Không hiểu luật về doanh nghiệp đại chúng, chưa bị phạt là… may!

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

(Tài chính) Chỉ vì thiếu hiểu biết pháp luật về doanh nghiệp và chứng khoán mà thời gian qua, không ít công ty đại chúng đã bị xử phạt vì những lỗi không đáng có. Hậu quả là không chỉ bị giảm sút uy tín mà doanh nghiệp có thể bỏ lỡ nhiều cơ hội trong bối cảnh thị trường chứng khoán (TTCK) đang sôi động như hiện nay.

TTCK đã tăng điểm đáng kể trong vòng 3 tháng qua. Nguồn: internet
TTCK đã tăng điểm đáng kể trong vòng 3 tháng qua. Nguồn: internet
Chưa bị phạt là may!

Đến nay, vẫn còn không ít doanh nghiệp đủ điều kiện là công ty đại chúng nhưng chưa đăng ký với Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN). Trong khi đó, cũng có không ít công ty đại chúng, kể cả những công ty đang có cổ phiếu giao dịch trên sàn UPCoM không thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin, hoặc có thực hiện nhưng nửa vời, ví dụ báo cáo tài chính không có thuyết minh, các báo cáo không được lưu trữ đầy đủ trên website của công ty…

Trong nhiều trường hợp, việc vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin là do doanh nghiệp cố tình che giấu thông tin. Nhưng cũng có không ít trường hợp lại bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết về pháp luật, để rồi bị xử phạt vì những lỗi rất sơ đẳng. Cứ xem các quyết định xử phạt của UBCKNN gần đây sẽ thấy, một loạt doanh nghiệp mắc phải lỗi không công bố các báo cáo tài chính, báo cáo thường niên, báo cáo quản trị công ty… đầy đủ và kịp thời.

Pháp luật quy định, công ty đại chúng phải có website để thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin và website phải thiết kế một mục dành riêng cho cổ đông hay quan hệ nhà đầu tư. Vậy mà, vẫn có doanh nghiệp bị xử phạt vì website không có chuyên mục này.

Tại Hội nghị “Doanh nghiệp đại chúng chưa niêm yết 2014” do Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) phối hợp với UBCKNN tổ chức hôm 26/3 vừa qua tại TP. HCM, nhiều doanh nghiệp đã đặt câu hỏi với đại diện cơ quan quản lý thị trường, để lộ nhiều “lỗ hổng” về kiến thức pháp luật cơ bản đối với doanh nghiệp, mà với những “lỗ hổng” ấy, doanh nghiệp chưa bị phạt… là may!

Đại diện một doanh nghiệp thuỷ điện có 99% vốn Nhà nước, 1% vốn góp của cán bộ nhân viên đã đặt câu hỏi: “Luật pháp quy định, công ty đại chúng buộc phải đăng ký lưu ký tập trung, nhưng chúng tôi thấy làm như thế phiền phức và tốn kém. Hơn nữa, chúng tôi đang tự quản lý cổ đông rất tốt. Chúng tôi không đăng ký công ty đại chúng có được không?”.

Một loạt câu hỏi tương tự cũng được đặt ra, như công ty đang thuê công ty chứng khoán (CTCK) quản lý sổ cổ đông có vi phạm luật không? Quy định hiện hành có bắt buộc công ty đại chúng phải niêm yết, đăng ký giao dịch trên UPCoM không? Công ty có vốn 16 tỷ đồng có bắt buộc phải đăng ký chứng khoán và đăng ký giao dịch không?

Trước những câu hỏi như thế, ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, UBCKNN đã thốt lên: “Những câu hỏi mà đại diện các doanh nghiệp đưa ra cho thấy, các doanh nghiệp nắm chưa vững cả Luật Doanh nghiệp và các quy định pháp luật về chứng khoán. Vì thế, các doanh nghiệp vi phạm dẫn đến bị xử phạt cũng là lẽ đương nhiên”.

Theo quy định, doanh nghiệp có vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng trở lên và có ít nhất 100 cổ đông thì được xem là công ty đại chúng và đã là công ty đại chúng thì phải đăng ký lưu ký tập trung tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD). Nếu công ty đại chúng thuê CTCK quản lý cổ đông thì cả hai đều sai.

Về quy định tại Luật Doanh nghiệp, có người hỏi: “Cổ đông sáng lập không được chuyển nhượng cổ phiếu trong vòng 5 năm, nếu đại  hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thông qua có phạm luật không?”. Rõ ràng, người hỏi đã không nắm được quy định tại Luật Doanh nghiệp về thời gian hạn chế chuyển nhượng cổ phần của cổ đông sáng lập là 3 năm, chứ không phải 5 năm.

