Kinh tế khó khăn: Thị trường bán lẻ “ì ạch”

Theo kinhtevadubao.com.vn

(Tài chính) Mức tăng chỉ 5,6% sau khi đã trừ yếu tố giá của 11 tháng năm 2013 cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa đang ở trong trạng thái “ì ạch”. Điều này là một trong những yếu tố làm GDP tăng thấp và cũng góp phần làm giảm lạm phát.

Kinh tế khó khăn: Thị trường bán lẻ “ì ạch”
Tổng mức bán lẻ hàng hóa đang ở trong trạng thái “ì ạch”. Nguồn: internet

Đủ chiêu kích cầu nhưng người mua vẫn thờ ơ

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 11 tháng đầu năm 2013 đã tăng 12,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, sau khi loại trừ yếu tố giá thì chỉ còn 5,6%. Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng từ đầu năm 2013 đến nay ước tính đạt 2.386,2 nghìn tỷ đồng.

Nếu xét về thành phần kinh tế, 50,3% tổng mức bán lẻ trên đến từ khu vực cá thể, thông qua hình thức phân phối truyền thống là các chợ, cửa hàng nhỏ lẻ. Điều này cho thấy, người tiêu dùng vẫn đang giữ thói quen mua sắm lặt vặt truyền thống. Tuy nhiên, tổng mức của khu vực này chỉ tăng 12% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn kỳ vọng của ngành bán lẻ. Điều đó cho thấy nền “kinh tế vỉa hè” - tấm đệm làm giảm nhẹ những cú sốc kinh tế bất lợi - đang bị co bóp một cách mạnh mẽ hơn.

Mặc dù tổng mức bán lẻ chung là tăng, song mức tăng lại đang chậm dần từ năm 2011 tới nay. Nếu loại trừ yếu tố giá, mức tăng 11 tháng năm 2013 chỉ vẻn vẹn 5,6%, tăng “khiêm tốn” 0,1% so với tổng mức bán lẻ 10 tháng đầu năm.

Đây là một hiện tượng khá lạ, bởi Tết nguyên đán - mùa mua sắm thịnh nhất trong năm - đang ngày càng tới gần, cộng thêm hàng loạt chiêu kích cầu mua sắm cuối năm, giảm giá lớn trên diện rộng. Do đó, tổng mức bán lẻ khó lòng đuổi kịp con số 6,2% của cả năm 2012 là hoàn toàn có thể xảy ra.

Tình hình xuất – nhập khẩu cuối năm ảm đạm, mặc dù nhu cầu sản xuất và cung ứng hàng hóa Tết tăng cao, đã phản ánh chân thực mức cung hàng hóa dịch vụ trong nước và ảnh hưởng trực tiếp tới con số tổng mức bán lẻ.

2013 – khó “chồng” khó

Lý giải về tình hình kinh tế Việt Nam với tình hình không mấy khả quan nói trên, Ngân hàng Thế giới mới đây đã cho rằng, điều này là do lòng tin của khu vực tư nhân thấp; ngân sách nhà nước suy giảm; cơ cấu doanh nghiệp nhà nước chậm, tỷ suất vay nợ lại cao, sức cạnh tranh của doanh nghiệp nội yếu.

Cộng hưởng với cầu của thị trường giảm do sức mua giảm, thu nhập tăng thấp, lạm phát tăng cao, khiến tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng yếu.

Tuy đánh giá cao những biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam, song Ngân hàng Thế giới cũng nhận định rằng, kinh tế Việt Nam vẫn đang trì trệ và duy trì ở mức thấp. Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng “ì ạch” trong những năm gần đây hàm ý rằng tăng trưởng GDP dự kiến năm 2013 cũng sẽ giảm theo.

Trả lời báo giới mới đây, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, ông Nguyễn Bích Lâm cũng cho rằng, hiện nay, sức mua còn yếu, điều này sẽ làm giảm áp lực tăng CPI của tháng 1/2014. 

Tổng cục Thống kê cũng đưa ra dự báo, CPI năm 2013 chỉ tăng khoảng 6% so với năm 2012 - đây là mức tăng thấp nhất trong khoảng 10 năm gần đây. Ông cũng nhận định “diễn biến các chỉ tiêu kinh tế trong năm 2013 cho thấy nền kinh tế đã gặp không ít khó khăn”.

Tuy nhiên, điều đáng quan tâm hơn là cơ cấu hàng hóa tiêu dùng đang lưu thông trong thị trường Việt. Hàng hóa kém chất lượng có xuất xứ Trung Quốc đang chiếm không gian không nhỏ trên các sạp chợ, tại các cửa hàng nhỏ lẻ, trên kệ các siêu thị lớn bé. Nhập siêu từ thị trường Trung Quốc vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất với mức thâm hụt lên tới hơn 2 tỷ USD trong tháng 11/2013.

Trên thực tế, người Việt không chỉ tiêu dùng yếu đi, mà còn phải tiêu dùng hàng hóa giá rẻ, độc hại và kém chất lượng. Vậy nhưng, một loạt mặt hàng do nhà nước quản lý và kiểm soát như điện, nước, xăng dầu, 3G… lại đang hò nhau tăng giá. Ngoài ra, những dự báo không mấy khả quan về tình hình kinh tế năm 2013 vẫn không làm nản lòng các nhà bán lẻ.

Rõ ràng, những tác động xấu của nền kinh tế tuy ít nhiều làm giảm hạn mức của thị trường bán lẻ trong năm 2013. Mặc dù vậy, đây vẫn được đánh giá là một trong những thị trường bán lẻ năng động và có tốc độ phát triển hàng năm khá cao so với các nước trong khu vực.