Kết quả tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp năm 2016 và những dự định năm 2017

ThS. Phạm Thị Tường Vân

Nhiều chính sách hỗ trợ trong năm 2016 đã được ban hành, sửa đổi nằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp được thực hiện ở cả hai cấp độ: cấp độ quốc gia và cấp độ doanh nghiệp đã mang lại những kết quả rõ rệt. Với hướng hỗ trợ năm 2017, hy vọng các doanh nghiệp sẽ tiếp tục được tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi hơn để phát triển.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Cùng với Nghị quyết số 19/2016/ NQ-CP ngày 18/3/2014 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia (Nghị quyết 19), Nghị quyết số 35/2016/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 (Nghị quyết 35) tạo thêm động lực đổi mới, thêm niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp.

Với mục tiêu hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn do những ảnh hưởng bất lợi từ nền kinh tế toàn cầu, các chính sách của Chính phủ đã dần tiệm cận với nhu cầu, mong muốn của doanh nghiệp, đã đi vào thực chất và đang phát huy hiệu quả. Niềm tin của doanh nghiệp thông qua đánh giá cao về sự cải thiện môi trường kinh doanh, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng, tình hình sản xuất công nghiệp và số thu ngân sách trong năm 2016. Cụ thể:

Môi trường kinh doanh ở Việt Nam đã tăng 9 bậc (82/190) so với năm trước, nhờ sự chuyển biến tích cực trong các chính sách của Chính phủ về thương mại biên mậu, chính sách thuế, đặc biệt là bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ. Môi trường khởi nghiệp, Việt Nam tăng 10 bậc (121/190) so với năm trước do những quy định về thủ tục hành chính (thời gian đăng ký, khắc dấu giảm) đã được cải thiện; tăng 11 bậc (từ 178 lên 167) trong quy trình làm thủ tục đóng thuế cho các doanh nghiệp.

Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng mạnh cả về số lượng, số vốn, tổng số lao động và tăng ở hầu hết các ngành, lĩnh vực. Trong đó, mức tăng về số lượng doanh nghiệp là 16,2%; mức tăng về tổng vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015 là 48,1%; số vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới tăng 27,5% so với cùng kỳ năm trước.

Xét về ngành, lĩnh vực, một số ngành tăng mạnh như: Kinh doanh bất động sản tăng 83,9% về số doanh nghiệp và tăng  234,2% về vốn đăng ký tương tự; thông tin và truyền thông tăng  9,7% và tăng  128,1%; tài chính ngân hàng và bảo hiểm tăng  26,7% và tăng  84,4%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng  18,9% và tăng  60,4%; hoạt động dịch vụ khác tăng  35,5% và tăng  87,7%... 

Tổng số lượng doanh  nghiệp đang hoạt động đến cuối năm 2016 gần 130 nghìn doanh nghiệp, đạt kỷ lục trong vòng 6 năm trở lại đây. Các doanh nghiệp mới này đã giúp đẩy thêm tổng cộng hơn 2,2 triệu tỷ đồng vào nền kinh tế.

Không chỉ tích cực về số doanh nghiệp hoạt động, thành lập mới, môi trường kinh doanh tốt còn thể hiện số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong năm 2016 chỉ là hơn  60.667 doanh nghiệp, đã giảm  15,2% so với cùng kỳ năm trước.

Tình hình sản xuất công nghiệp vẫn tiếp tục xu thế tăng trưởng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước, cao nhất ở một số ngành sản xuất kim loại tăng 17,9% và dệt tăng 17,3%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 12,6%; sản xuất và phân phối điện tăng 10,8%; chỉ số tiêu thụ sản phẩm và chỉ số hàng tồn kho tiếp tục tăng nhẹ. Chỉ số PMI tháng 12 đạt 52,4 điểm cho thấy các điều kiện kinh doanh được cải thiện.

Nhờ các chính sách hỗ trợ, các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong năm 2016 đã góp phần làm tăng nguồn thu cho NSNN thông qua thu nội địa từ thuế và từ các khu vực doanh nghiệp trong nước.