Ngoài ra, pháp luật quy định việc hạn chế chuyển nhượng, chứ không phải không được chuyển nhượng, bởi trong thời hạn đó, cổ đông sáng lập chỉ được chuyển nhượng cho cổ đông sáng lập khác hoặc nếu muốn chuyển nhượng cho người không phải là cổ đông sáng lập thì phải được ĐHĐCĐ chấp thuận.

Trước câu hỏi “Điều lệ công ty cổ phần quy định cổ đông phải nắm giữ một tỷ lệ nhất định mới được tham dự ĐHĐCĐ có vi phạm Luật Doanh nghiệp không?”, ông Bùi Hoàng Hải, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý phát hành, UBCKNN giải thích điều này chắc chắn vi phạm.

“Tôi không nghĩ đến giờ này vẫn còn băn khoăn như vậy, bởi nó đã diễn ra cách đây khoảng 4 - 5 năm và trên nhiều phương tiện truyền thông đã nói rất rõ về việc quy định như vậy là trái với Luật Doanh nghiệp”, ông Hải nói.

Lỡ cơ hội vì thiếu hiểu biết

Trước ý kiến lo ngại về việc trong khi có nhiều doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật thì vẫn còn một số khác chưa tuân thủ pháp luật sẽ gây nên tình trạng bất công bằng giữa các doanh nghiệp, bà Vũ Thị Chân Phương, Vụ Trưởng Vụ Thanh tra, UBCKNN đã khuyến cáo, doanh nghiệp nếu làm sai sẽ dẫn đến bị khiếu kiện, khiếu nại hoặc bị xử phạt, tự đánh mất uy tín của mình.

“Doanh nghiệp đã đủ điều kiện thành công ty đại chúng, nhưng không đăng ký với UBCKNN, từ đó không công bố thông tin định kỳ, không báo cáo, không có website… Đến khi UBCKNN phát hiện thì doanh nghiệp sẽ bị xử phạt cho một loạt các vi phạm đó. Số tiền phạt sẽ là tổng mức phạt cho tất cả các hành vi vi phạm này”, bà Phương cho biết.

Còn theo ông Bùi Hoàng Hải, không có UBCKNN nước nào có đủ năng lực kiểm soát tất cả. “Vừa qua, chúng tôi đã nghiên cứu TTCK Mỹ và thấy rằng, tốt nhất là UBCKNN tập trung xử lý sau khi các vi phạm được phát hiện, chủ yếu là từ các khiếu nại của cổ đông, nhà đầu tư. UBCKNN Việt Nam cũng chỉ có thể xử lý được những doanh nghiệp có đăng ký công ty đại chúng. Nếu công ty đã trở thành đại chúng rồi mà không đăng ký công ty đại chúng thì người giám sát tốt nhất lúc này chính là các cổ đông. Cách mà UBCKNN đang thực hiện là tăng cường phổ biến kiến thức, giúp các cổ đông có thể tự kiểm soát và bảo vệ quyền lợi của mình”, ông Hải nói.

Ông Hải cho biết, nhiều doanh nghiệp trước đây muốn chào bán cổ phiếu ra công chúng để huy động vốn, nhưng chưa làm được, do thị trường không thuận lợi, thì nay khi TTCK khởi sắc hơn đã bắt đầu nộp hồ sơ xin phép chào bán trở lại. Tuy nhiên, nhiều hồ sơ phải mất 6 tháng mới được cấp phép do dính những lỗi nhỏ, chẳng hạn như nghị quyết ĐHĐCĐ không được hiện đúng luật, không ghi rõ phương án phát hành, thiếu phương án sử dụng vốn, điều lệ có quy định trái với Luật Doanh nghiệp…

“TTCK đã tăng điểm đáng kể trong vòng 3 tháng qua. Đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp thực hiện kế hoạch chào bán chứng khoán trở lại. Nhưng nếu doanh nghiệp phải chờ tới 6 tháng nữa hồ sơ phát hành mới được thông qua thì cơ hội tốt nhất sẽ trôi qua. Vì thế, doanh nghiệp nào có ý định chào bán cổ phiếu thì nên làm việc với CTCK tư vấn để chuẩn bị chu đáo mọi hồ sơ ngay từ đầu, tránh trường hợp hồ sơ bị kéo dài quá lâu”, ông Hải khuyến cáo.