Khi Bầu Đức cần bạc chẵn

Theo nhipcaudautu.vn

Tham vọng thu tỉ USD từ thị trường bất động sản Myanmar, Bầu Đức chấp nhận hy sinh các dự án thủy điện dù đã đến hồi hái quả.

 Khi Bầu Đức cần bạc chẵn
Đầu tư lớn trong khi tiền bán điện thu về lại nhỏ giọt nên việc Bầu Đức hy sinh thủy điện để ưu tiên cho những dự án tốt hơn là điều dễ hiểu. Nguồn: nhipcaudautu.vn
Có lẽ chưa có khi nào công ty Hoàng Anh Gia Lai của ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) xuất hiện nhiều trên truyền thông như nửa đầu năm 2013 này.Khởi đầu trong một thông báo ngắn giữa tháng 1.2013 là thông tin ông Đức rút khỏi vị trí Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Xây dựng và Phát triển nhà Hoàng Anh, thay vào đó là ông Lê Hùng. Một ngày sau tin thay đổi nhân sự, bầu Đức đón nhận tin vui nhà máy mía đường tại Lào ra mẻ đường trắng kết tinh đầu tiên.

Đồng thời, trung tâm nhiệt điện 30 MW dùng nhiên liệu chính là bã mía đã phát điện hòa vào lưới điện quốc gia Lào. Tiếp đó là dồn dập những tin tức về các dự án xây khách sạn, sân bay tại Lào. Tin vui từ Lào vừa dứt, tháng 2, bầu Đức tất bật mang máy móc sang, vật tư sang Myanmar để xây cao ốc.

Tuy nhiên, những tin vui của HAGL bắt đầu thưa dần khi Bầu Đức quay lại Việt Nam để chủ trì đại hội cổ đông của Tập đoàn vào tháng 4. Đây cũng là lúc ông tuyên bố buông bất động sản Việt Nam và không mở rộng các dự án quặng sắt.

Đỉnh điểm của luồng tin dữ là khi Global Witness, một tổ chức phi chính phủ hoạt động về môi trường, cáo buộc HAGL phá rừng để trồng cao su. Mọi chuyện tưởng chừng như bắt đầu yên ả khi chuyện phá rừng tạm lắng xuống thì cuối tháng 6 Bầu Đức lại tạo dư luận khi công bố bán hết các dự án thủy điện và bất động sản tại Việt Nam.

Chính phủ Việt Nam, Lào vào Campuchia cấm xuất khẩu khẩu quặng thô nên việc không mở rộng lĩnh vực khai khoáng là quyết định hợp lý. Buông các dự án bất động sản tại Việt Nam cũng là điều dễ hiểu khi thị trường vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc rõ rệt. Nhưng với thủy điện, một lĩnh vực đang tới kỳ hái quả và có sứ mệnh tạo dòng tiền ổn định cho HAGL, thì quyết định bán đặt ra nhiều dấu hỏi cho các nhà đầu tư. Và liệu Bầu Đức có thể bán được giá và có lãi như đã đề ra?

Chỉ là vấn đề dòng tiền

Theo Nghị quyết Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai công bố ngày 24.6 thì lý do của việc tái cấu trúc lĩnh vực thủy điện và bất động sản là bán để thu tiền mặt về dự trữ và giảm nợ vay.

Nợ vay luôn là vấn đề của HAGL. Đến cuối quý I/2013, tổng nợ phải trả của HAGL lên đến hơn 21.700 tỉ đồng, trong đó, các khoản nợ vay là 17.200 tỉ. Theo ước tính của Công ty Chứng khoán TP.HCM (HCM), với số nợ vay này HAGL sẽ phải trả gần 1.600 tỉ đồng tiền lãi trong nay năm; trong đó khoảng 900 tỉ được vốn hóa vào giá trị đầu tư còn lại gần 700 tỉ tính vào chi phí tài chính.

“Bản chất nợ của HAGL không làm tôi lo lắng. Ai đó nói tôi cưỡi trên lưng cọp nhưng tôi vẫn ngủ ngon vì biết mình trong khu vực an toàn”, ông Đức nói trong Đại hội Cổ đông 2013.

Quả thực, với 2.444 tỉ đồng tiền và các khoản tương đương tiền hiện có, cộng với 1.000 tỉ vừa huy động thêm từ việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu vào giữa tháng 6 vừa qua, HAGL không đến nỗi quá lo lắng về khả năng trả nợ. Ngoài ra, tình hình nợ của HAGL sẽ còn giảm thêm khi hoán đổi 1.500 tỉ trái phiếu quốc tế thành cổ phiếu vào quý II vừa qua. Và quan trọng là họ vẫn làm ăn có lời để trả lãi vay. Quý I/2013 HAGL vẫn đạt 107 tỉ đồng lợi nhuận.

