Kinh nghiệm triển khai cơ chế tự chủ tại Đại học Tài chính – Marketing

PGS.,TS. Phạm Hữu Hồng Thái, Hoàng Thái Hưng – Đại học Tài chính - Marketing

Đại học Tài chính – Marketing là trường đại học đầu tiên trực thuộc Bộ Tài chính được giao thí điểm thực hiện tự chủ theo Nghị quyết 77/NQ-CP của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học giai đoạn 2014-2017. Sau một thời gian triển khai cơ chế tự chủ, đến nay Đại học Tài chính – Marketing đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, tiếp tục khẳng định vị thế, uy tín trong đào tạo.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Thực tiễn thực hiện cơ chế tự chủ tại Đại học Tài chính – Marketing

Để thực hiện thí điểm cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo tinh thần Nghị quyết 77/NQ-CP, Đại học Tài chính – Marketing đã nghiên cứu xây dựng đề án với sự tham gia không chỉ của các lãnh đạo, cán bộ giảng viên của Nhà trường và các chuyên gia, các nhà quản lý tài chính, giáo dục để trình các cấp có thẩm quyền và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo đó, ngày 23/03/2015 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 378/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đổi mới cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm tại Trường Đại học Tài chính – Marketing giai đoạn 2015 – 2017.

Theo đó, để triển khai cơ chế tự chủ, Đại học Tài chính – Marketing đã thực hiện đổi mới đồng bộ trên nhiều lĩnh vực, một trong những nội dung đổi mới được quan tâm nhất là tự chủ về tài chính:

Thứ nhất, về học phí: Xác định đây là nguồn tài chính quan trọng nhất không chỉ đảm bảo hoạt động của Nhà trường mà còn yếu tố quan trọng thu hút học sinh, sinh viên tham gia học tập, Nhà trường thực hiện áp dụng mức học phí ổn định theo kế hoạch như sau:

- Mức thu học phí áp dụng trong năm học 2014 - 2015 được giữ nguyên để bảo đảm toàn bộ các nội dung chi thường xuyên và một phần nguồn kinh phí phục vụ đầu tư tăng cường cơ sở vật chất của Nhà trường.

Nhà trường thực hiện tính toán và công khai mức thu học phí cụ thể cho từng nhóm ngành, nghề, chương trình đào tạo trước khi tuyển sinh, bảo đảm mức thu học phí bình quân (của chương trình đại trà) không vượt quá mức thu học phí bình quân tối đa của Trường theo quy định tại Quyết định 378/QĐ-TTg.

Đối với các đối tượng đã nhập học trước thời điểm Quyết định này có hiệu lực thi hành, Trường thu học phí với mức tăng tối đa năm sau không quá 30% của năm trước liền kề kể từ thời điểm Quyết định này có hiệu lực. Đồng thời, quyết định áp dụng mức thu học phí đối với các chương trình đặc thù theo đề án mở chương trình được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Đặc biệt, trong chính sách học phí và học bổng, Nhà trường thực hiện hỗ trợ phần chênh lệch giữa mức học phí của Trường so với mức học phí được miễn, giảm theo quy định của Nhà nước đối với các sinh viên thuộc đối tượng chính sách, hộ nghèo kể từ khóa tuyển sinh sau thời điểm quyết định này có hiệu lực thi hành.

Ngoài các đối tượng được miễn, giảm học phí theo chính sách của Nhà nước, Trường cũng đã xây dựng, thực hiện chính sách học bổng, khuyến khích học tập dành cho sinh viên học tập xuất sắc và sinh viên nghèo hiếu học.

Thứ hai, đối với nguồn thu sự nghiệp, dịch vụ: Đây là nguồn thu đáng kể, nó không chỉ bù đắp cho chi phí hoạt động mà còn thể hiện sự năng động của Nhà trường với vai trò là đơn vị sự nghiệp giáo dục đào tạo.

Do đó, Nhà trường đã triển khai thực hiện nhiều hoạt động dịch vụ và hỗ trợ đào tạo gia tăng để nâng cao chất lượng đào tạo và phục vụ người học. Tất cả các khoản thu từ các hoạt động sự nghiệp của Nhà trường đều được công khai trên cơ sở lấy thu bù đắp chi phí và tích lũy hợp lý.

Thứ ba, về tiền lương và thu nhập: Ngoài tiền lương ngạch, bậc theo quy định của Nhà nước, Trường quyết định thu nhập tăng thêm của người lao động từ nguồn chênh lệch thu lớn hơn chi theo Quy chế chi tiêu nội bộ, trên cơ sở công bằng, công khai, minh bạch.

