Kiên định để cổ phần hóa thành công

Theo daibieunhandan.vn

Cải tổ doanh nghiệp nhà nước (DNNN) có ý nghĩa quyết định với nền kinh tế Việt Nam. Để cải tổ DNNN có nhiều chiều cạnh phải làm, như vấn đề đại diện quyền sở hữu và minh bạch hóa thông tin, nâng cấp quản trị doanh nghiệp, giám sát thực hiện… Trong đó, cổ phần hóa (CPH) là trụ cột rất quan trọng.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Trên đây là ý kiến của TS. Võ Trí Thành, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương trao đổi với phóng viên về vấn đề cổ phần hóa.

Ông đánh giá thế nào về tiến trình cổ phần hóa DNNN thời gian qua?

Kiên định để cổ phần hóa thành công - Ảnh 1

TS. Võ Trí Thành

TS. Võ Trí Thành:
Việc cổ phần hóa lần này thực chất là để thu nhỏ khối DNNN. Thứ nữa, CPH không phải để bán lấy tiền bổ sung vào ngân sách (dù điều này cũng rất quan trọng), mà quan trọng hơn là nguồn vốn ấy, tài sản ấy phải được sử dụng hiệu quả. Trên tinh thần ấy, CPH phải thực chất, phải huy động được nguồn lực từ bên ngoài và gắn với hiệu quả quản lý, kỹ năng quản lý. Để có được điều này, các doanh nghiệp và tập đoàn lớn muốn CPH thì phải có đối tác chiến lược. Tất nhiên, CPH cũng phải gắn với ổn định xã hội. Song, trên thực tế, việc CPH thời gian qua vẫn chưa được như mong đợi, tôi chấm chỉ được nửa số điểm. Đặc biệt, vẫn còn nhiều dấu hỏi chưa được giải đáp thỏa đáng.

Cụ thể, những dấu hỏi đó là gì?

Đó là CPH đã thực chất chưa? Bởi rất nhiều doanh nghiệp CPH nhưng tỷ lệ CPH rất nhỏ. Vì thế, không thể xoay chuyển được chất lượng quản trị. Bên cạnh đó, điều kiện đặt ra là phải lấy được nguồn lực từ bên ngoài sau CPH, nhưng trong một số trường hợp, đối tác chiến lược của doanh nghiệp CPH lại là DNNN. Vậy phải chuyển đổi thế nào đối tác chiến lược này trong tương lai, chuyển từ DNNN sang doanh nghiệp tư nhân chẳng hạn? Điều này lại liên quan đến vấn đề minh bạch hóa và rõ ràng nó đang có vấn đề và cần được giải quyết…

Trên thực tế, việc CPH đã có kế hoạch, có lộ trình, có quyết tâm. Vậy tại sao kết quả vẫn chưa được như mong muốn, thưa ông?

Đúng là chúng ta đã có chương trình, lộ trình, quyết tâm. Thậm chí, chúng ta cũng áp dụng cả hình thức “cây gậy và củ cà rốt” khi xử lý đơn vị chậm CPH và biểu dương, khuyến khích đơn vị làm tốt. Tuy nhiên, chúng ta vẫn không đạt kết quả như mong muốn. Thứ nhất, chúng ta chưa tạo ra sự chuyển biến chung, nỗ lực chung từ lãnh đạo hoạch định chính sách đến doanh nghiệp.

Đây là nguyên nhân quan trọng nhất và gắn với mối quan hệ khá phức tạp liên quan đến quản lý DNNN. Vì thế, nguyên nhân thứ hai khó khắc phục hơn là xử lý phí tổn ngắn hạn và lợi ích dài hạn. Ở đây có vấn đề nhóm lợi ích mà muốn vượt qua thì không dễ.

Bên cạnh đó, có liên quan đến vấn đề xã hội không dễ giải quyết. Bởi những doanh nghiệp lớn có số lao động đông, muốn CPH đòi hỏi có nguồn lực không nhỏ để đền bù cho người lao động, đào tạo lại cho họ, sắp xếp lại doanh nghiệp…; trong khi bản thân doanh nghiệp lẫn ngân sách đều khó khăn. Ngoài ra, chúng ta cũng gặp khó khăn trong tìm đối tác chiến lược vì không phải nguồn lực bên ngoài nào cũng quan tâm đầu tư tất cả các doanh nghiệp được CPH. Rồi những vấn đề về định giá doanh nghiệp, thương hiệu, đất đai… rất phức tạp.

Theo ông, đâu là bài học lớn nhất chúng ta cần rút ra để CPH trong giai đoạn 2016 - 2020 thành công?

Tôi cho rằng, để giải bài toán nào cũng có mặt nọ mặt kia chứ chúng ta không hoàn toàn được hết hay mất hết. Quan trọng nhất là phải kiên định, quyết tâm thực hiện mục tiêu đã đề ra. Đồng thời, phải hiểu rằng để đạt mục tiêu lớn như CPH DNNN, cải cách DNNN thì có nhiều tác động không mong muốn về mặt xã hội, về mặt ngắn hạn đối với sản xuất kinh doanh. Do đó, phải tăng tốc để lấy hiệu quả, lợi ích dài hạn. Vì thế, vấn đề truyền thông, giải trình rất quan trọng. Chúng ta không được né tránh những tác động không mong muốn về mặt xã hội, về mặt ngắn hạn nhưng cũng phải nói rõ, thấy rõ mục tiêu tối thượng phải đạt cho bằng được là cải tổ DNNN để nguồn lực nhà nước hiệu quả hơn.

Trong giai đoạn 2011 - 2015, chúng ta đề ra mục tiêu CPH được 527 doanh nghiệp nhưng chỉ đạt được khoảng 90% kế hoạch. Trong giai đoạn tới, chúng ta có nên định sẵn số doanh nghiệp cần CPH không?

Tôi cho rằng, định sẵn một con số doanh nghiệp được CPH cụ thể cũng có cái lợi là chúng ta biết nhìn vào đó mà phấn đấu. Song, quan trọng hơn cả không phải nằm ở số lượng, mà phải xem CPH có thực chất không. Bởi dù CPH có đạt 100% kế hoạch nhưng tỷ lệ CPH thấp thì cũng không thể coi CPH đã thành công.

Ông nhận định thế nào về thời cơ của Việt Nam trong vòng 5 năm tới, giúp chúng ta có thể thực hiện thành công mục tiêu CPH đề ra?

Trong vòng 5 - 7 năm tới sẽ là thời điểm quyết định đối với nền kinh tế Việt Nam và chúng ta sẽ làm được nhiều việc. Trong bối cảnh thế giới có sự chuyển động về xu thế, có những sân chơi mới tốt hơn, con đường mở ra cho chúng ta rất rộng. Bên cạnh việc phải giữ vững thành quả đạt được thì cần cải thiện thành quả ổn định kinh tế vĩ mô, tiếp tục tái cấu trúc nền kinh tế. Chúng ta đã có kinh nghiệm hội nhập, lại đi trước một bước so với nhiều nước khi hội nhập với các nước lớn, chỉ cần có quyết tâm thì chúng ta sẽ biết nắm lấy cơ hội, từng bước đặt nền tảng để giúp Việt Nam sớm vượt qua bẫy thu nhập trung bình trong tương lai. Nếu không tận dụng được cơ hội trong giai đoạn này, chúng ta sẽ phải trả giá khi cơ hội bị thu hẹp dần.

Xin cảm ơn ông!