Hướng tới phát triển doanh nghiệp bền vững

Trang Trần

(Tài chính) Đó là nội dung chính trong Diễn đàn Doanh nghiệp Phát triển Bền vững Việt Nam 2014 được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững Việt Nam và Hội đồng Anh Việt Nam đồng tổ chức ngày 21/2/2014 tại Hà Nội.

Quang cảnh Diễn đàn. Nguồn: FinancePlus.vn
Quang cảnh Diễn đàn. Nguồn: FinancePlus.vn

Diễn đàn có sự tham gia của hơn 200 đại biểu, bao gồm lãnh đạo Chính phủ, Hội đồng Quốc gia về Phát triển Bền vững và Nâng cao Năng lực Cạnh tranh và đại diện các Bộ, ngành liên quan, đại diện các tổ chức quốc tế, các tồ chức phi chính phủ, các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Phó Thủ tướng kiêm Chủ tịch Hội đồng Quốc gia về Phát triển Bền vững và Nâng cao Năng lực cạnh tranh Vũ Đức Đam đã khẳng định quyết tâm thực hiện Chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam. Trong đó đặc biệt quan tâm tới công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, cải thiện an sinh xã hội và vai trò của doanh nghiệp.

Đồng thời, Phó Thủ tướng cho biết trong thời gian tới Chính phủ sẽ tăng cường khuyến khích các doanh nghiệp phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua việc đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo cơ chế phân bổ tài nguyên và nguồn lực bình đẳng, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong việc giám sát việc phân bổ tài nguyên và nguồn lực. Phó Thủ tướng cũng bày tỏ mong muốn các tổ chức quốc tế tiếp tục ủng hộ và giúp đỡ Việt Nam trong các lĩnh vực này.

Về công cuộc phát triển bền vững của Việt Nam, bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam đánh giá cao các nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam (mà VCCI là đại diện). Bà nhấn mạnh: “Liên Hợp Quốc tin tưởng rằng vai trò của VCCI và của từng doanh nghiệp trong việc thực hiện tăng trưởng xanh là rất quan trọng. Chúng tôi cũng tin tưởng rằng quan hệ đối tác giữa cộng đồng doanh nghiệp với Chính phủ là thiết yếu để Chính phủ đưa ra những chính sách cụ thể tạo điều kiện và khuyến khích các doanh nghiệp đóng góp vào công cuộc phát triển bền vững.”

Đồng tình với quan điểm trên, ông Thomas Thomas, Giám đốc Mạng lưới Trách nhiệm Xã hội Doanh nghiệp ASEAN (CSR ASEAN Network) cho rằng việc tạo ra cơ chế cho sự gắn bó chặt chẽ giữa khối tư nhân với Chính phủ và xã hội dân sự là rất quan trọng.

Trước sự tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế và sự bất ổn của các nền kinh tế quốc gia và toàn cầu, nhu cầu phải có những phương thức tiếp cận sáng tạo hơn và đa dạng hóa các mô hình phát triển kinh tế bền vững ngày càng trở nên cấp thiết. Vì vậy, Diễn đàn năm nay đã tập trung thảo luận các sáng kiến bền vững là các mô hình kinh doanh mới, trong đó nổi bật là mô hình doanh nghiệp xã hội do Hội đồng Anh khởi xướng.

Ông Chris Brown, Giám đốc Quốc gia Hội đồng Anh tại Việt Nam nhận định: Sáng kiến xã hội góp phần giải quyết các vấn đề bất ổn đó với những mô hình doanh nghiệp xã hội như thương mại công bằng, học tập từ xa, nông nghiệp đô thị, giảm thải, công lý phục hồi, nhà ở không phát thải, viện chăm sóc cho bệnh nhân giai đoạn cuối. Phần lớn các mô hình này hiện đang phát triển nhưng để tối ưu hóa ảnh hưởng tích cực của chúng thì cần có sự nỗ lực chung sức của nhà nước, tư nhân và khối xã hội dân sự.

Kinh doanh cùng người nghèo cũng là một chủ đề được quan tâm. Đánh giá về vai trò của phương pháp kinh doanh này, ông Daniel Oporto, Giám đốc Chương trình Nông nghiệp của tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) Việt Nam chia sẻ: “Trong tổng dân số toàn cầu khoảng 7 tỷ người, có đến 4 tỷ (chiếm 57%) thuộc nhóm thu nhập thấp. Các công ty tư nhân đang làm việc với nhóm dân số này sử dụng những mô hình kinh doanh cùng người nghèo mang tính sáng tạo, nhằm lạo ra các cơ hội thị trường cho người có thu nhập thấp, đưa họ trở thành các nhà cung ứng trong kinh doanh nông phẩm hay người tiêu dùng trong các thị trường tiêu dùng. Phương pháp Kinh doanh cùng người nghèo tạo ra mối quan hệ đôi bên cùng có lợi, đồng thời mang lại lợi thế cạnh tranh cho việc kinh doanh bền vững.”

Bên cạnh những chủ đề nói trên “Sử dụng hiệu quả năng lượng”, “ứng phó với Biến đồi khí hậu” và “Báo cáo Bền vững” cũng là các chủ đề đáng chú ý tại Diễn đàn, được đại diện những doanh nghiệp đi tiên phong trong lĩnh vực phát triển bền vững tại Việt Nam như Holcim, Ecofarm, PriceWaterhouse&Cooper, Bảo Việt cùng các chuyên gia trong nước và quốc tế trình bày và thảo luận kỹ lưỡng.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, trong bối cảnh kinh tế khó khăn và hội nhập quốc tế ngày một sâu rộng, để nâng cao năng lực cạnh tranh, các doanh nghiệp Việt Nam cần “một mặt phát huy những thế mạnh sẵn có để trụ vững trên thị trường, duy trì và đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Mặt khác, cần tìm ra những hướng đi mới, trong đó có việc tận dụng tối đa các cơ hội do xu thế phát triển bền vững trên toàn cầu mang lại.”

Diễn đàn Doanh nghiệp Phát triển Bền vững Việt Nam 2014 đã thể hiện quyết tâm của cộng đồng doanh nghiệp trong việc thực hiện phát triển bền vững. Không những thế, sự kiện này còn góp phần nâng cao hơn nữa vai trò của doanh nghiệp trong công cuộc phát triển bền vững của đất nước, đồng thời cải thiện năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong quá trình hội nhập. Các nhà tổ chức cũng như các đại biểu đều mong muốn sự kiện này sẽ được tổ chức mỗi năm một lần.

Diễn đàn Doanh nghiệp Phát triền Bền vững Việt Nam 2014 diễn ra lần đầu tiên tại Việt Nam do VCCI, Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triền Bền vững Việt Nam và Hội đồng Anh Việt Nam đồng tổ chức. Chương trình nhận được sự hỗ trợ của Quỹ Thách thức Doanh nghiệp Việt Nam (VBCF) và một số nhà tài trợ quốc tế.