Lãi vay dài hạn khó dung hòa với lạm phát

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Nếu ngân hàng hạ lãi suất và cho vay “ồ ạt” trong lúc này thì khả năng cơn bão nợ xấu kép sẽ rất lớn, thậm chí nó có thể quật đổ cả hệ thống ngân hàng.

An toàn vốn vẫn là mục tiêu hàng đầu của các ngân hàng. Nguồn: internet
An toàn vốn vẫn là mục tiêu hàng đầu của các ngân hàng. Nguồn: internet
Ông Lê Thành Trung, Phó tổng giám đốc HDBank nói rằng, trong điều kiện thị trường hiện tại, ngân hàng nào cũng muốn giúp doanh nghiệp (DN) giảm chi phí để tăng hiệu quả sử dụng vốn vay.

Nhưng dù tăng trưởng tín dụng có chậm đi chăng nữa thì an toàn vốn vẫn là mục tiêu hàng đầu của các ngân hàng. Nếu ngân hàng hạ lãi suất và cho vay “ồ ạt” trong lúc này thì khả năng cơn bão nợ xấu kép sẽ rất lớn, thậm chí nó có thể quật đổ cả hệ thống ngân hàng.

Lãi suất 8%/năm mới vay đầu tư

Ông Đỗ Duy Thái, Tổng giám đốc Thép Việt cho biết, với mức lãi suất cho vay trung dài hạn thấp nhất 11%/năm hiện nay, nhiều DN trong ngành thép không thể nào cầm cự nổi. “Chỉ khi nào lãi suất trung và dài hạn xuống mức 7%/năm thì các công ty trong lĩnh vực công nghiệp mới dám mạnh dạn vay để duy trì đầu tư”, ông Thái đề nghị. Tương tự, ông Phan Đức Chiến, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại dịch vụ - sản xuất Đức Hoàng chuyên hoạt động trong lĩnh vực dệt xuất khẩu cũng hy vọng, lãi suất cho vay trung - dài hạn giảm thêm nữa để DN mạnh dạn mở rộng đầu tư”.

Cùng quan điểm, ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP. Hồ Chí Minh kể rằng, các DN hội viên gần đây than vãn rất nhiều vì thực tế lãi vay chỉ giảm đối với kỳ hạn ngắn. Trong khi DN đang cần nguồn vốn trung và dài hạn có lãi suất thấp để đầu tư cho tương lai, nhưng các gói tín dụng của một số ngân hàng lại chủ yếu giảm lãi suất ở các kỳ hạn ngắn.

“Câu chuyện thực tế là DN lớn như Giấy Sài Gòn vẫn đang phải chịu lãi suất 11%/năm. Lãnh đạo DN này phản ánh dù lãi suất giảm nhiều nhưng vẫn cao so với sức chịu đựng của DN. Tôi cũng đồng ý với điều ấy vì để tiếp cận được mức lãi suất 11%/năm đã phải đáp ứng rất nhiều điều kiện để chứng tỏ DN đó “tốt”, vậy mà vẫn phải chịu lãi suất cao. Đó là lý do mà, gần đây, nhiều DN yêu cầu Hiệp hội kiến nghị lên Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh đề nghị Thành phố chia sẻ bớt chi phí lãi vay”, ông Hưng nói.

Theo ông Phạm Ngọc Hưng, “hiện nay có những DN trong Hiệp hội vẫn đang phải chịu lãi vay ở mức 15%/năm với nhiều điều kiện xét duyệt rất khắt khe. Do vậy, khá nhiều DN chia sẻ với chúng tôi rằng họ vẫn đang phải mang gánh nặng nợ nần của nhiều năm trước đây”.

Thêm nữa các ngân hàng hiện chưa mặn mà với các khoản vay đầu tư dài hạn khi vay để mua thiết bị máy móc hiện đại nhưng phương án sản xuất chưa khẳng định khả quan thị trường đầu ra của sản phẩm hàng hóa. Mặc dù trên nguyên tắc, chỉ khi nào được duyệt vay vốn trung dài hạn thì ngân hàng mới có thể duyệt cho vay các khoản vốn lưu động và kèm theo các dịch vụ tài chính. Chính những khoản thu từ dịch vụ đi theo này mà ngân hàng có điều kiện giảm bớt chi phí trực tiếp đối những khoản vay trung dài hạn.

Lạm phát bật dậy cản đà hạ lãi suất


Về vấn đề mà các DN đặt ra với các gói tín dụng trung và dài hạn, ông Trần Ngọc Tâm, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Nam Á khẳng định, ngân hàng đang đáp ứng mọi nhu cầu vốn của DN không phân biệt tiêu chí đối với các khoản vay ngắn hạn hay dài hạn. Đối với nhóm ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần, lãi suất huy động phổ biến các kỳ hạn trên 12 tháng khoảng 8% - 9%/năm.

“Thực tế là giá vốn đầu vào của Ngân hàng Nam Á, đã phải huy động với lãi suất khoảng 8,7%/năm đối với kỳ hạn 13 tháng. Do vậy, nếu DN mong muốn đưa lãi suất về dưới 8%/năm thì ngân hàng phải đưa lãi suất huy động về 4%/năm mới đủ đáp ứng các chi phí. Điều này rất khó khăn khi lạm phát đến tháng 8/2013 nếu tính theo năm đã tăng lên mức 7,5%”, ông Tâm phân tích.

Tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng 8 tháng qua đạt 5,4% là mức thấp so với các năm trước đây. Bước sang quý III/2013, các NHTM đang phải tìm mọi cách tăng cường cho vay vốn bằng giải pháp giảm mạnh lãi suất cho vay trung và dài hạn đối với những phương án đầu tư mới.

Theo đó mặt bằng lãi suất cho vay trung - dài hạn đã giảm nhanh so với thời điểm trước năm 2013. Nếu lấy số liệu các mức lãi suất cho vay trung dài hạn Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố trong tháng 8/2013 thì hiện nay lãi suất cho vay ở các kỳ hạn dài đã giảm khoảng 20-25% so với thời điểm đầu năm 2013.

Ông Lê Thành Trung, Phó tổng giám đốc HDBank nói rằng, trong điều kiện thị trường hiện tại, ngân hàng nào cũng muốn giúp DN giảm chi phí để tăng hiệu quả sử dụng vốn vay. Nhưng dù tăng trưởng tín dụng có chậm đi chăng nữa thì an toàn vốn vẫn là mục tiêu hàng đầu của các ngân hàng. Theo ông Trung, nếu ngân hàng hạ lãi suất và cho vay “ồ ạt” trong lúc này thì khả năng cơn bão nợ xấu kép sẽ rất lớn, thậm chí nó có thể quật đổ cả hệ thống ngân hàng.

Thừa nhận điều này, một chuyên gia tài chính phân tích, trong giai đoạn hiện tại, không ngoại trừ việc các DN vay các khoản trung và dài hạn lúc này sử dụng vốn không đúng mục đích, thậm chí có thể lấy khoản vay mới lãi suất thấp trả khoản vay cũ có lãi suất cao hơn.

“Hy vọng DN sống lại, nhưng trước hết ngân hàng phải sống đã. Nên dù nhiều NHTM đang nỗ lực kéo giảm lãi suất vay, nhất là lãi suất vay trung và dài hạn bằng nhiều chương trình tín dụng ưu đãi từ 11-12%/năm thời gian qua, nhưng nguồn vốn này chỉ tập trung các DN có lợi nhuận và phương án tiêu thụ sản phẩm tốt”, vị chuyên gia trên nói.

Điều đó đã lý giải một phần việc các ngân hàng siết quy định khá chặt ở khoản vay dài hạn. Nói như ông Trần Ngọc Tâm, các DN muốn vay lãi suất 11%/năm cũng không đơn giản. Để vay được với lãi suất này, các DN phải tính toán để đảm bảo được khả năng trả nợ trong dài hạn. Dòng tiền tương lai phải được chứng minh là sẽ đảm bảo suốt quá trình vay, thậm chí DN còn phải chứng minh được phương án đầu tư khả thi trước ngân hàng…

“Sở dĩ có những điều kiện đó vì ngân hàng phải cân đối nguồn vốn huy động và cho vay. Hiện nay, huy động chủ yếu là ngắn hạn nên nguồn tiền cho các khoản vay dài hạn cũng không nhiều. Đó là chưa kể DN thường giấu thông tin khi tiếp cận vốn ngân hàng. Vì thế, DN muốn vay trung và dài hạn phải chịu lãi suất khá cao, kèm theo điều kiện lãi suất thả nổi để bù lại rủi ro”, ông Tâm nói.