Vấn đề nằm ở chỗ HAGL muốn có nhiều tiền mặt dự trữ. Năm 2013, để trả lãi vay, chi phí đầu tư cho các dự án cao su, mía đường và các hoạt động kinh doanh của Tập đoàn, HAGL cần khoảng 3.500 tỉ đồng (theo cáo bạch phát hành cổ phiếu bổ sung vốn của HAGL). Đặc biệt, để xây dựng dự án bất động sản tại Myanmar, HAGL sẽ phải chi ra một số tiền rất lớn.

Dự án tổ hợp khách sạn, trung tâm thương mại, văn phòng, căn hộ cao cấp tại Yangon ban đầu được HAGL dự định đầu tư khoảng 300 triệu USD, nhưng sau đó đã được điều chỉnh vốn lên đến 440 triệu USD, tức hơn 9.300 tỉ đồng.

Chưa biết mức đầu tư cho giai đoạn 1 là bao nhiêu, nhưng nếu giai đoạn này cần 1/2 tổng số vốn của toàn dự án thì HAGL sẽ cần gần 5.000 tỉ đồng có thêm 140 triệu USD tức khoảng 2.800 tỉ đồng (họ đã được các ngân hàng cho vay 40 triệu USD).

Trong khi nhu cầu vốn đầu tư lớn thì nguồn thu của Tập đoàn này đang ngày càng eo hẹp. Năm 2013, nếu đạt được kịch bản đẹp nhất là bán được căn hộ, doanh thu dự kiến của HAGL là khoảng 3.600 tỉ đồng. Tuy nhiên, khả năng này rõ ràng là khó xảy ra với tình hình thị trường hiện nay.

HAGL từng rất thành công trong việc huy động vốn quốc tế, nhưng theo đánh giá của Công ty Chứng khoán BIDV (BSC), vụ cáo buộc của Global Witness sẽ phần nào gây khó khăn cho HAGL trong việc phát hành trái phiếu quốc tế, cũng như tìm kiếm nhà đầu tư nước ngoài.

Đây có lẽ là lý do chính khiến Bầu Đức quyết định bán các dự án thủy điện và bất động sản để lấy vốn. Thêm vào đó, việc bán các dự án này không chỉ mang về nguồn vốn lớn cho HAGL mà còn giảm bớt áp lực vốn đầu tư.

Ai mua thủy điện của HAGL?

Theo bản cáo bạch 2013 của HAGL, tính đến cuối năm 2012 họ đã đưa vào vận hành 4 nhà máy thủy điện với tổng công suất là 141,5 MW. Riêng 4 dự án này đã tốn hơn 3.000 tỉ đồng vốn đầu tư. Bên cạnh đó, Tập đoàn còn có 3 dự án đang xây dựng với công suất tương đương. Đến cuối năm 2012, các dự án này mới được đầu tư 10% và thiếu hơn 3.000 tỉ nữa để hoàn thiện.

Đầu tư lớn, trong khi tiền bán điện thu về lại nhỏ giọt, nên việc Bầu Đức hy sinh thủy điện để ưu tiên cho những dự án tốt hơn là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, khi thông tin HAGL bán dự án thủy điện đưa ra, giới quan sát tỏ vẻ nghi ngờ khả năng thành công của thương vụ này. Nghi ngại này không phải không có lý, bởi tại Việt Nam cho đến nay chưa ghi nhận thương vụ M&A nào trong lĩnh vực thủy điện, ngoại trừ đầu tư tài chính.

“Về bất động sản, HAGL đã bán được 1 dự án. Đối với thủy điện, chúng tôi chỉ bán những dự án tại Việt Nam và vẫn đang trong quá trình đàm phán nên chưa tiện công bố lúc này”, ông Võ Trường Sơn, Phó Tổng Giám đốc HAGL nói với NCĐT về tiến độ tái cấu trúc của lĩnh vực thủy điện và bất động sản.

Trong khi đó, trao đổi với NCĐT, đại diện một cổ đông lớn của HAGL (không muốn nêu tên) cho biết, hiện thương vụ bán các dự án thủy điện của HAGL đã hoàn tất và có thể sẽ công bố trong vài tuần tới. “Khách hàng là một nhóm nhà đầu tư trong nước và họ mua cả 6 dự án của HAGL. HAGL bán được giá và có lãi”, vị này cho biết thêm.

Thông tin người mua là nhóm nhà đầu tư trong nước xem ra khá hợp lý, bởi cho đến nay lĩnh vực thủy điện chưa ghi nhận doanh nghiệp ngoại nào tham gia. “Đầu tư kinh doanh thủy điện không phức tạp nhưng nó đòi hỏi nhiều vốn và theo đặc thù của từng địa phương. Doanh nghiệp không chỉ có phát điện thu tiền mà còn phải đáp ứng những tiêu chuẩn lằng nhằng như xả lũ, chống hạn. Ngoài ra, do giá mua điện thấp, thị trường điện cạnh tranh của Việt Nam vẫn chưa hình thành nên cũng không hấp dẫn các nhà đầu tư ngoại lắm”, ông Võ Thành Trung, Tổng Giám đốc Công ty Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh, nhận định.

