IDP và "vị ngọt" của sữa chua

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp

Với sản lượng bán hàng trung bình từ 15.000-17.000 thùng một ngày, sữa chua bắt đầu mang lại "vị ngọt" cho dự án Love’in Farm trị giá 600 tỷ đồng của Công ty cổ phần Sữa quốc tế IDP.

 IDP và "vị ngọt" của sữa chua
Tại thời điểm này, sữa chua Love’in Farm có mức tiêu thụ đạt trung bình 15.000-17.000 thùng/ngày trên phạm vi cả nước. Nguồn: Internet
Tương lai của ngành sữa

Do nhu cầu sử dụng sữa chua ngày càng cao trên thế giới, sản phẩm này được ví như tương lai của ngành công nghiệp sữa. Tại các nước phát triển, nhu cầu tiêu dùng sữa chua hiện cao hơn nhiều so với sữa tươi. Do vậy, các sản phẩm sữa chua trên các kệ hàng trong các hệ thống siêu thị ở những nước này áp đảo các sản phẩm sữa tươi. Tỷ trọng tiêu dùng sữa chua so với sữa tươi ở nhiều nước gia tăng nhanh chóng.

Chẳng hạn, tại Singapore, tỷ lệ này là 70/30, Pháp 80/20 và nước gần Việt Nam là Thái Lan cũng đạt 50/50 (theo IDP). Tuy vậy, ở Việt Nam người tiêu dùng vẫn chưa ưa chuộng sữa chua như sữa nước (tính chung cả sữa tươi tiệt trùng làm từ 100% sữa tươi lẫn sữa hoàn nguyên và sữa thanh trùng).

Theo ước tính của các chuyên gia ngành sữa, nước ta hiện vẫn đang trong giai đoạn tiêu dùng sữa chua tương đối thấp với tỷ lệ doanh số bán sữa chua so với sữa tươi chỉ đạt 20/80. Điều này khá dễ hiểu bởi lẽ, ngay cả thói quen uống sữa tươi hàng ngày cũng mới chỉ hình thành khoảng gần 10 năm trở lại đây, tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, dưới tác động của sự phát triển kinh tế và sự thay đổi nhận thức của người dân về việc bổ sung dinh dưỡng từ sữa. Nhóm người này chủ yếu thuộc bộ phận dân cư có mức thu nhập khá và cao, mua sữa tươi thanh trùng và tiệt trùng cho con uống với mục tiêu tăng chiều cao cho trẻ em. Sữa chua chỉ là loại chế phẩm từ sữa mang tính bổ sung thứ yếu, không thường xuyên và đứng sau sữa tươi đối với hầu hết người Việt Nam.

Theo thống kê của Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO), mức tiêu thụ các loại sản phẩm làm từ sữa của người Việt Nam hiện nay khoảng là 14,8 lít một người/năm, cách khá xa so với Thái Lan (23 lít một người/năm). Trong khi các nhà khoa học đã nghiên cứu và chứng minh những công dụng to lớn của sữa chua đối với sức khỏe con người. Sữa chua được chế biến từ quá trình lên men sữa động vật (chủ yếu là sữa bò) với hàng triệu loại vi khuẩn có ích cho hệ tiêu hóa như: streptococcus lactic, lactobacillus caucasicus, streptococcus cremoris, nấm men… Sữa chua có thể được chế biến từ sữa nguyên kem hoặc sữa ít béo, sữa bột hoặc 100% sữa tươi có đường hoặc không đường, có bổ sung thêm nha đam… tùy nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng. Với tốc độ tiêu dùng sữa chua như hiện nay, dự kiến phải mất hơn 5 năm nữa Việt Nam mới nâng được tỷ lệ sử dụng sữa chua so với sữa tươi lên ngang bằng với Thái Lan (50/50). Nói cách khác, thị trường sữa chua trong nước là mảnh đất màu mỡ chờ các doanh nghiệp khai phá.

"Nguồn sống" của IDP

Trong mục tiêu phát triển ngành sữa Việt Nam đến năm 2025 của Bộ Công Thương, sữa chua được dự báo sẽ có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ. Theo tính toán của bộ này, đến năm 2015, tổng lượng sữa chua tiêu thụ trong cả nước dự kiến sẽ đạt từ 115.000-125.000 tấn. Con số này sẽ tăng đến 150.000-170.000 tấn vào năm 2020 và dự đoán đạt 200.000-220.000 tấn vào năm 2025.

Năm 2009, Công ty Nghiên cứu thị trường Euromonitor tiến hành nghiên cứu và công bố Vinamilk chiếm hơn 80% thị phần sữa chua tại Việt Nam trong cùng năm. Thời điểm đó, phần lớn các doanh nghiệp sản xuất sữa hoạt động trong nước đang mải mê lao vào tranh giành thị phần sữa tươi. Tuy nhiên, từ năm 2009, ông chủ Công ty cổ phần Sữa quốc tế (IDP) Nguyễn Tuấn Khải - đã âm thầm chuẩn bị để đón đầu "tương lai của ngành sữa" bằng việc, đặt nền móng cho dự án lớn mang tên "Nông trại bò sữa Việt Love’in Farm". Mục tiêu chính là phát triển đàn bò sữa, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong chăn nuôi bò sữa. Dự án có tổng vốn đầu tư 600 tỷ đồng này chia làm hai giai đoạn tại hai khu vực. Giai đoạn đầu (2009-2012) triển khai ở huyện Ba Vì (Hà Nội) và các vùng phụ cận với tổng mức đầu tư 100 tỷ đồng. Giai đoạn 2 (2013 -2020) mở rộng đến cao nguyên miền Trung, Bảo Lộc, Lâm Đồng, Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh).

Ông Khải cho biết, giai đoạn 1 đã có một số kết quả đáng khích lệ, bao gồm dự án đầu tư 30 tỷ đồng xây dựng trang trại bò mẫu ở Ba Vì nhằm cung cấp hơn 400 con bò giống cho người dân nuôi bò tại đây. Tới nay đàn bò này đã có số lượng lên tới 10.000 con (tại Ba Vì là 6.000 con, vùng phụ cận 4.000 con). Tính trung bình, một con bò sữa tại khu vực này cho lợi nhuận 18-20 triệu đồng/năm. Mục tiêu trong giai đoạn 2 của dự án là đến năm 2020 sẽ mua sữa tươi chất lượng cao từ đàn bò 50.000 con, với sản lượng sữa trung bình đạt 450-500 tấn/ngày.

Ông Trần Bảo Minh - Giám đốc Điều hành IDP cho biết, công ty của ông bắt đầu tung ra thị trường thương hiệu Love'in Farm từ ngày 15/1/2013 với các dòng sản phẩm sữa tươi nông trại Việt và sữa chua lần đầu tiên làm từ 100% sữa tươi. Ông Minh tiết lộ, hai sản phẩm sữa chua Love’in Farm (có đường và hương vị nha đam) là mũi nhọn của IDP cả trong ngắn hạn lẫn dài hạn. Tại thời điểm này, theo ông, sữa chua Love’in Farm có mức tiêu thụ đạt trung bình 15.000-17.000 thùng/ngày trên phạm vi cả nước.

"Công ty đặt mục tiêu tiêu thụ khoảng 20.000 thùng sữa chua/ngày trong tháng 6 này vì nhu cầu đang gia tăng nhanh chóng", ông Minh nói. Giám đốc Điều hành IDP cũng khẳng định: "sữa chua là nguồn nuôi sống công ty trong dài hạn".