, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Bên cạnh hoạt động đầu tư cho các dự án hiệu quả của Hà Nội và tỉnh Phú Thọ, thời gian qua Vietcombank cũng đã trao quyết định tài trợ vốn cho nhiều nhà máy phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Điển hình như: Khu chăn nuôi lợn giống Dabaco ứng dụng công nghệ cao tại Hà Tĩnh (Vietcombank cam kết cho vay 157 tỷ đồng); Dự án chăn nuôi bò thịt công nghệ cao Hòa Phát tại Thái Bình, Quảng Bình, Đồng Nai của Tập đoàn Hòa Phát (Vietcombank cam kết cho vay 500 tỷ đồng); Dự án Trung tâm heo giống hạt nhân cụ kỵ tại Long An của Công ty TNHH Greenfarm Asia (Vietcombank cam kết cho vay 254 tỷ đồng); Dự án trang trại giống ông bà tại Bình Phước và Dự án trang trại gà giống bố mẹ tại Bình Dương của Công ty cổ phần Japfa Việt Nam (Vietcombank cam kết cho vay 94 tỷ đồng)...

Không chỉ mạnh dạn tập trung nguồn vốn lớn cho các doanh nghiệp có dự án hiệu quả, hướng đến lợi ích cộng đồng như trên, hưởng ứng chủ trương của Chính phủ và NHNN, nhằm mục tiêu đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, thời gian qua Vietcombank cũng đã tiến hành giảm lãi suất cho vay đối với 05 đối tượng ưu tiên theo quy định tại Thông tư 39/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước.

Theo đó, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế được điều chỉnh giảm 0,5%/năm.

 Hướng tới lợi ích cộng đồng - Ảnh 1

Dây chuyền xử lý và chế biến trứng gia cầm công nghệ cao tại nhà máy của Công ty TNHH Ba Huân Hà Nội – dự án do Vietcombank cấp tín dụng hơn 60 tỷ đồng  

Như vậy, chỉ trong thời gian rất ngắn, trên cơ sở triển khai đồng bộ các giải pháp: tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh, tăng cường công tác quản trị rủi ro, Vietcombank khẳng định luôn đi đầu trong thực hiện các biện pháp hỗ trợ, chia sẻ, tháo gỡ khó khăn cùng doanh nghiệp.

Bên cạnh việc cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch (quy mô 10 nghìn tỷ), Vietcombank liên tục triển khai các gói tín dụng ngắn hạn và trung dài hạn đa dạng với lãi suất ưu đãi cho các ngành thiết yếu trong phát triển kinh tế và an sinh xã hội.

Cụ thể: cho vay ngành cấp nước sạch (quy mô 10 nghìn tỷ); đồng hành cùng doanh nghiệp xuất khẩu (quy mô 10 nghìn tỷ); hợp tác phát triển ngành công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ (quy mô 10 nghìn tỷ); cho vay phát triển ngành y tế (quy mô 30 nghìn tỷ)…

Đây là những hành động thiết thực, thể hiện cam kết mạnh mẽ của Vietcombank trong việc chủ động, tiên phong thực hiện các chính sách điều hành của Chính phủ, NHNN, nỗ lực vì mục tiêu chung phát triển kinh tế - xã hội./.