Thu tiền sử dụng đất năm 2016 bằng 155,8% dự toán năm; thu thuế công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài Nhà nước bằng 100,8%; thuế bảo vệ môi trường bằng 100,7%; thuế thu nhập cá nhân bằng 97%; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) bằng 92,9%; và thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước bằng 75,6% dự toán năm.

Hỗ trợ doanh nghiệp từ cấp độ quốc gia

Từ cấp độ quốc gia, các chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp được thực hiện thông qua việc hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung chính sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt các chính sách về thuế GTGT, thuế TTĐB. Theo đó, quy định về thuế GTGT  hướng đến tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp:

Bổ sung hai đối tượng thuộc diện hoàn thuế trước kiểm tra sau, một mặt tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế tuân thủ tốt pháp luật thuế được nhanh chóng giải quyết hoàn thuế và đơn giản hóa thủ tục giải quyết hoàn thuế; mặt khác, thúc đẩy người nộp thuế tuân thủ pháp luật thuế để được hưởng những thuận lợi về thủ tục thuế;

Mở rộng đối tượng không thuộc diện chịu thuế đối với các hoạt động dịch vụ mang tính bảo trợ, an sinh xã hội, như: Dịch vụ y tế, dịch vụ thú y bao gồm dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, phòng bệnh cho người và vật nuôi; đồng thời bổ sung thêm dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, người khuyết tật để họ có cơ hội thụ hưởng dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, dưỡng lão với mức giá hợp lý;

Quy định về hoàn thuế gồm: Không thực hiện đối với sản xuất kinh doanh khâu nội địa nhằm thúc đẩy doanh nghiệp tăng cường biện pháp quản lý, đẩy nhanh tốc độ luân chuyển hàng hóa, giảm hàng tồn kho; khuyến khích doanh  nghiệp dịch vụ xuất khẩu thông qua hoàn thuế hằng tháng, quý nếu số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ từ 300 triệu trở lên; quy định chi tiết các trường hợp được khấu trừ thuế đối với cơ sở kinh doanh có dự án đầu tư mới có số thuế GTGT  còn lại từ 300 triệu đồng và số thuế GTGT cho hàng hóa dịch vụ sử dụng cho đầu tư mà chưa được khấu trừ; rút ngắn thời gian hoàn thuế.

Để thực hiện nguyên tắc đối xử công bằng giữa hàng nông sản nhập khẩu và hàng nông sản được sản xuất trong nước, nhằm bảo đảm sự bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài, Luật Thuế GTGT đã quy định cụ thể từng đối tượng, từng khâu sản xuất trong việc xác định đối tượng chịu thuế GTGT.

Luật Quản lý thuế sửa đổi chia sẻ khó khăn, tạo thuận lợi cho người nộp thuế thông qua quy định giảm mức phạt chậm nộp thuế từ 0,05%/ngày xuống mức 0,03%/ ngày để phù hợp với mặt bằng lãi suất ngân hàng, không thực hiện biện pháp cưỡng chế thuế đối với trường hợp được cho phép nộp dần tiền nợ thuế nhưng không quá 12 tháng.

Việc nộp dần tiền nợ thuế sẽ được xem xét trên cơ sở đề nghị của người nộp thuế nếu có bảo lãnh của tổ chức tín dụng. Ngoài ra, Luật cũng bổ sung quy định trường hợp người nộp thuế cung ứng hàng hoá, dịch vụ được thanh toán bằng nguồn vốn NSNN nhưng chưa được thanh toán nên không có tiền để nộp kịp thời các khoản thuế dẫn đến nợ thuế thì không phải nộp tiền chậm nộp tính trên số tiền thuế còn nợ.

Số tiền chậm nộp thuế mà doanh nghiệp được miễn trừ không vượt quá số tiền NSNN chưa thanh toán và phát sinh trong thời gian NSNN chưa thanh toán.

