Kênh bán lẻ Việt: Chọn hướng riêng

Theo baocongthuong.com.vn

Trước xu hướng nhiều kênh bán lẻ lớn rơi vào tay nhà đầu tư nước ngoài, các kênh bán lẻ nội địa đang nỗ lực giữ vững thị phần và khẳng định vị thế tại thị trường trong nước.

Nhiều thương hiệu bán lẻ Việt đã nỗ lực đầu tư, mở rộng hệ thống phân phối nhằm nâng cao sức cạnh tranh.. Nguồn: Internet
Nhiều thương hiệu bán lẻ Việt đã nỗ lực đầu tư, mở rộng hệ thống phân phối nhằm nâng cao sức cạnh tranh.. Nguồn: Internet

Không ngừng đầu tư

Tại cuộc họp Tổ Điều hành thị trường trong nước diễn ra mới đây, ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) nhận định, xu hướng các nhà đầu tư Thái Lan mua lại một số kênh bán lẻ như Big C, Metro là đáng quan tâm.

Tuy nhiên, nếu so sánh thị phần các kênh phân phối này trên tổng thị phần thị trường bán lẻ của nước ta nói chung, hơn 800 siêu thị hiện đại và trung tâm thương mại nói riêng thì chưa đáng ngại. Thay vì lo lắng, đầu tư để nâng cao hiệu quả cạnh tranh là việc cấp thiết phải làm của các kênh bán lẻ nội địa.

Nhận thức được điều này, nhiều thương hiệu bán lẻ Việt đã nỗ lực đầu tư, mở rộng hệ thống phân phối nhằm nâng cao sức cạnh tranh. Đơn cử, sau khi hoàn tất việc mua lại 3 hệ thống siêu thị Oceanmart, Vinatexmart và Maximark, tính đến hết quý I/2016, Tập đoàn Vingroup đã không ngừng phát triển hệ thống bán lẻ lên gần 600 điểm bán tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.

Với Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op), định hướng xuyên suốt là giữ vững và cải tiến hoạt động các điểm bán hàng hiện hữu, xây dựng các mô hình kinh doanh mới, phù hợp với nhiều phân khúc thị trường. Dự kiến trong 2 năm tới, Saigon Co.op sẽ mở thêm 10 siêu thị Co.opmart lớn ở các đô thị và 20 siêu thị vừa và nhỏ. Đến năm 2020, sẽ có 130 siêu thị Co.opmart, từ 8 - 10 đại siêu thị Co.opXtra và từ 3 - 5 trung tâm thương mại Sense City.

Để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng thủ đô, Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) đã phát triển mạnh hệ thống phân phối gồm 2 trung tâm mua sắm Hapro Shopping Centre; 40 siêu thị; trên 40 cửa hàng tiện ích Hapro mart; trên 40 cửa hàng, điểm kinh doanh thực phẩm an toàn Haprofood; trên 100 cửa hàng chuyên doanh điện, điện máy, điện dân dụng, may mặc… tại thủ đô Hà Nội và một số tỉnh, thành phố phía Bắc.

Trong tương lai, thị trường bán lẻ sẽ không thiếu các thương hiệu thuần Việt. Với những hướng đi riêng để tăng sức cạnh tranh, người tiêu dùng sẽ là đối tượng được hưởng lợi lớn nhất từ cuộc chiến trên thị trường bán lẻ.

Chọn hướng đi riêng

Có thể thấy xu hướng chung của các doanh nghiệp phân phối trong nước là đang chú trọng phát triển hệ thống siêu thị mini.

Khác với các siêu thị lớn thường nằm ở trung tâm, chuỗi siêu thị mini này có thể nằm sâu trong các khu dân cư với lượng hàng hóa được quay vòng liên tục, phục vụ tối đa nhu cầu mua sắm

Trước thực trạng báo động đỏ về an toàn thực phẩm, một trong những hướng đi khôn ngoan của các siêu thị nội địa là chọn phân phối các sản phẩm thực phẩm an toàn. Saigon Co.opmart đã thực hiện treo bảng giá công khai và có những khu riêng cho các mặt hàng thực phẩm, có bảng nhóm các mặt hàng đạt chuẩn VietGAP để người tiêu dùng an tâm chọn mua.

Mặc dù là thương hiệu mới nhưng VinGroup đã thực hiện đầu tư trực tiếp cho các đối tác, cũng như ký kết với các nhà sản xuất và cung ứng ở từng vùng, miền để phát triển các sản phẩm đạt chuẩn VietGAP mang thương hiệu VinEco.

VinGroup cũng không giấu tham vọng trở thành đơn vị hàng đầu trong việc cung ứng cho người tiêu dùng các loại thực phẩm đã được làm sạch như nhiều nhà phân phối lớn trên thế giới đã làm.