Thứ tư, về sử dụng nguồn thu: Thực hiện tự chủ và chịu trách nhiệm trong lập kế hoạch và quyết định sử dụng kinh phí từ nguồn thu hợp pháp của Nhà trường để bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên, tiếp tục đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, đào tạo nhân lực và bảo đảm chất lượng đào tạo, nghiên cứu.

Sau khi thực hiện bù đắp các chi phí thường xuyên, phần chênh lệch thu lớn hơn chi còn lại được trích lập các quỹ sau: Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp (tối thiểu 25% chênh lệch thu chi); Quỹ khen thưởng; Quỹ phúc lợi; Quỹ dự phòng ổn định thu nhập và các quỹ hỗ trợ sinh viên.

Đặc biệt, tất các các nguồn thu từ học phí và thu sự nghiệp được gửi tại ngân hàng thương mại hoặc Kho bạc Nhà nước theo đúng quy định về quản lý tài chính. Điều này không những đảm bảo yêu cầu an toàn tài chính mà còn đem lại nguồn lãi suất sinh lợi từ tiết kiệm cho Nhà trường.

Thứ năm, về đầu tư, mua sắm trang thiết bị… Nhà trường luôn chủ động cân đối nguồn thu và huy động các nguồn kinh phí hợp pháp khác để đầu tư phát triển tổng thể cơ sở vật chất theo kế hoạch phát triển.

Đồng thời, tiếp tục thực hiện dự án đầu tư xây dựng Trường đã được phê duyệt chủ trương đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước và tích lũy của Trường trong Chiến lược phát triển đã được Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt tại Quyết định 2772/QĐ-BTC ngày 12/11/2013.

Những chuyển biến tích cực

Với việc triển khai đồng bộ, quyết liệt việc đổi mới cơ chế tự chủ tài chính sau một thời gian đã có nhiều chuyển biến tích cực được ghi nhận tại Đại học Tài chính – Marketing. Cụ thể:

- Về học phí: Căn cứ Quyết định 378/QĐ-TTg ngày 23/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị định 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí hỗ trợ học phí học tập từ năm 2015-2016 đến năm 2020-2021, Nhà trường thực hiện tính toán và công khai mức thu học phí cụ thể cho từng nhóm ngành, nghề, chương trình đào tạo cụ thể như: Khóa nhập học năm 2015-2016: 13 triệu đồng/năm; Khóa nhập học năm 2016-2017: 17 triệu đồng/năm.

Đối với các đối tượng đã nhập học trước thời điểm Quyết định 378/ QĐ-TTg có hiệu lực thi hành, Trường thu học phí với mức tăng tối đa năm sau không quá 20% của năm trước liền kề. Trường quyết định mức thu học phí đối với các chương trình đặc thù (chương trình Chất lượng cao, Quốc tế) theo đề án mở chương trình được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Việc quy định về mức thu này đã giúp Trường tự chủ trong việc xác định mức thu học phí cho từng hệ, từng chương trình đào tạo và đã được nhà trường công bố trước kỳ xét tuyển hàng năm vào trường. Điều này thể hiện rõ tính công khai đối với xã hội và người học.

- Về thu sự nghiệp, dịch vụ: Trường thực hiện các hoạt động dịch vụ và hỗ trợ đào tạo gia tăng để nâng cao chất lượng đào tạo và phục vụ người học. Khoản thu từ các hoạt động này được công khai trên cơ sở lấy thu bù đắp chi phí và tích lũy hợp lý.

Đây chính là việc đa dạng hóa các nguồn thu nhằm tăng thu, tăng tích lũy, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Các khoản thu này, Trường bổ sung hoạt động sự nghiệp cũng như trích lập các quỹ.

- Về tiền lương và thu nhập: Ngoài tiền lương ngạch, bậc theo quy định của Nhà nước, Trường quyết định thu nhập tăng thêm của người lao động từ nguồn chênh lệch thu lớn hơn chi theo Quy chế chi tiêu nội bộ, trên cơ sở công bằng, công khai, minh bạch.

Bên cạnh đó, với tinh thần phát huy tính chủ động cao trong khâu phân phối thu nhập, hệ số thu nhập tăng thêm của chức danh lãnh đạo đơn vị sự nghiệp công tối đa không quá 2 lần hệ số thu nhập tăng thêm bình quân thực hiện của người lao động trong đơn vị theo quy định tại Nghị định 16/2015/NĐ-CP, Điều 12, Khoản 3, tiết c.

Đây chính là một trong những động lực để Nhà trường phát huy tốt nội lực, tận dụng tối đa nguồn lực sẵn có, khai thác tốt và triệt để các nguồn thu hợp pháp để từng bước cải thiện thu nhập chính đáng cho người lao động, tăng tích lũy để đầu tư cơ sở vật chất.