Theo ông Trung, từ trước đến nay ông chỉ biết có một nhà đầu tư của Na Uy là Công ty SN Power (Na Uy), trực thuộc Tập đoàn Điện lực Na Uy do Chính phủ Na Uy quản lý, là muốn đầu tư vào thủy điện ở Việt Nam. “Công ty này từng muốn mua lại một số dự án thủy điện của Nhà nước và tư nhân tại Việt Nam, nhưng cho đên nay vẫn chưa mua được dự án nào”, ông Trung cho biết.

Bên cạnh đó, thủy điện vốn là lĩnh vực rất hấp dẫn các doanh nghiệp ở Việt Nam. Kể từ năm 2003, khi Nhà nước chính thức cho phép tư nhân tham gia làm thủy điện theo chính sách BOO (đầu tư - sử dụng - sở hữu), đã có một làn sóng đầu tư vào lĩnh vực được đánh giá là rất tiềm năng này.

Sức hút của ngành này sẽ càng mạnh khi Chính phủ chủ trương hạn chế cấp phép đầu tư vào lĩnh vực thủy điện. Vấn đề là với tình hình hiện nay, liệu có nhà đầu tư trong nước nào có đủ tiền để “chồng” cho bầu Đức?

Quan sát trên thị trường cho thấy, ngoài HAGL, một số doanh nghiệp tư nhân quan tâm đến lĩnh vực thủy điện có thể kể đến là Tập đoàn Trung Nam, Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn, Tổng Công ty Cao su Việt Nam, Tập đoàn Đức Long Gia Lai, Tập đoàn Hà Đô, Quốc Cường Gia Lai, Tập đoàn Bitexco... Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp này đều kinh doanh bất động sản nên trong tình hình thị trường hiện nay họ khó có được nguồn tài chính để mua.

Ai mua các dự án thủy điện của HAGL chỉ một thời gian ngắn nữa thôi sẽ được công bố. Tuy nhiên, câu chuyện khiến giới đầu tư quan tâm hơn là là sau khi có được một cục tiền HAGL sẽ đầu tư vào đâu.

Ván bài hốt bạc ở Myanmar

Như đã phân tích ở phần đầu, dự án khu phức hợp ở Myanmar sẽ là ưu tiên số 1 trong năm 2013 và 2014 của HAGL. Theo ông Đức, khu phức hợp tại Myanmar sẽ cứu ngành bất động sản của HAGL. Nếu không có dự án này, mảng địa ốc của Tập đoàn phải “dựa hơi” cao su, thủy điện để tồn tại trong nhiều năm nữa vì thị trường trong nước chưa thoát khỏi khó khăn. “Thị trường bất động sản Yangon còn rất sơ khai. Vài năm nữa thị trường này sẽ nóng bừng bừng, có thể kiếm tỉ đô như chơi, nhưng ai nhanh chân mới được ăn trước”, Bầu Đức nói.

Từng chứng kiến nhiều cơn nóng lạnh của thị trường bất động sản Việt Nam, đầu tư bất động sản tại Thái Lan và nay là Myanmar, Bầu Đức cho rằng bí quyết sống còn là đến sớm nhất và phải thu được cả vốn lẫn lời khi độ nóng của thị trường đạt 800C.

“Ban đầu, khi lựa chọn đất để triển khai dự án này, chúng tôi áp dụng chuẩn xây dựng khác và cũng dự kiến quy mô nhỏ hơn. Nhưng sau đó, Chính phủ Myanmar yêu cầu áp dụng chuẩn xây dựng của Mỹ, đồng thời bắt buộc phải xây các công trình bất động sản loại A, nên HAGL quyết định tăng tổng mức đầu tư”, Bầu Đức cho biết.

Chia sẻ tại Đại hội Cổ đông, Bầu Đức cho biết ông đã khảo sát thị trường Myanmar 2 năm qua và thu về những con số rất ngạc nhiên nên quyết tâm dồn lực cho dự án này.

Cụ thể, phí cho thuê văn phòng hạng B ở Yangon là 80 USD/m2/tháng, cao hơn TP.HCM gấp 4 lần. Văn phòng hạng A 100 USD/m2/tháng, cao hơn TP.HCM 3,3 lần nhưng hầu như không có hàng. Căn hộ dịch vụ một phòng ngủ rộng 60 m2 giá 5.000 USD/tháng, gấp 2,5 lần Việt Nam; loại 2-3 phòng ngủ lên tới 8.000 USD/tháng. Khách sạn 4 sao khá cũ giá 300-400 USD/đêm và luôn kín phòng vì thiếu hụt nguồn cung.

Vì thế, HAGL đã tự tin tính toán rằng, một khi dự án này đi vào hoạt động từ năm 2015 sẽ mang lại 160 triệu USD lợi nhuận mỗi năm. Con số này cao hơn nhiều so với doanh thu của lĩnh vực thủy điện. Năm 2012, doanh thu từ thủy điện chỉ đạt 139 tỉ đồng, chiếm 3,2% trong tổng doanh thu của HAGL. Dự kiến năm 2013 và 2014 cũng chỉ đạt khoảng 444 tỉ đồng.