Khẳng định vai trò doanh nghiệp tư nhân trong nền kinh tế

Theo daibieunhandan.vn

Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã khẳng định: “Kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế”. Mặc dù vai trò của khu vực kinh tế này đã được khẳng định rõ, nhưng mong mỏi chung của cộng đồng doanh nhân trong nước là khoảng cách từ chủ trương, chính sách đến chuyển biến thực tế phải được rút ngắn.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Động lực quan trọng của nền kinh tế

Khẳng định trên tại Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội lần thứ XII đã nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân, doanh nghiệp. Bởi có thể thấy, trong thời bao cấp, kinh tế tư nhân không được coi trọng và bị loại bỏ. Trong quá trình 30 năm đổi mới, kinh tế bao cấp, kế hoạch hóa đã được xóa bỏ, chuyển sang kinh tế hàng hóa, nhiều thành phần tham gia sản xuất, kinh doanh. Sự thay đổi tính chất nền kinh tế đã giúp khu vực tư nhân dần được khôi phục.

Đến nay, theo số liệu thống kê, khu vực tư nhân tạo ra đến 90% việc làm mới cho người lao động và đóng góp khoảng 50% GDP cả nước. Khu vực này có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm phúc lợi và thu nhập cho người lao động trên cả nước.

Khu vực tư nhân dần lớn mạnh và khẳng định vai trò ngày càng quan trọng của mình đối với nền kinh tế đất nước. Nhưng trong các văn bản của Đảng, Nhà nước chưa đề cập rõ vai trò của khu vực này. Sự chuyển dịch khá chậm này có thể nhìn rõ trong các bản Hiến pháp gần đây. Hiến pháp năm 1992 và bản sửa đổi, bổ sung năm 2001 đều chỉ đưa ra quan điểm giải phóng mọi năng lực sản xuất, phát huy mọi tiềm năng của các thành phần kinh tế gồm: kinh tế quốc doanh, kinh tế tập thể, kinh tế cá thể, kinh tế tư bản tư nhân và kinh tế tư bản Nhà nước.

Cơ cấu kinh tế nhiều thành phần với các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh đa dạng, dựa trên chế độ sở hữu toàn dân, sở hữu tập thể, sở hữu tư nhân, nhưng sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể là nền tảng. Nói cách khác, khu vực kinh tế tư nhân mới được ghi nhận sự tồn tại của mình, chưa được thừa nhận vai trò. Hiến pháp năm 2013 có bước tiến hơn, khi khẳng định các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế đều bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật.

Mặc dù Hiến pháp năm 2013 có bước tiến so với các bản Hiến pháp trước đó, nhưng vai trò của khu vực kinh tế tư nhân cần được tiếp tục khẳng định rõ hơn trong các văn bản khác của Đảng, Nhà nước. Bởi sự khẳng định rõ hơn này sẽ tạo nhận thức thống nhất trong cả hệ thống chính trị, từ đó có thể dành nguồn lực đầu tư lớn hơn cho khu vực này.

Hơn nữa, doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân đang chịu nhiều thiệt thòi so với khu vực doanh nghiệp nhà nước, mà lại khó cạnh tranh được với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Vì vậy, để bảo đảm phúc lợi và thu nhập cho đông đảo người lao động trên cả nước phải có chính sách phù hợp với lực lượng sản xuất, kinh doanh này.

Quy mô và nội lực còn yếu

Dù khu vực kinh tế tư nhân đang vươn lên mạnh mẽ, song quy mô và nội lực đa phần còn nhỏ và yếu. Thực tế, 96% doanh nghiệp trong nước đang có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, 2% doanh nghiệp quy mô vừa và 2% doanh nghiệp lớn. Điều đáng lo ngại hơn theo Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương Trần Đình Thiên là quy mô doanh nghiệp trong nước đang nhỏ dần, khi tỷ lệ hộ kinh doanh nhỏ, hộ gia đình hiện nay tăng hơn 10 năm trước. Doanh nghiệp có quy mô nhỏ, tức là có dưới 10 lao động tăng từ 60 - 67% kể từ năm 2007 đến 2013.

Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp có quy mô trung bình lại đang giảm nhanh. Nói cách khác, doanh nghiệp tư nhân dù số lượng lớn nhưng nội lực vẫn nhỏ - ông Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

Có thể thấy, doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp của người dân. Quy mô của doanh nghiệp tư nhân thể hiện sức mạnh kinh tế, năng lực quản trị của người dân mỗi quốc gia. Vậy nguyên nhân nào khiến quy mô nền kinh tế tăng, nhưng quy mô doanh nghiệp của người dân lại giảm trong những năm gần đây? Các chuyên gia kinh tế cho rằng, sự bé lại của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam trong những năm gần đây do một phần bởi kinh tế thế giới có nhiều biến động, kinh tế trong nước khó khăn. Nhưng chủ yếu do năng lực quản trị còn hạn chế; chưa có ý thức khởi nghiệp trong nhân dân; công nghệ - kỹ thuật lạc hậu…

Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XII cũng đã khẳng định vai trò quan trọng của doanh nghiệp tư nhân trong nền kinh tế. Sự thay đổi tư duy này của Đại hội XII được cộng đồng doanh nghiệp hoan nghênh. Nhưng nước ta đang hội nhập sâu vào kinh tế thế giới, nhất là tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) không cho phép “chậm trễ” trong thực hiện cải cách, đổi mới đất nước. Vì vậy, theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu, quản lý kinh tế Trung ương Trần Đình Thiên, để xứng đáng là nền tảng, động lực quan trọng của nền kinh tế, thì khu vực tư nhân Việt Nam, đặc biệt là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, cần được Nhà nước hỗ trợ nhiều hơn.

- Tại Việt Nam có 36% doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào mạng lưới sản xuất (bao gồm xuất khẩu trực tiếp và gián tiếp), trong khi ở Thái Lan và Malaysia tỷ lệ này là 60%.

- Chỉ có 21% doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu so với 30% của Thái Lan, 46% của Malaysia. Điều này khiến doanh nghiệp nhỏ và vừa nước ta ít có khả năng được hưởng lợi từ hiệu ứng lan tỏa của FDI qua chuyển giao công nghệ, chuyển giao kiến thức và nâng cao năng suất.

- Doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng góp 16,8% kim ngạch xuất khẩu cả nước, trong khi doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp FDI đóng góp 83,2%.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam