Kinh doanh tốt cần song hành với thương hiệu mạnh

Theo thoibaonganhang.vn

Với các DN, tài sản vô hình hay thương hiệu không mơ hồ mà có thể quy ra giá trị tiền thông qua đánh giá bằng các phương pháp cụ thể bởi một hãng đánh giá thương hiệu có uy tín. Hiện có nhiều khái niệm khác nhau về thương hiệu.

Thương hiệu có thểquy ra tiền

Theo hãng định giá thương hiệu hàng đầu thế giới Brand Finance, thương hiệu là nhãn hiệu đã được đăng ký và các tài sản trí tuệ liên quan, bao gồm dấu hiệu dạng chữ viết và biểu tượng dạng hình. Trong bối cảnh hoạt động kế toán tài chính và các tiêu chuẩn tài chính đặt ra các yêu cầu ngày càng cao hiện nay, thứ tài sản trí tuệ mang tên “thương hiệu” dường như ngày càng có giá trị.

Kinh doanh tốt cần song hành với thương hiệu mạnh - Ảnh 1
Hoạt động kinh doanh tốt của các DN tốp đầu thế giới luôn đi cùng với thương hiệu mạnh

Hiện cũng có nhiều cách thức để xác định giá trị thương hiệu và một trong số đó là phương pháp Miễn trừ phí bản quyền (Royalty Relief). Brand Finance đã áp dụng phương pháp này để xác định giá trị thương hiệu của hàng ngàn DN trên toàn cầu.

Theo đó, họ sẽ tính toán ra được giá trị mà một công ty hay DN sẵn sàng chi trả để được quyền sử dụng thương hiệu của chính mình giả sử họ không sở hữu thương hiệu đó. Cách tiếp cận này bao gồm việc xác định lợi nhuận trong tương lai do thương hiệu đem lại và tính toán mức phí bản quyền mà một đơn vị muốn sử dụng thương hiệu phải chi trả.

Cụ thể, phương pháp này sẽ tính toán đến Chỉ số sức khỏe thương hiệu (BSI) theo thang điểm từ 1 -100, dựa trên một thẻ điểm cân bằng gồm các yếu tố như cảm tình thương hiệu, tình hình tài chính và mức độ bền vững của thương hiệu. Tiếp đến, xác định biên độ mức phí bản quyền theo từng lĩnh vực, sau đó sẽ tính toán mức phí bản quyền.

Điểm sức khoẻ thương hiệu được áp dụng trong bước này. Ví dụ, nếu biên độ mức phí bản quyền trong một lĩnh vực là từ 0 đến 5% và một thương hiệu có điểm sức khoẻ 80/100 thì mức phí bản quyền tương ứng để được sử dụng thương hiệu đó là 4%.

Tiếp đó, lợi nhuận của từng thương hiệu sẽ được xác định bằng cách dự đoán tỷ lệ % lợi nhuận công ty mẹ do từng thương hiệu đem lại. Đồng thời, tính toán dự phóng lợi nhuận do thương hiệu đem lại dựa trên một công thức kết hợp dữ liệu lợi nhuận trong lịch sử, của các nhà phân tích tài chính và tỷ lệ tăng trưởng kinh tế.

Sau đó, nhân mức phí bản quyền với lợi nhuận dự phóng để xác định mức phí bản quyền tương ứng. Mức phí bản quyền dự phóng này được quy về (sau thuế) để xác định giá trị hiện tại thuần.Đây chính là giá trị hiện nay của phần thu nhập do thương hiệu sẽ mang lại trong tương lai.

Trên cơ sở thang điểm sức khoẻ thương hiệu, mức xếp hạng thương hiệu sẽ được đưa ra. Theo đó, sức khoẻ, nguy cơ và tiềm năng tương lai của một thương hiệu được so sánh trong tương quan với các đối thủ trên một thang từ D tới AAA. Về mặt khái niệm, mức xếp hạng này tương tự như mức xếp hạng tín dụng.

Thương hiệu chưađóng góp nhiều trongkinh doanh

Trong khi trên thế giới, trung bình tài sản vô hình chiếm tới 53% tổng giá trị DN thì tại Việt Nam, theo đánh giá của Brand Finance, con số này chỉ là 38%. Để giúp các DN Việt hiểu rõ hơn về phương pháp định giá thương hiệu của mình cũng như các nội dung liên quan khác, Brand Finance- với sự hỗ trợ của đối tác tại Việt Nam là công ty tư vấn thương hiệu Mibrand - đã có cuộc tiếp xúc chính thức lần đầu tiên với các DN Việt Nam ngày 12/11 thông qua hội thảo: “Phương pháp định giá Thương hiệu Brand Finance” được tổ chức tại Hà Nội với sự tham gia của đại diện các thương hiệu như: Vinamilk, Mobifone, FPT, VietinBank, Vinaphone…

Đây là những cái tên nằm trong tốp 50 thương hiệu hàng đầu trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam năm 2015 theo báo cáo công bố của Brand Finance vào trung tuần tháng 10 vừa qua.

Tại buổi hội thảo, ông Samir Dixit, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã có những trao đổi cởi mở xung quanh phương pháp Miễn trừ phí bản quyền mà Brand Finance đang áp dụng. Đây là phương pháp định giá được chứng nhận theo tiêu chuẩn ISO 10688 đang được sử dụng rộng rãi trên thế giới.

“Kết quả định giá thương hiệu của Brand Finance là kết quả duy nhất được sử dụng chính thức trong những phán quyết về luật pháp liên quan đến tài sản thương hiệu. Điều đó thể hiện tính chính thống được luật pháp công nhận của phương pháp định giá mà Brand Finance đang áp dụng” - ông Samir Dixit cho biết.

Cũng tại buổi hội thảo này, ông Lại Tiến Mạnh – Giám đốc công ty tư vấn thương hiệu Mibrand cho biết: “Quản trị và phát triển thương hiệu thành một tài sản vô hình quý giá của công ty phải trở thành một trong những mục tiêu quan trọng hàng đầu của DN. Chúng tôi hy vọng rằng giá trị thương hiệu sẽ trở thành những yếu tố mang lại giá trị đồng tiền thực sự cho cổ đông và nhà đầu tư”.

Trước đó vào trung tuần tháng 10, Brand Finance đã lần đầu tiên công bố bản Báo cáo trị giá của 50 Thương hiệu hàng đầu trên TTCK Việt Nam năm 2015. Báo cáo đã nhận được rất nhiều phản hồi tích cực từ các DN, bày tỏ sự đồng tình về việc Brand Finance quan tâm và từ nay bắt đầu ghi nhận sự phát triển của các thương hiệu từ Việt Nam.