Khi doanh nghiệp hồi sinh

Theo doanhnhansaigon.vn

(Tài chính) Một phần do hiệu ứng của các chính sách vĩ mô như tỷ giá ổn định, lãi suất hạ, hoãn giảm thuế…, phần khác nhờ vào nội lực, rút kinh nghiệm công tác quản trị và nhất là đòi hỏi sinh tồn, một số doanh nghiệp đã hồi sinh từ đống tro tàn của chính mình, vươn lên thoát ra khỏi khó khăn từ năm đáy khủng hoảng 2013.

 Khi doanh nghiệp hồi sinh
Một số doanh nghiệp đã hồi sinh từ đống tro tàn của chính mình. Nguồn: internet

Thay đổi phương thức mua bông

Không ai có thể ngờ Công ty cổ phần Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công (TCM), thường được biết đến dưới cái tên Dệt May Thành Công, một thời là doanh nghiệp trụ cột của Vinatex, lại thua lỗ trong năm 2012.

Trước đó, sáu năm liền sau khi cổ phần hóa và niêm yết, TCM chưa biết lợi nhuận âm là gì. Công ty lại có đối tác chiến lược nước ngoài rất mạnh trong mảng thời trang, bán lẻ là E-Land Asia Holdings của Singapore. Vì lỗ, thị giá cổ phiếu quý IV/2012 của TCM chỉ còn 5.000 đồng, giảm gần 10 lần so với mức đỉnh hơn 50.000 đồng của năm 2007.

Nhờ quy trình khép kín với khả năng sản xuất từ đầu vào cơ bản là bông, TCM là doanh nghiệp dệt may duy nhất hiện tại của Việt Nam đáp ứng được quy định “từ sợi trở đi” của TPP (Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương).

Lợi thế này đáng lẽ phải được phát huy, nhưng nó bất ngờ trở thành điểm yếu. Trong khi hiệu quả kinh doanh các sản phẩm may mặc, dệt sút giảm, TCM đã sai lầm năm 2011 do những tính toán không hợp lý từ mua bông, nguồn nguyên liệu đầu vào chủ yếu, trên thị trường quốc tế với giá cao. Ngay lập tức mảng kinh doanh sợi lỗ. Do doanh thu từ sợi chiếm khoảng 40% tổng doanh thu của công ty, TCM “ngã quỵ”.

Thông thường TCM mua bông với tỷ lệ 30% trên thị trường giao ngay và 70% trên thị trường kỳ hạn. Khi giá bông tăng lên kỷ lục 160 cents/pound vào năm 2011 (so với mức giá hiện tại khoảng 89-90 cents/pound, tức bằng hơn phân nửa thời điểm đó), chi phí đầu vào của công ty tăng vọt.

Điều này đã từng xảy ra không chỉ với TCM, mà cả với không ít doanh nghiệp Việt Nam khác có đặc điểm hoạt động phụ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu, mà giá của nó luôn biến động vì hoạt động đầu cơ trên thị trường thế giới.

Vài năm trước Hãng hàng không Pacific Airlines cũng đã từng lỗ lớn, một phần do nhập khẩu xăng dầu kỳ hạn. Chỉ cần một tính toán không chuẩn xác, ranh giới giữa thua lỗ và có lời của doanh nghiệp trở thành mong manh.

Rút kinh nghiệm bài học xương máu, TCM thay đổi phương thức mua bông, giảm tỷ lệ mua kỳ hạn xuống 20% và nâng tỷ lệ mua giao ngay lên 80%, đồng thời linh hoạt kỳ hạn các hợp đồng để phù hợp với diễn biến thị trường.

“Giải quyết khâu nhập khẩu nguyên liệu đầu vào đôi khi cần sự may mắn” – chuyên viên phân tích một quỹ đầu tư nhận xét – “song quan trọng là doanh nghiệp phải đầu tư hẳn một bộ phận chuyên nghiên cứu về giá cả nguyên liệu.

