Không khách quan thì rất khó đồng hành

Theo baodautu.vn

(Tài chính) Theo ông Nguyễn Thế Kỷ, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, mối quan hệ hợp tác, đồng hành giữa báo chí và doanh nghiệp (DN), nhà báo và doanh nhân là mối quan hệ khách quan, mang tính tương hỗ, có ý nghĩa tích cực cho sự phát triển chung.

Báo chí không hiểu, không khách quan thì rất khó đồng hành, phát triển cùng DN và nền kinh tế.

Thưa ông, vai trò của báo chí đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đã được ghi nhận trên thực tế như thế nào?

Thực tiễn phát triển của nước ta cho thấy, thời kỳ nào, báo chí cũng có vai trò quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Không khách quan thì rất khó đồng hành - Ảnh 1
Ông Nguyễn Thế Kỷ, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
Đó là kênh chủ lực trong việc chuyển tải những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với mọi người dân, động viên toàn Đảng, toàn dân tham gia tích cực công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Báo chí cũng là nơi tập hợp, ghi nhận, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân với Đảng và Nhà nước. Báo chí là chiếc cầu, là cánh cửa mở rộng giao lưu, hợp tác với bên ngoài.

Cùng với sự phát triển của đất nước, nhiều cơ quan báo chí đã và đang tích cực, chủ động nắm bắt và làm chủ công nghệ làm báo tiên tiến, đưa hoạt động báo chí lên tầm cao mới theo hướng cách mạng, chuyên nghiệp, từng bước hiện đại.

Có ý kiến cho rằng, những năm qua, thông tin báo chí trong lĩnh vực kinh tế trở nên khó khăn hơn, nhiều vấn đề trở nên “nhạy cảm” hơn. Ông đánh giá thế nào về ý kiến này?

Kinh tế là lĩnh vực vừa rộng lớn - thể hiện ở tác động, ảnh hưởng của nó tới đời sống xã hội; vừa là lĩnh vực chuyên sâu, đòi hỏi cách thông tin, đánh giá, kiến giải đúng đắn, chặt chẽ. Vì thế, đời sống xã hội càng phát triển, thì báo chí kinh tế càng phải đi trước, nâng cao một bước về kỹ năng nắm bắt thông tin và thông tin.

Đáng mừng là, trong thông tin hội nhập, báo chí đã kịp thời lên tiếng, cả đấu tranh có lý, có tình với những bất bình đẳng mà DN Việt Nam gặp phải trong kinh doanh, giao thương quốc tế, như những vụ kiện bán phá giá vừa qua.

Trong bối cảnh suy giảm kinh tế trong nước và nước ngoài vừa qua, báo chí đã bám sát đời sống kinh tế của đất nước; chuyển tải kịp thời các chính sách của Chính phủ, sát cánh cùng DN, doanh nhân và người tiêu dùng, góp phần ngăn chặn đà suy giảm kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội và thúc đẩy tăng trưởng bền vững.

Để làm tốt nhiệm vụ của mình, mối quan hệ giữa báo chí và DN, doanh nhân cần được xác định như thế nào?

Tôi cho rằng, mối quan hệ hợp tác, đồng hành giữa báo chí và DN, nhà báo và doanh nhân có vai trò quan trọng trong việc phát triển của cả hai bên.

Những thông tin kinh tế, thông tin về DN, doanh nhân luôn là đề tài quan trọng của báo chí, được độc giả rất quan tâm. Do đó, tôi cho rằng, cả báo chí và DN đều phải xác định mối quan hệ này là đồng hành để phát triển bền vững, vì sự nghiệp đổi mới và phát triển của đất nước.

Đồng hành thể hiện ở sự gần gũi, am hiểu nhau, có trách nhiệm với nhau, từ việc ủng hộ cái đúng đến chỉ ra cái sai, cái chưa được trên tinh thần xây dựng.

Tôi xin chúc mừng Báo Đầu tư trong chặng đường phát triển 22 năm qua đã thực hiện tốt phương châm “đồng hành cùng DN”, là cầu nối ngày càng hiệu quả giữa các cơ quan quản lý nhà nước với DN, doanh nhân và người dân.

Từ góc độ cơ quan quản lý, tôi rất mừng khi các xuất bản phẩm của Báo Đầu tư không chỉ tuân thủ và bám sát tôn chỉ, mục đích của một cơ quan báo chí kinh tế, nhất là lĩnh vực đầu tư, mà còn chủ động phát triển theo hướng cơ quan báo chí đa phương tiện, đa ấn phẩm, chú trọng và đầu tư hợp lý tới các xuất bản phẩm điện tử, đáp ứng nhu cầu tiếp cận thông tin ngày càng đa dạng, hiện đại của lớp độc giả mới.

Nhân kỷ niệm 22 năm thành lập, tôi chúc Báo Đầu tư tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, không ngừng đổi mới và phát triển, đáp ứng những yêu cầu, nhiệm vụ cao hơn của một cơ quan báo chí kinh tế hàng đầu trong công cuộc hội nhập của đất nước.