Không thay đổi, doanh nghiệp khó “chen chân” vào chuỗi cung ứng

Theo kinhtevadubao.vn

Các tập đoàn lớn, như: Samsung, Nokia... rất cần doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu của họ. Song, do không đáp ứng được yêu cầu về chất lượng, số lượng... nên nhiều doanh nghiệp Việt vẫn chỉ đứng ngoài "cuộc chơi".

Doanh nghiệp hỗ trợ Việt Nam khó có thể chen chân vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia. Nguồn: internet
Doanh nghiệp hỗ trợ Việt Nam khó có thể chen chân vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia. Nguồn: internet

Đây là nhận định của ông Nguyễn Nội, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Hội thảo “Nâng cao năng lực doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam” tổ chức ngày 28/10/2015.

Chủ yếu vẫn đứng ngoài chuỗi cung ứng

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Nội cho biết, kinh nghiệm của thế giới chỉ ra rằng, phát triển mạng lưới công nghiệp hỗ trợ ở nước sở tại có lợi hơn nhiều cho các tập đoàn đa quốc gia, vì có thể tiết kiệm chi phí, thời gian, cũng như hạn chế được các rủi ro khi nhập khẩu các phụ tùng và linh kiện.

Theo đó, các tập đoàn lớn, như: Samsung, Nokia, Canon, Toyota... rất cần doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu của họ trong hệ thống vender cấp 1, cấp 2, cấp 3. Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ sử dụng các linh kiện trong nước của các nhà sản xuất và lắp ráp thấp hơn rất nhiều so với mong muốn, bởi, các doanh nghiệp Việt khó đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng, số lượng, cũng như thời gian giao hàng của các tập đoàn này.

Đồng tình với quan điểm trên, bà Trương Thị Chí Bình, Giám đốc Trung tâm Phát triển Doanh nghiệp Công nghiệp Hỗ trợ, Bộ Công Thương cho biết, hiện nay, số doanh nghiệp nội địa và số doanh nghiệp FDI được phép cung ứng cho các tập đoàn đa quốc gia có cơ sở sản xuất tại Việt Nam vào khoảng 1.000 doanh nghiệp, trong đó, số lượng doanh nghiệp nội địa chiếm khoảng 50%.

Theo bà Bình đánh giá, con số này là rất nhỏ so với số doanh nghiệp đang hoạt động của Việt Nam (trên 500.000n doanh nghiệp).

Lý giải cho việc doanh nghiệp hỗ trợ Việt Nam khó có thể chen chân vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia, bà Bình cho biết, Việt Nam không có nền tảng doanh nghiệp tư nhân trong nhiều năm, đặc biệt là doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp chế tạo.

Bà giải thích, trước khi đổi mới, khu vực miền Nam cũng chỉ phát triển được doanh nghiệp dịch vụ. Trong quá đổi mới, do Chính phủ không có các chính sách ưu đãi, khởi sự doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, vì vậy hệ thống doanh nghiệp này không tốt lên được và phụ thuộc vào thị trường, trong khi đó thị trường lại yếu kém, dẫn đến việc số lượng doanh nghiệp sản xuất cần thiết còn chưa đủ, huống gì nói đến chất lượng.

Ngoài ra, bà Bình cũng đưa ra một số rào cản khác, như: thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao ở ngành sản xuất, năng lực công nghệ doanh nghiệp, cũng như quốc gia thấp...

Cần phải làm gì?

Tại hội thảo, các đại biểu đặt ra câu hỏi, doanh nghiệp phải làm gì để có thể chen chân vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia, trong khi nhu cầu về các sản phẩm hỗ trợ trên thị trường vô cùng lớn.

Trả lời cho vấn đề này, bà Bình cho biết cắt giảm giá thành sản phẩm là một biện pháp hữu hiệu. Để làm được điều này, không nhất thiết là phải đổi mới máy móc, thiết bị, mà có cách khác là đổi mới quy trình quản lý, sản xuất nhằm tiết kiệm chi phí.

Bà Bình cho biết bà tự hào khi đến thăm doanh nghiệp của Việt Nam đã làm tốt điều này, đó là Ô tô Trường Hải, khi mỗi năm, doanh nghiệp này cắt giảm được từ 2%-5% chi phí nhờ tinh gọn quá trình sản xuất.

Bên cạnh đó, trước sức ép cạnh tranh từ các hiệp định thương mại tự do, bà Bình cũng khuyến khích các doanh nghiệp của Việt Nam liên kết lại với nhau.

“Hơn lúc nào hết chúng ta phải đoàn kết lại với nhau. Nếu không liên kết được, chúng ta chỉ chơi cuộc chơi nội địa hoặc tiếp tục sản xuất các sản phẩm đơn giản, có giá trị gia tăng thấp”, bà Bình nhấn mạnh.

Cũng đưa ra lời khuyên cho các doanh nghiệp hỗ trợ của Việt Nam, ông Jeff McLean, Tổng Giám đốc UPS Việt Nam cho biết, kinh nghiệm chung cho các doanh nghiệp thành công trong chuỗi cung ứng, đó là không chỉ cung cấp được các sản phẩm số lượng lớn, mà còn phải nhanh nhạy để đáp ứng được các yêu cầu của thị trường.

Ngoài ra, nhận định các chính sách phát triển doanh nghiệp hỗ trợ của Việt Nam với các ngành cơ khí chế tạo, điện tử, da giày... vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp này, ông Nguyễn Nội kiến nghị, trong thời gian tới, khi xây dựng nghị định về công nghiệp hỗ trợ cần chú ý nghiên cứu một số chính sách tạo điều kiện cho khối doanh nghiệp này, trong đó có ưu đãi về vay vốn, triển khai công nghệ, đào tạo, tiếp cận thị trường...

Đặc biệt, dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đang được xây dựng cần có một số nội dung hỗ trợ, như: đổi mới sáng tạo, tham gia các chuỗi giá trị, nâng cao năng lực canh tranh....