Thuế TTĐB sửa đổi hướng đến xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng, bảo vệ hàng hóa chịu thuế TTĐB được sản xuất trong nước đã quy định cụ thể về giá tính thuế nhằm bảo đảm sự bình đẳng về giá tính thuế, cách tính thuế và mức thuế giữa hàng hoá sản xuất ở Việt Nam và hàng hoá nhập khẩu.

Giá bán làm căn cứ xác định giá tính thuế TTĐB không thấp hơn tỷ lệ 7% so với giá bình quân của các cơ sở kinh doanh thương mại mua trực tiếp của cơ sở sản xuất, nhập khẩu bán ra.

Như vậy, sản phẩm chịu thuế TTĐB của các doanh nghiệp trong nước đã được Chính phủ bảo đảm công bằng, bình đẳng với sản phẩm nhập khẩu cùng loại hoặc tương đương từ các doanh nghiệp nước ngoài.

Đồng thời, để ngăn ngừa việc tránh thuế TTĐB của các doanh nghiệp sử dụng mô hình công ty mẹ/con, mô hình liên kết, đầu tư sở hữu chéo… thông qua việc chuyển giá nhằm đảm bảo cạnh tranh công bằng giữa các khu vực doanh nghiệp trong hoạt động kinh tế, trường hợp hàng hóa chịu thuế TTĐB được bán cho các doanh nghiệp có mối quan hệ với nhau (quan hệ mẹ - con; quan hệ hợp đồng cung cấp - sản xuất; quan hệ đồng cấp giữa các công ty con…) đều phải áp dụng giá tính thuế TTĐB không được thấp hơn tỷ lệ % so với giá bình quân của các cơ sở kinh doanh thương mại mua trực tiếp của cơ sở sản xuất, nhập khẩu bán ra theo quy định của Chính phủ.

Hỗ trợ từ cấp độ doanh nghiệp

Các chính sách hỗ trợ từ cấp độ doanh nghiệp tập trung vào giải quyết vấn đề về vốn, các thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc tận dụng các cơ hội kinh doanh.

Về vốn, 4 chương trình hỗ trợ tài chính năm 2016 đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa của Quỹ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa được triển khai trên phạm vi toàn quốc thông qua 3 ngân hàng nhận ủy thác là Vietcombank, BIDV và HDBank với lãi suất cố định trong suốt thời hạn vay vốn là 7%/năm, tập trung cho vay với mục đích chủ yếu là đầu tư cơ bản, trong đó phần lớn tập trung vào nguồn vốn mua sắm thiết bị, dây chuyền công nghệ, thay vì cho vay với mục đích làm vốn lưu động nhằm tạo cơ sở hạ tầng ban đầu cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp tham gia chuỗi sản xuất, hoặc sản phẩm công nghiệp phụ trợ điện tử, cơ khí… hoạt động.

Điều kiện được vay được mở rộng và “thoáng hơn” với tài sản đảm bảo không vượt quá 100% giá trị khoản vay hoặc có thể sử dụng tài sản hình thành từ vốn vay làm tài sản đảm bảo. Phương thức trả nợ đa dạng, phù hợp với dòng tiền của doanh nghiệp, có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp trả nợ vay trước thời hạn.

Về thủ tục hành chính, triển khai Nghị quyết 19, tính đến ngày tháng 11/2016 đã thực hiện chuẩn hóa các thủ tục hành chính thuế rút xuống còn tổng cộng 300 thủ tục, giảm thêm được 85 thủ tục so với thời điểm ngày 31/12/2015 (đạt tỷ lệ 22,1%) tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người nộp thuế.

Mở rộng triển khai áp dụng khai thuế và nộp thuế điện tử đối với các doanh nghiệp trên toàn quốc, đạt tỷ lệ trên 99,7% số doanh nghiệp đang tham gia khai thuế điện tử; doanh nghiệp đăng ký tham gia nộp thuế điện tử, chiếm 96,7%; số lượng doanh nghiệp thực tế sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử đạt trên 93%, với số tiền đã nộp NSNN từ đầu năm đến nay đạt trên 404 nghìn tỷ đồng. 100% các quy trình thủ tục hải quan cơ bản đã được tự động hóa trên phạm vi toàn quốc; ngành Hải quan đã cung cấp được 181 dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 73 dịch vụ đạt cấp độ 4 (cao nhất) về mức độ thông thoáng, thuận lợi liên quan đến các thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan.

