Kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004 - 13/10/2017)

Khởi nghiệp không đơn giản

Theo Đặng Đức Thành - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Các nhà kinh tế/daibieunhandan.vn

Nhiều người nghĩ rằng, khởi nghiệp có thể bắt đầu ngay bằng việc sở hữu một ý tưởng, nhưng thực tế chỉ như vậy là chưa đủ. Để khởi nghiệp, họ phải hội tụ đủ một loạt những yếu tố cần thiết, bao gồm: Công nghệ, đội ngũ, kế hoạch, nguồn vốn và cả kiến thức về doanh nghiệp cũng như pháp luật.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ba rào cản

Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, hàng năm có hơn một nghìn doanh nghiệp khởi nghiệp ra đời ở Việt Nam. Tuy nhiên, số doanh nghiệp “sống sót” chỉ chiếm khoảng 10%. Các rào cản có thể chỉ ra như sau:

Hệ thống sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam chưa thật sự tốt. Báo cáo Chỉ số khởi nghiệp toàn cầu 2015/2016 cho thấy, hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam năm 2015 hầu như không thay đổi nhiều so với năm 2014 và vẫn chưa thực sự hỗ trợ cho phong trào khởi nghiệp và phát triển kinh doanh.

Kết cấu hạ tầng tiếp tục là yếu tố được đánh giá cao nhất trong điều kiện kinh doanh ở Việt Nam, đạt 4,07 điểm (thang điểm từ 1 - 5). Hai yếu tố tiếp theo được các chuyên gia đánh giá cao là sự năng động của thị trường nội địa và văn hóa, chuẩn mực xã hội.

Trong số 12 chỉ số về điều kiện kinh doanh, chỉ có 3 chỉ số đạt trên mức trung bình (trên 3 điểm), còn lại là dưới mức trung bình. Ba chỉ số ở vị trí cuối cùng lần lượt là chương trình hỗ trợ của Chính phủ; tài chính cho kinh doanh; và đặc biệt là giáo dục về kinh doanh ở bậc phổ thông (1,57 điểm).

Khó khăn về vốn. Đa phần các dự án khởi nghiệp thường có số vốn nhỏ. Đây vẫn là trở lực lớn nhất cho quá trình khởi nghiệp. Chính vì vậy, các doanh nghiệp thường liên kết với nhau để khởi nghiệp, qua đó làm tăng khả năng huy động vốn.

Trong khi đó, một khó khăn khác là các Quỹ hỗ trợ của Chính phủ, các tổ chức phi Chính phủ thường chỉ chấp nhận mức độ rủi ro rất thấp, thậm chí bằng không; vốn qua sàn chứng khoán gặp không ít khó khăn và các kênh huy động vốn khác chưa thịnh hành.

Các “nhà đầu tư thiên thần”, các quỹ đầu tư Accelerator (vốn mồi) thường không muốn tham gia giai đoạn đầu vì rủi ro cao và chi phí quản lý gia tăng do phải tăng cường nhân sự cho những khoản đầu tư nhỏ này.

Các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ chưa được quan tâm đúng mức. Phần lớn các Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ tại Việt Nam vẫn chưa có quy định cụ thể về bản quyền và sở hữu trí tuệ.

Vấn đề pháp lý và thỏa thuận chuyển giao công nghệ từ trường đại học đến doanh nghiệp chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi doanh nghiệp khởi nghiệp xây dựng kế hoạch kinh doanh… Thực tế này có thể không khuyến khích các doanh nghiệp tham gia Vườn ươm mặc dù nhu cầu tham gia ươm tạp là tương đối lớn và không thúc đẩy chuyển giao công nghệ.

Có chính sách riêng cho từng loại hình khởi nghiệp

Để tránh cho doanh nghiệp khởi nghiệp “chết yểu” trước ngưỡng cửa thành công, cần lưu ý một số giải pháp trong thời gian tới.

Đầu tiên, cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh. Đây là điều kiện vô cùng quan trọng để hỗ trợ doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp khởi nghiệp nói riêng thành công trong hội nhập kinh tế trước những cạnh tranh gay gắt hiện nay.

Ngoài ra, các văn bản, chính sách có liên quan đến hoạt động đầu tư tại Việt Nam cần được quy định rõ ràng để các nhà đầu tư yên tâm. Vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó có một chương dành cho doanh nghiệp khởi nghiệp.

Tuy nhiên, cần có chính sách riêng biệt cho từng loại hình khởi nghiệp. Nếu cá nhân chỉ đơn thuần mở dịch vụ quy mô nhỏ sẽ được tạo điều kiện thương mại thuận lợi, giảm chi phí, phiền hà hành chính. Đối với doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ cao, đầu tư chất xám thì phải có chính sách hỗ trợ thiết thực để nếu thất bại sẽ tiếp tục nghiên cứu khởi nghiệp.

Chính phủ nên cân nhắc xây dựng một thị trường vốn chuyên dành cho doanh nghiệp khởi nghiệp. Việc xây dựng một thị trường chứng khoán tập trung cung cấp vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp, tách bạch với thị trường niêm yết có thể có lợi đặc biệt với nền kinh tế đang tăng trưởng của Việt Nam. Thị trường này sẽ cung cấp cơ hội cho doanh nghiệp khởi nghiệp có thể tiếp cận các nguồn vốn với những tiêu chuẩn đặt ra ở mức độ thấp hơn.

Về nhóm biện pháp hỗ trợ tài chính, Nhà nước cần xây dựng chính sách khuyến khích các nhà đầu tư thiên thần, thành lập và vận hành các quỹ đầu tư mạo hiểm để khuyến khích tư nhân tham gia vào hoạt động đầu tư mạo hiểm cho doanh nghiệp khởi nghiệp.

Bên cạnh đó, cần xây dựng Quỹ Đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp theo mô hình hợp tác công - tư thuộc Chính phủ nhằm kêu gọi vốn đầu tư, tài trợ từ các thành phần xã hội cho các dự án khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo, tiềm năng.

Quỹ này hoạt động theo mô hình Công ty Đầu tư tài chính và ủy thác đầu tư. Phần lợi nhuận tạo ra từ nguồn đầu tư của Nhà nước và nhà tài trợ sẽ được sử dụng để tái đầu tư cho hoạt động ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp cũng như đầu tư trực tiếp cho doanh nghiệp tiềm năng.

Nhà nước góp vốn dưới dạng tài sản trí tuệ - là thông tin về các kết quả nghiên cứu có tiềm năng thương mại hóa cao, mạng lưới các chuyên gia công nghệ và chuyên gia tư vấn khởi nghiệp trong, ngoài nước; đồng thời, dưới dạng kinh phí dành cho hoạt động ươm tạo công nghệ từ các Quỹ do Chính phủ quản lý.

Về phía doanh nghiệp, một trong những việc cần làm đầu tiên để khởi sự thành lập một doanh nghiệp đó là hoạch định chiến lược kinh doanh, xây dựng đề án kinh doanh khả thi.

Điều đầu tiên, để có được đề án kinh doanh khả thi là học cách tổ chức sản xuất, triển khai kinh doanh. Điều cốt lõi là sản phẩm phải đáp ứng được yêu cầu của thị trường, mà nói gọn lại là sản phẩm sản xuất ra có người mua.