Kinh tế xuất siêu, doanh nghiệp trong nước vẫn gặp khó

Theo Báo Đại biểu Nhân dân

Hai tháng đầu năm 2013, kinh tế Việt Nam xuất siêu 1,676 tỷ USD. Đóng góp vào con số này chủ yếu vẫn là khu vực doanh nghiệp FDI. Trong bối cảnh doanh nghiệp trong nước vẫn đang đối mặt với vô vàn khó khăn, thì chỉ số xuất siêu chưa hẳn đã là tín hiệu khả quan của nền kinh tế.

Kinh tế xuất siêu, doanh nghiệp trong nước vẫn gặp khó
Ảnh minh họa. Nguồn:Internet
Xuất siêu nhờ khu vực kinh tế FDI
 
Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương Trần Thanh Hải cho biết tại buổi họp báo thường kỳ vừa được tổ chức, kim ngạch xuất khẩu tháng 2/2013 ước đạt 7,5 tỷ USD, giảm 34,6% so với tháng trước. Tính chung hai tháng, kinh tế Việt Nam ước xuất siêu 1,676 tỷ USD, bằng 8,8% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đây là tháng thứ hai liên tiếp trong năm 2013, kinh tế nước ta xuất siêu.
 
Tuy nhiên, đóng góp chính vào trạng thái xuất siêu của nền kinh tế tháng hai và hai tháng đầu năm đến từ khu vực doanh nghiệp FDI. Tính chung hai tháng, khối doanh nghiệp này xuất siêu tới 2,97 tỷ USD trong khi khối doanh nghiệp trong nước nhập siêu 1,29 tỷ USD. Theo báo cáo của Bộ Công thương, xuất siêu vừa qua chủ yếu là nhóm hàng công nghiệp chế biến, linh kiện điện tử, dẫn đầu là mặt hàng điện thoại di động của tập đoàn Samsung. Như vậy, dù chỉ số xuất khẩu tăng cao nhưng thu nhập quốc gia thực hưởng không nhiều.
 
Theo các chuyên gia, tháng 2 năm nay trùng với thời điểm nghỉ Tết Nguyên đán nên kim ngạch nhập khẩu thấp. Cụ thể, kim ngạch nhập khẩu trong tháng 2 ước đạt 6,6 tỷ USD, giảm 38,3% so với tháng 1 và giảm 24,5% so với tháng 2/2012. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến cho cán cân thương mại tháng hai nghiêng về xuất siêu. Ngoài ra, phải kể đến tình hình sản xuất của doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, nhu cầu về nguyên phụ liệu phục vụ cho sản xuất chưa cao nên nhập khẩu vẫn ở mức thấp.
 
Như vậy, nhiều khả năng, kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục xuất siêu trong những tháng tiếp theo. Có thể thấy, xuất siêu hai tháng qua là do tăng trưởng xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI và giảm nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước. Nhìn chung, nhóm các mặt hàng điện tử, điện thoại của các doanh nghiệp FDI trong thời gian tới được dự báo là tiếp tục tăng trưởng, trong khi hàng tồn kho lớn cùng nhiều khó khăn nội tại nảy sinh được cho sẽ kéo theo kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp trong nước không thể tăng trưởng đột biến. Nếu khả quan, kinh tế Việt Nam sẽ trở về trạng thái cân bằng và nhập siêu vào những tháng cuối năm, cùng với sự phục hồi sản xuất kinh doanh của khối doanh nghiệp trong nước.
 
Doanh nghiệp vẫn khó
 
Hai tháng đầu năm, doanh nghiệp trong nước tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn. Mặc dù là tháng tiêu thụ mạnh của các sản phẩm chế biến phục vụ Tết cổ truyền, song chỉ số tồn kho của ngành chế biến, chế tạo giảm không đáng kể so với tháng trước và cùng kỳ năm trước. Cụ thể, chỉ số hàng tồn kho tại thời điểm 1/2/2013 của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 19,9% so với cùng thời điểm năm trước. Một số ngành có chỉ số tồn kho cao như sản xuất đường tăng 28%, sản xuất bia tăng 49,4%, sản xuất hàng may sẵn tăng 25,2%, sản xuất mô tô, xe máy tăng 28,6% so với chỉ số tồn kho cùng kỳ năm trước.
 
Về tình hình sản xuất kinh doanh, hai tháng đầu năm sản lượng than sạch của ngành than và khoáng sản giảm 5,85% so với cùng kỳ. Với ngành thép, trong tháng 2, sản lượng sắt thép thô chỉ bằng 64,7%, thép thanh, thép góc bằng 86,6% so với so với tháng 2/2012. Giá nguyên liệu đầu vào tăng ảnh hưởng không nhỏ đến ngành thép, tháng 2, các doanh nghiệp đã ngừng nhập khẩu phôi thép, sử dụng phôi còn tồn từ trước. Sản lượng quần áo của ngành dệt may trong hai tháng đầu năm cũng chỉ xấp xỉ cùng kỳ. Các ngành kinh tế khác, nhìn chung sản xuất và tăng trưởng trong tháng 2 đều thấp hơn cùng kỳ.
 
Hàng tồn kho cao, các doanh nghiệp giảm sản lượng sản xuất, không xoay vòng được vốn, kéo theo hệ lụy thu hẹp hoặc ngừng sản xuất, công nhân mất việc làm là điều có thể nhận thấy. Ngoài ra, doanh nghiệp không bán được hàng, thu hẹp sản xuất cũng khiến cho thu nhập quốc gia và thu NSNN bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
 
Theo lãnh đạo Bộ Công thương, để gỡ khó cho sản xuất kinh doanh trong những tháng tiếp theo, toàn ngành sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp thực hiện Nghị quyết 02 của Chính phủ, trong đó tập trung vào tháo gỡ khó khăn, gia tăng sản xuất, đẩy mạnh đầu tư các công trình trọng điểm và sớm đưa vào hoạt động để phát huy năng lực mới. Hoàn thiện khung khổ hoạt động cho các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. Đồng thời, đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, trong đó có cả các chương trình xúc tiến xuất khẩu, xúc tiến thị trường nội địa và xúc tiến thị trường biên giới miền núi hải đảo. Ngoài ra, triển khai thường xuyên các hoạt động kiểm soát thị trường, đặc biệt là thị trường xăng dầu, thuốc lá, an toàn vệ sinh thực phẩm, mũ bảo hiểm.