Khi nào phải thành lập ban kiểm soát

Công ty Luật PLF

(Tài chính) Ban kiểm soát là một bộ phận quan trọng có chức năng kiểm tra, giám sát các hoạt động của doanh nghiệp. Thành lập ban kiểm soát là nghĩa vụ bắt buộc trong một số trường hợp, tuy nhiên trên thực tế, không phải doanh nghiệp nào cũng lưu ý thực hiện.

Ban kiểm soát là một bộ phận quan trọng có chức năng kiểm tra, giám sát các hoạt động của doanh nghiệp. Nguồn: plf.vn
Ban kiểm soát là một bộ phận quan trọng có chức năng kiểm tra, giám sát các hoạt động của doanh nghiệp. Nguồn: plf.vn

Trong phạm vi bài viết này, PLF sẽ giúp các doanh nghiệp có cái nhìn tổng quát về việc thành lập ban kiểm soát, bổ nhiệm kiểm soát viên cũng như vai trò và lợi ích của việc này.

Nghĩa vụ thành lập ban kiểm soát, bổ nhiệm kiểm soát viên

1.      Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) có từ 11 thành viên trở lên; công ty cổ phần có trên 11 cổ đông là cá nhân hoặc có cổ đông là tổ chức sở hữu trên 50% tổng số cổ phần của công ty phải thành lập ban kiểm soát. Ngoài ra, công ty TNHH có ít hơn 11 thành viên có thể thành lập ban kiểm soát phù hợp với yêu cầu quản trị công ty. Trường hợp các doanh nghiệp bắt buộc thành lập ban kiểm soát như nêu trên nhưng không thành lập sẽ bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng và  buộc thành lập ban kiểm soát theo quy định.

Luật Doanh nghiệp hiện hành chỉ đưa ra các quy định về số lượng, tiêu chuẩn, điều kiện làm thành viên ban kiểm soát, quyền và nghĩa vụ của ban kiểm soát,… áp dụng đối với công ty cổ phần. Tuy nhiên, công ty TNHH vẫn có thể tham khảo để áp dụng trong xây dựng điều lệ công ty, quy chế tổ chức và hoạt động của ban kiểm soát (nếu có).

Tùy thuộc vào tình hình quản trị, công ty có quyền quyết định số lượng thành viên ban kiểm soát. Trường hợp điều lệ công ty không quy định thì ban kiểm soát có từ 3 đến 5 thành viên. Nhiệm kỳ của ban kiểm soát không quá 5 năm; thành viên ban kiểm soát có thể được bầu lại với số nhiệm kỳ không hạn chế. Thành viên ban kiểm soát không nhất thiết phải là cổ đông hoặc người lao động của doanh nghiệp nhưng phải đáp ứng các điều kiện luật định như từ 21 tuổi trở lên, có đủ năng lực hành vi dân sự, không được giữ các chức vụ quản lý trong doanh nghiệp,... Thành viên Ban kiểm soát được trả thù lao theo công việc, được hưởng các lợi ích khác theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông và được thanh toán chi phí ăn, ở, đi lại, chi phí sử dụng dịch vụ tư vấn độc lập với mức hợp lý.

2.      Chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên là tổ chức phải bổ nhiệm 1 đến 3 kiểm soát viên với nhiệm kỳ không quá 3 năm. Kiểm soát viên được hưởng thù lao hoặc lương và lợi ích khác theo kết quả và hiệu quả kinh doanh của công ty, phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và chủ sở hữu công ty về việc thực hiện các quyền và nhiệm vụ của mình. Kiểm soát viên phải đáp ứng các tiêu chuẩn và điều kiện luật định như có đủ năng lực hành vi dân sự; không phải là người có liên quan của những người quản lý công ty; có trình độ chuyên môn hoặc kinh nghiệm nghề nghiệp về kế toán, kiểm toán hoặc tiêu chuẩn khác theo điều lệ công ty;…

Lợi ích của việc thành lập ban kiểm soát, bổ nhiệm kiểm soát viên

Căn cứ các quyền và nghĩa vụ của ban kiểm soát, kiểm soát viên theo quy định pháp luật, việc thành lập ban kiểm soát và bổ nhiệm kiểm soát viên mang lại những lợi ích sau cho công ty:

·        Đảm bảo hoạt động bình thường đúng pháp luật của công ty thông qua việc kiểm tra tính hợp lý, hợp pháp, tính trung thực và mức độ cẩn trọng trong quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh, trong tổ chức công tác kế toán, thống kê và lập báo cáo tài chính của công ty.

·        Phát hiện kịp thời các hành vi sai phạm của những người quản lý trong công ty, góp phần phòng tránh, giảm thiểu các thiệt hại xảy ra cho công ty thông qua việc xem xét sổ kế toán và các tài liệu khác của công ty, các công việc quản lý, điều hành hoạt động của công ty bất cứ khi nào xét thấy cần thiết.

·        Được tư vấn các biện pháp sửa đổi, bổ sung, cải tiến cơ cấu tổ chức quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh của công ty.