Có những doanh nghiệp, chẳng hạn một số công ty thép, lợi nhuận đột biến do đầu cơ nguyên liệu đầu vào. Cụ thể họ tích trữ nguyên liệu khi giá thế giới thấp. Yếu tố này 5 ăn 5 thua vì không ai có thể tiên đoán chính xác giá lên giá xuống. Tham gia cuộc chơi quốc tế nên chọn cách thức ít rủi ro nhất cho doanh nghiệp thay vì hy vọng cách thức mang lại lợi nhuận tối đa mà cũng có thể thua trắng”.

Năm 2013 TCM có lãi trở lại tuy chưa bằng mức cao của năm 2010 và công ty đang đứng trước vận hội lớn khi Việt Nam tham gia TPP, theo đó thuế xuất khẩu hàng dệt may vào Mỹ sẽ giảm về 0% từ mức 17% hiện tại. Tận dụng được cơ hội đến đâu cũng là một thử thách không nhỏ.

Hồi sinh nhờ lãi suất

Công ty cổ phần Dược phẩm Cửu Long (DCL) là một trong những đơn vị bị bộ phận giám sát của Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh HoSE “để mắt” tới nhiều trong năm 2011 vì thường xuyên chậm nộp báo cáo tài chính. Thời gian đó việc công bố thông tin của DCL có vấn đề.

Sau khi bị tạm ngừng giao dịch vì chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2010, HoSE thậm chí cảnh báo sẽ hủy niêm yết bắt buộc nếu công ty không nộp báo cáo tài chính soát xét sáu tháng đầu năm 2011 trước ngày 31/12/2011.

Sự chây ỳ của DCL không phải không có lý do: công ty lỗ gần 31 tỉ đồng năm 2011. Sự xuống dốc của Dược Cửu Long đã khiến Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC), đại diện cho cổ đông nhà nước tại đây, lo lắng. SCIC buộc phải cử người tham gia sâu hơn vào việc vạch chiến lược và điều hành công ty.

Việc đầu tiên là cơ cấu lại vốn vay và chi phí quản lý. Mặt bằng lãi suất chung hạ đã tạo điều kiện cho DCL giảm chi phí lãi vay từ gần 48 tỉ đồng năm 2012 xuống 28 tỉ đồng chín tháng đầu năm 2013. Lãi suất các hợp đồng vay vốn của công ty từ 15 – 20%/năm giảm xuống còn 9,5 – 10%/năm. Sẽ không quá đáng khi nhận xét Dược Cửu Long sống lại một phần nhờ giá thành vốn vay không còn đắt đỏ như trước.

Kế đó thay vì lao vào doanh thu, DCL tập trung cho các hợp đồng cung cấp sản phẩm có biên lợi nhuận cao. Để nâng hiệu quả bán hàng, công ty lập phòng marketing chuyên biệt. Người phân phối sản phẩm, bán hàng, đồng thời là người thu tiền, không tách rời ra như trước. Kết quả là các khoản phải thu khó đòi giảm xuống. Cùng với việc tối ưu hóa vốn lưu động, vòng quay vốn của DCL được cải thiện.

Từ chỗ kinh doanh lỗ chuyển thành có lãi, quản trị công ty lành mạnh, SCIC đăng ký mua thêm cổ phiếu DCL. Đây là trường hợp hiếm hoi bởi SCIC ít khi đầu tư thêm tiền vào doanh nghiệp. Thế nhưng đợt mua thêm cổ phiếu của SCIC đã không thể thực hiện vì giá cổ phiếu biến động quá nhanh.

Sẽ được vào danh sách “con cưng”?

Cho đến trước năm ngoái, Tổng công ty Vận tải Dầu khí (PVTrans) dường như chưa bao giờ là “con cưng” của PetroVietnam. Với đội tàu quy mô, hiện đại, vốn điều lệ lớn, được độc quyền vận chuyển dầu đầu vào cho nhà máy lọc dầu Dung Quất, và cũng chiếm thị phần chính trong việc vận chuyển các sản phẩm đầu ra của nhà máy này, nhưng lợi nhuận sau thuế của PVTrans năm nào cũng đì đẹt vài chục tỉ đồng. Quý IV/2012 PVTrans còn lỗ.