Theo đó, Nhà trường đã chi trả thu nhập cho giảng viên, cán bộ viên chức, người lao động bằng 2,4 lần so với các khoản tiền lương theo quy định của Nhà nước (chưa kể khoản thu nhập chi từ các quỹ).

- Về sử dụng nguồn thu: Nhà trường quyết định sử dụng kinh phí từ nguồn thu hợp pháp để đảm bảo toàn bộ chi thường xuyên và tiếp tục đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, đào tạo nhân lực, đồng thời trích lập các quỹ theo quy định, trong đó trích đủ Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp (tối thiểu 25% chênh lệch thu chi). Đồng thời, thực hiện gửi các khoản thu học phí và thu sự nghiệp gửi vào ngân hàng, dùng số tiền lãi này để hỗ trợ sinh viên.

- Chính sách học bổng, học phí: Căn cứ Khoản 4, Điều 1 của Nghị quyết 77/NQ-CP, Trường xây dựng chính sách học bổng khuyến khích học tập và hỗ trợ tín dụng cho sinh viên. Cụ thể là, các sinh viên thuộc đối tượng chính sách, sinh viên nghèo, cận nghèo sẽ được miễn giảm 100% học phí theo quy định của Nhà nước.

Phần chênh lệch giữa mức hỗ trợ của Nhà nước và mức học phí của Trường sẽ được Trường cấp bù toàn bộ để đảm bảo các sinh viên thuộc đối tượng này được hưởng các chính sách bằng và hơn các trường không tham gia thí điểm tự chủ. Mặt khác, Trường ưu tiên bố trí chỗ ở ký túc xá cho các đối tượng chính sách, sinh viên nghèo, sinh viên khuyết tật và bị di chứng do ảnh hưởng của chất độc màu da cam.

Ngoài các đối tượng miễn, giảm học phí theo chính sách của Nhà nước, Trường đã xây dựng chính sách học bổng khuyến khích học tập dành cho sinh viên học tập xuất sắc, giỏi theo quy định và các sinh viên tài năng, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn nhưng không thuộc đối tượng được hưởng chính sách miễn giảm nêu trên.

Đồng thời, liên kết với các ngân hàng thương mại thực hiện chính sách tín dụng sinh viên gắn liền với quá trình quản lý đào tạo của trường.

Nhà trường đã xây dựng Quỹ học bổng và hỗ trợ sinh viên từ các nguồn: Trích 8% từ nguồn thu học phí đại học hệ chính quy để lập quỹ học bổng khuyến khích học tập theo quy định tại thông tư 31/2013/TT-BGDĐT ngày 01/8/2013 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Năm học 2015-2016, Trường chi khoảng 4,6 tỷ đồng; năm 2016-2017 chi khoảng 7 tỷ đồng; Sử dụng nguồn thu từ lãi tiền gửi các ngân hàng thương mại. Khoản lãi từ tiền gửi này sẽ bổ sung quỹ hỗ trợ học tập, học bổng cho sinh viên.

Khoản lãi năm 2015 là 2,695 tỷ đồng, năm 2016 5,1 tỷ đồng (sau khi đã thực hiện nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định hiện hành); Huy động cựu sinh viên, tổ chức doanh nghiệp khác tham gia đóng góp cho quỹ hỗ trợ sinh viên. Trên cơ sở nguồn học bổng và mức học phí hàng năm, Trường sẽ xây dựng chính sách học bổng và xác định mức học bổng cho sinh viên.

Đặc biệt, trong tháng 5/2016, Nhà trường đã hỗ trợ khẩn cấp cho 796 sinh viên đại học chính quy có hộ khẩu tại 7 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế và Bến Tre, Sóc Trăng, Kiên Giang. Đây là các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi hạn, mặn và miền Trung khó khăn.

Mức hỗ trợ tương đương 25% học phí học kỳ 2 năm học 2015-2016, với số tiền: 866.390.000 đồng, qua đó đã thể hiện sự quan tâm chia sẻ kịp thời của Nhà trường với xã hội, cụ thể là những sinh viên của trường giúp các em có thêm điều kiện để tiếp tục đến trường thực hiện những ước mơ, hoài bão của mình.

Bên cạnh những chuyển biến tích cực nêu trên, trong quá trình thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính, Nhà trường cũng gặp phải một số tồn tại, hạn chế như, nguồn thu còn hạn chế, cơ sở vật chất còn khó khăn so với yêu cầu phát triển.

Thu từ học phí là khoản thu chủ yếu của Nhà trường nhưng chỉ tiêu tuyển sinh được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao giảm so với các năm học trước trên tất cả các hệ, do đó học phí có tăng nhưng cũng chỉ đủ bù đắp khoản chỉ tiêu giảm. Mặt khác, các cơ sở đào tạo của trường bị phân tán và còn phải thuê 01 cơ sở.

Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân hạn chế trong việc thu hút người học tham gia vào các lớp dịch vụ. Nguồn thu dịch vụ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng thu, nay lại chia sẻ cho người học (lập các quỹ hỗ trợ sinh viên), vì vậy tổng thu được sử dụng cho hoạt động của trường bị thu hẹp.

Tính đến thời điểm hiện nay, Nhà trường có 04 cơ sở đào tạo, trong đó, thuê 01 cơ sở. Diện tích xây dựng của Nhà trường so với Thông tư 32/2015/TT-BGDĐT (diện tích sàn xây dựng trực tiếp phục vụ đào tạo không thấp hơn 2,5 m2/sinh viên) là chưa đủ theo yêu cầu.

Để thực hiện được vấn đề này, Nhà trường phải có quỹ đất để tiếp tục xây dựng trường nhưng với khả năng tài chính như hiện nay, mục tiêu này là khó thực hiện

Phát huy cơ chế tự chủ tài chính tại Đại học Tài chính - Marketing

Để tiếp tục phát huy cơ chế tự chủ tài chính đối với đại học nói chung và Đại học Tài chính – Marketing nói riêng, trong thời gian tới cần quan tâm đến một số nội dung sau:

Thứ nhất, sớm ban hành các văn bản quy định hướng dẫn cụ thể về cơ chế tự chủ đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập theo tinh thần Nghị định 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập;

Thứ hai, Chính phủ nên cho phép Đại học Tài chính – Marketing tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc quyết định mức thu học phí và lệ phí trên cơ sở tính đủ chi phí.

Hiện nay, các trường được thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đang áp dụng mức thu lệ phí tuyển sinh theo Thông tư liên tịch số 40/2015/TTLT-BTC-BGDĐT ngày 27/3/2015 nhưng mức thu này là rất thấp, không đủ để bù đắp chi phí. Vì vậy, Nhà nước nên để các trường tự xác định mức thu, trên cơ sở tính đủ chi phí sẽ phù hợp hơn;

Thứ ba, Nhà nước nên tính toán miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với nguồn thu từ các hoạt động dịch vụ và các lớp đào tạo ngắn hạn của các trường được giao tự chủ theo tinh thần Nghị quyết 77/NQ-CP, nhằm tạo điều kiện cho Trường có nguồn kinh phí để phát triển cơ sở vật chất.

Đồng thời, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với nguồn thu từ lãi tiền gửi ngân hàng để tăng nguồn kinh phí cho quỹ hỗ trợ sinh viên. Hiện tại, Đại học Tài chính - Marketing đang thực hiện đóng thuế thu nhập doanh nghiệp theo Thông tư 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính.

Thứ tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo không nên giao chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm: Hiệu trưởng các trường sẽ tự xác định năng lực, sức cạnh tranh để có kế hoạch tuyển sinh cho phù hợp;

Thứ năm, giao quyền tự chủ cho các trường được quyết định về tiêu chuẩn, định mức trang bị máy móc, thiết bị văn phòng phổ biến của các trường.

Hiện nay, các trường đang thực hiện theo Quyết định 58/2015/QĐ-TTg ngày 17/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức, chế độ quản lý, sử dụng máy móc, thiết bị của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập.

Giá một số máy móc, thiết bị còn quá thấp, nên các trường khó áp dụng để triển khai thực hiện (Ví dụ, quy định về định mức cho máy vi tính để bàn là 13 triệu (gồm cả bàn máy vi tính và thiết bị lưu điện).

Khi các trường được giao tự chủ, nhằm cải tiến và nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu người học và doanh nghiệp cũng như tăng thu nhập cho đơn vị, các trường tổ chức liên kết đào tạo với các trường đại học uy tín trên thế giới, mở các chương trình chất lượng cao, chương trình tiến tiến, tổ chức các lớp dịch vụ…

Các chương trình đào tạo này đòi hỏi các trường phải có cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc tiên tiến nhằm đáp ứng nhu cầu người học cũng như tương xứng với mức học phí mà họ chi trả. Tuy nhiên, với định mức quy định, khó có thể mua được các máy móc thiết bị tiên tiến.

Tài liệu tham khảo:

1. Chính phủ, Nghị quyết 77/NQ-CP về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học giai đoạn 2014-2017;

2. Quyết định số 378/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đổi mới cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm tại Đại học Tài chính – Marketing giai đoạn 2015 – 2017;

3. Chính phủ, Nghị định 16/2015/NĐ-CP về cơ chế tự chủ tại các đơn vị sự nghiệp công lập;

4. Báo cáo tổng kết của Đại học Tài chính – Marketing các năm từ 2014-2016.