Cơ chế một cửa quốc gia đã được triển khai mở rộng và kết nối chính thức được 10/14 bộ, với 36 thủ tục hành chính của các bộ, ngành liên quan đã được thực hiện.

Hướng hỗ trợ năm 2017

Mặc dù đã đạt được một số kết quả ấn tượng đáng khích lệ, tuy nhiên trong thực tế các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa hết khó khăn. Hầu hết các doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn, vướng mắc các vấn đề trong lĩnh vực đất đai và môi trường, các vấn đề liên quan đến thuế và các vấn đề về cải cách hành chính, vấn đề về thủ tục đầu tư cần tiếp tục được tháo gỡ.

Do đó, để tiếp tục triển khai các nội dung của Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35, đồng thời tiếp tục nâng bậc xếp hạng về môi trường kinh doanh, phấn đấu môi trường kinh doanh tối thiểu bằng trung bình của Thái Lan, Malaysia, Singapore và Philippines (ASEAN 4) theo, một số nội dung vẫn cần được hoàn thiện, sửa đổi nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Cụ thể:

Tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp. Tiếp tục phấn đấu giảm bớt số lượng thủ tục và rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục theo nội dung của Nghị quyết 19.

Thu hút đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia gắn với phát triển doanh nghiệp trong nước và công nghiệp hỗ trợ. Phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ; nâng cao hiệu quả hoạt động của các quỹ, phát triển thị trường khoa học công nghệ gắn với bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

Thực hiện có hiệu quả các chính sách ưu đãi, nhất là về thuế, tín dụng, đất đai, nhân lực để hỗ trợ sản xuất kinh doanh, khuyến khích ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, khuyến nông, sản xuất chế biến tiêu thụ nông sản. Đẩy mạnh phát triển hợp tác xã kiểu mới và các mô hình kinh tế hợp tác hiệu quả.

Theo đó, trong năm 2017, một số các chính sách sẽ được triển khai như: Mức ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động đầu tư, cải tạo chung cư cũ là 15% sẽ được thực hiện trong năm 2017 - 2018; giảm 50% thuế thu nhập cá nhân phải nộp đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của các cá nhân là nhân lực công nghệ cao ở các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các ngành, lĩnh vực thực sự cần khuyến khích.

Về lâu dài, tiếp tục triển khai mở rộng phạm vi cho lĩnh vực công nghệ thông tin thuộc lĩnh vực công nghệ cao, ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, chế biến nông sản đối trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; doanh nghiệp nhỏ và vừa được giảm thuế suất phổ thông xuống còn 17% áp dụng trong thời hạn tối đa 4 năm (giai đoạn 2017 -2020); các chính sách về đất đai; chính sách về vốn thông qua hoàn thiện quy chế hoạt động của Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua ban hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa…; Luật Phí và Lệ phí số 97/2015/QH13 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2017 với nhiều quy định tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, trong đó thực hiện bãi bỏ, đưa ra khỏi Danh mục phí, lệ phí trước đó đối với 70 khoản phí (bãi bỏ 26 khoản phí và chuyển 44 khoản phí sang thực hiện theo cơ chế giá) và 68 khoản lệ phí...

Hướng tiếp tục hoàn thiện chính sách theo nguyên tắc hỗ trợ đúng đối tượng, đúng chỗ, đúng lĩnh vực và kịp thời, đảm bảo công bằng, bình đẳng cho các doanh nghiệp, xây dựng một môi trường kinh doanh theo kịp các nước trong khu vực, và không làm giảm nguồn thu NSNN… là những hành động thiết thực của Chính phủ kiến tạo, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức, ổn định sản xuất, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm thực hiện tốt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.