Kinh doanh xăng dầu ở địa bàn khó khăn chưa thu hút nhà đầu tư

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Kinh doanh xăng dầu hiện được khá nhiều nhà đầu tư quan tâm. Trên cả nước đã có gần 20 doanh nghiệp đầu mối cung ứng xăng dầu, hàng trăm tổng đại lý và đại lý với gần 15 nghìn cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại thị trường nội địa. Song, khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa lại chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia.

Kinh doanh xăng dầu ở địa bàn khó khăn chưa thu hút nhà đầu tư
Kinh doanh xăng dầu hiện được khá nhiều nhà đầu tư quan tâm. Nguồn: internet
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) hiện đang chiếm khoảng 51% thị phần xăng dầu ở nước ta. Tập đoàn này chiếm thị phần cao là bởi đang phải đáp ứng nhu cầu xăng dầu ở khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Trong khi, ở các khu vực thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… rất nhiều đầu mối, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tham gia, tính cạnh tranh cao. Điều này khiến thị phần xăng dầu của Petrolimex ở nhiều nơi chưa tới 30%.

Hiện nay, giá xăng, dầu bán ở các vùng khó khăn (được tính là Vùng 2) được tính thêm 2%. Tuy nhiên, do chi phí vận chuyển lớn, tiêu hao nhiên liệu cũng như khó khăn trong xây dựng và quản lý cửa hàng nên mỗi lít xăng dầu đến vùng sâu, vùng xa ở nhiều nơi vẫn đang phải bù lỗ rất lớn.

Đơn cử như tại địa bàn Hà Giang, Giám đốc Công ty Xăng dầu Hà Giang Trần Thị Thu Hương cho biết, công ty đang chiếm tới 77% thị phần, với 23 cửa hàng bán lẻ xăng dầu và 2 cửa hàng kinh doanh gas. Trong đó, 4 huyện vùng cao khó khăn nhất của tỉnh Hà Giang là Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc đang do công ty cung ứng, chiếm 20% sản lượng của toàn công ty. Nếu tính trung bình mỗi lít xăng dầu từ đầu nguồn (tức tổng kho xăng dầu B12 - Quảng Ninh) lên đến Hà Giang chi phí vận chuyển bình quân là 1.217 đồng/lít, trong đó, lên đến huyện Mèo Vạc (Hà Giang) là 1.597 đồng/lít.

Đó là chưa kể, việc đưa xăng dầu lên đến Đồng Văn - Mèo Vạc do chênh lệch nhiệt độ, độ cao hao hụt rất lớn, mỗi xe hàng có khi hao hụt tới 200-300 lít xăng, nếu chênh lệch khoảng 100C. Trong khi đó, chi phí bình quân chung của toàn ngành là hơn 600 đồng/lít và 2% cước vận chuyển được Nhà nước cho phép với địa bàn Vùng 2 tương đương khoảng 400 đồng/lít xăng dầu. Do vậy, để có thể trụ vững trên địa bàn, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị - kinh tế - xã hội, hàng năm Petrolimex đã phải bù lỗ hàng tỷ đồng tiền cước vận chuyển xăng dầu cho Hà Giang.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn cũng khẳng định, tỉnh đã đưa ra cơ chế, chính sách thuận lợi để mời gọi nhà đầu tư, kể cả đối với lĩnh vực kinh doanh xăng dầu. Nhưng hiện nay mới chỉ có Tổng công ty Xăng dầu Quân đội, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV oil) và một số doanh nghiệp tư nhân ở các tỉnh lân cận tham gia, chiếm 49% số điểm bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Song, các doanh nghiệp này chỉ kinh doanh ở những vùng thuận lợi của tỉnh. Tại các huyện vùng cao chủ yếu do Công ty Xăng dầu Hà Giang cung ứng.

Đại diện Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam cho biết, việc quản lý và điều hành giá xăng dầu thời gian qua đã khiến phải bù chéo giá trong nội bộ Tập đoàn, trong khi không thu hút được các nguồn lực từ bên ngoài. Tại nhiều địa bàn, Tập đoàn cung ứng xăng dầu không phải vì thu lợi, mà để làm nhiệm vụ chính trị.

Để thu hút nhà đầu tư xăng dầu đến với khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, đại diện Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đề nghị, liên Bộ Tài chính - Công thương cần tính toán điều chỉnh dần từng bước để có sự giãn cách về giá bán giữa các vùng thuận lợi và các vùng khó khăn. Bởi nếu kinh doanh có lợi nhuận, thì tức khắc nhà đầu tư sẽ tham gia thị trường, qua đó góp phần tạo ra thị trường cạnh tranh tại khu vực này. Nếu vẫn còn sự chênh lệch và phải bù giá như hiện nay sẽ rất khó thu hút nhà đầu tư.