Tuy nhiên năm 2013 PVTrans bỗng “lột xác” ngoạn mục. Trong hội nghị tổng kết năm và kế hoạch năm tới, tổng công ty công bố lợi nhuận trước thuế 361 tỉ đồng, gấp sáu lần chỉ tiêu đề ra. Đây là mức lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay mà PVTrans có được. Nó không chỉ làm giới kinh doanh vận tải ngạc nhiên, mà cả một số tổ chức đầu tư bất ngờ.

Bất ngờ vì giá cước vận tải biển cho đến thời điểm hiện tại chưa hề tăng, vẫn đang dao động trong vùng đáy. Những doanh nghiệp vận tải biển khác vẫn đang bán tàu để sống. PVTrans không bán tàu, ngược lại còn đầu tư thêm.

Nhân tố nào giúp PVTrans đứng lên? Đó chính là tỷ giá hối đoái!

Trong một bản giải trình gửi lên Hose, PVTrans không giấu giếm kết quả kinh doanh khả quan sáu tháng đầu năm ngoái là do mức lỗ tỷ giá hạch toán vào chi phí chỉ gần 29 tỉ đồng, so với 124 tỉ đồng cùng kỳ nhờ tỷ giá chỉ tăng 1%.

Các khoản nợ của tổng công ty chủ yếu bằng ngoại tệ. Nay tỷ giá ổn định, lãi suất vay ngoại tệ được điều chỉnh giảm, lợi thế này rõ ràng “từ trên trời rơi xuống” đối với doanh nghiệp.

Nếu chỉ nhìn vào tỷ giá, PVTrans mới đứng bằng một chân. Chân thứ hai để PVTrans trụ vững là giảm một nửa chi phí quản lý, nâng lợi nhuận vận tải tăng hơn 120%. Đội tàu vận chuyển dầu sản phẩm của PVTrans đã và đang có lãi thay vì lỗ như năm 2012.

Thêm vào đó tổng công ty đã trích lập dự phòng đủ cho toàn bộ các khoản phải thu khó đòi. Việc cân đối dòng tiền và biên lợi nhuận của PVTrans đang được cải thiện với tốc độ chóng mặt. Quá trình tái cơ cấu từ tài chính đến đặc thù kinh doanh của tổng công ty đã chuyển biến tích cực.

Còn cần thêm nhiều thời gian để sự hồi sinh và điểm sáng của doanh nghiệp lan rộng sang các lĩnh vực kinh tế. Nói như ông Ngô Thế Triệu, giám đốc đầu tư cổ phiếu và trái phiếu của Công ty quản lý quỹ Eastspring Investments, nền kinh tế đang thoát đáy và đi lên, doanh nghiệp đã vượt qua những gì xấu nhất.

Trong quá trình thoát đáy nền kinh tế sẽ có nhiều biến động. Doanh nghiệp vừa ra khỏi khó khăn, sức chống đỡ chưa thể mạnh ngay một lúc. Những doanh nghiệp đầu tiên vượt bão sẽ là những doanh nghiệp đón được cơ hội chiếm lĩnh thị trường.

Nhìn từ góc độ như vậy, có thể chia doanh nghiệp hiện nay thành ba tầng lớp. Tầng trên là những “cánh chim đại bàng” đã trụ vững và lớn mạnh trong khủng hoảng như Công ty sữa Vinamilk, Tập đoàn Masan, Nhựa Bình Minh, Kinh Đô…

Tầng giữa là những doanh nghiệp đã và đang hồi sinh có sức bật lò xo bị nén do đi từ điểm xuất phát thấp. Tầng cuối là các doanh nghiệp sắp “trở lại mặt đất”. Đa số doanh nghiệp đang ở tầng cuối này. Tốc độ phục hồi kinh tế phụ thuộc không nhỏ vào họ.