Lãi tiền tỷ nhờ công ty liên kết

Theo vnexpress.net

(Tài chính) Khoản lợi nhuận từ các đơn vị liên kết giúp nhiều công ty "dễ thở" hơn trong việc hoàn thành chỉ tiêu đề ra cho cả năm nay, khi nó đóng góp 15-40% vào tổng mức lãi.

Lãi tiền tỷ nhờ công ty liên kết
Nhiều doanh nghiệp ghi nhận mức lãi từ công ty liên kết 9 tháng qua. Nguồn: internet
Theo thống kê của phóng viên và đối tác cung cấp dữ liệu VNDirect, trong số 70 doanh nghiệp (DN) trên sàn có công ty liên kết thì 70% đơn vị lỗ từ công ty liên kết, chỉ 30% còn lại có lãi. Số lượng DN lãi lớn nhờ mảng này không nhiều.

Lãi lớn nhất nhờ công ty liên kết là Công ty cổ phần cơ điện lạnh (Mã CK: REE). Báo cáo quý hợp nhất III cho thấy, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 560,8 tỷ đồng, kéo 9 tháng lên 1.684,7 tỷ đồng. Tổng lợi nhuận trước thuế 9 tháng 928,5 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận từ công ty liên kết chiếm 382,4 tỷ đồng, (tăng 191 lần so với cùng kỳ).

Theo lý giải của REE, tổng lợi nhuận sau thuế quý III tăng 112,7 tỷ đồng so với cùng kỳ do doanh thu tài chính tăng. Trong đó, chủ yếu tăng từ việc nhóm công ty ghi nhận cổ tức được chia từ các công ty liên kết trong quý III là 107,7 tỷ đồng, còn cùng thời điểm năm 2012 chỉ 17,5 tỷ đồng. Chi phí tài chính giảm cũng góp phần làm lợi nhuận tăng.

Xếp sau REE là Tổng Công ty cổ phần dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (mã CK: PVS). Báo cáo tài chính hợp nhất quý III cho thấy, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của công ty đạt 7.665 tỷ đồng, kéo lũy kế 9 tháng lên 19.290 tỷ đồng. Tổng lợi nhuận trước thuế 9 tháng 1.492 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận từ công ty liên kết chiếm 15,6% (tương đương 234,7 tỷ đồng) - tăng 28,4% so với cùng kỳ. Nợ phải trả của công ty này đến ngày 30/9 là 16.410 tỷ đồng, tăng mạnh so với hồi đầu năm.

Lý giải về lợi nhuận các công ty liên kết tăng, PVS cho biết là vì các công ty liên doanh trong lĩnh vực kinh doanh tàu chứa và xử lý dầu thô của công ty ở nước ngoài tăng so với lợi nhuận quý III/2012.

Đứng thứ 3 trong số DN niêm yết lãi lớn nhờ liên kết là Công ty cổ phần chứng khoán Sài Gòn (Mã CK: SSI). Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III, doanh thu SSI đạt 177 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ. Tổng lợi nhuận trước thuế 9 tháng 416,7 tỷ đồng, công ty liên kết đóng góp khoản lãi 112,2 tỷ đồng - tăng 14 tỷ đồng so với cùng kỳ.

Thuyết minh báo cáo tài chính cho thấy, nhóm công ty liên kết mang lại mức lời lớn nhất cho SSI là Công ty cổ phần Bibica với 45,5 tỷ đồng, Công ty cổ phần Hùng Vương 30,4 tỷ đồng, Công ty cổ phần khử trùng Việt Nam là 22,9 tỷ đồng.

Một số công ty khác cũng thu về vài chục tỷ nhờ công ty liên kết như: Tập đoàn Vingroup (Mã CK: VIC) 9 tháng lời 57,6 tỷ đồng, Công ty cổ phần Transimex-Saigon (Mã CK: TMS) với 40,1 tỷ đồng, Tổng công ty cổ phần khoan và dịch vụ khoan dầu khí (mã CK: PVD) lãi 37,6 tỷ đồng…

Bên cạnh những DN kiếm lời từ công ty liên kết thì nhiều đơn vị lại thất thu vì "mối lương duyên" này.

Điển hình là “ông lớn” trong lĩnh vực hàng tiêu dùng - Công ty Cổ phần Tập đoàn Ma San (mã CK: MSN). Theo báo cáo tài chính hợp nhất, quý III đơn vị này lỗ từ công ty liên kết 62 tỷ đồng, kéo mức lỗ 9 tháng đầu năm lên 135 tỷ đồng.

Masan cho biết, lợi nhuận từ công ty liên kết giảm do lợi nhuận của Techcombank giảm và phát sinh phân bổ lợi thế thương mại của giao dịch cổ phần công ty Proconco.

Cũng lỗ cả trăm tỷ đồng từ hạng mục này là Tổng công ty cổ phần xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (mã CK: VCG). Báo cáo tài chính quý III cho thấy, 9 tháng công ty lỗ 109,9 tỷ đồng.

Hiện trên cả 2 sàn chứng khoán còn vài chục công ty lỗ vì liên doanh liên kết nhưng mức lỗ dưới 100 tỷ đồng.

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho hay, thông thường đơn vị nào có công ty liên kết kinh doanh chung lĩnh vực hoặc có liên quan trong chuỗi cung ứng thì khả năng lãi bền vững hơn đầu tư ngoài ngành hoàn toàn. Bởi dù sao lĩnh vực đó cũng là sở trường của họ.

Riêng đối với SSI, ông Lực cho rằng đây là công ty chứng khoán nên để phân tán rủi ro và đa dạng hóa danh mục họ đầu tư thêm ngành nghề khác như tiêu dùng hay sức khỏe... Đây cũng là những ngành nghề bền vững vì nhu cầu của người dân về những sản phẩm trong lĩnh vực này luôn ở mức cao.Viêc SSI có lời nhiều từ công ty liên kết cũng là điều dễ hiểu vì họ biết cách lựa chọn những DN có "sức khỏe" ổn định.

Với những DN lỗ từ công ty liên kết, các đơn vị cần xem xét lại danh mục đang đầu tư. Nếu DN liên kết đó cần tái cơ cấu thì cổ đông nên giúp DN đưa ra những kiến nghị tái cơ cấu tốt và sát thực tế. Còn nếu những danh mục đó xét thấy một hai năm tới vẫn không sáng sủa, DN có thể thoái vốn để thoát lỗ, ông nhận định.