Làm gì để không còn các "công ty xác sống"?

Theo Bizlive

Đã nhiều thập kỷ nay, nhiều chuyên gia kinh tế lo lắng về những "công ty xác sống" (zombie companies).

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Biên tập viên tạp chí Journal of Economic Perspectives - Timothy Taylor đã tìm hiểu nhiều tài liệu từ năm 1989 về những công ty xác sống ở Nhật từ thập niên 1990 và gần đây là Trung Quốc.

Ông nhận ra có quá nhiều công ty lẽ ra nên phải "chết", thế nhưng vẫn tiếp tục tồn tại và gây hại đến cộng đồng.

Trong một bài phát biểu gần đây, người đứng đầu Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS), ông Claudio Borio đã thể hiện tâm lý lo lắng về việc lãi suất thấp sẽ khiến cho các công ty xác sống tiếp tục tồn tại.

Ông không ngừng lo ngại về những ảnh hưởng tiêu cực từ chính sách lãi suất thấp mà nhiều Ngân hàng Trung ương trên thế giới đã duy trì trong thời gian gần đây.

Các nghiên cứu viên tại cả BIS và OECD - nhóm các nước giàu có nhất thế giới - đã tìm thấy bằng chứng cho thấy môi trường lãi suất thấp tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty xác sống phát triển.

Theo nhóm các chuyên gia này, các công ty xác sống là nhóm công ty không kiếm được đủ lợi nhuận để có thể thanh toán được các khoản nợ của họ. Thế nhưng khi lãi suất trên thế giới duy trì ở mức quá thấp, những công ty xác sống này vẫn tồn tại được.

Nhìn chung, tại nhiều nước như Mỹ, Nhật, Úc và Tây Âu, tỷ lệ các công ty xác sống đã tăng gấp 5 lần từ năm 1987, từ 2% lên 10%.

Tại sao cần phải lo lắng? Vì các công ty xác sống này đang tiêu hao tài nguyên!

Nếu một công ty bán lẻ xác sống chiếm không gian tại một khu phố buôn bán sầm uất, nhiều công ty mới thành lập sẽ phải trả chi phí cao hơn để tham gia vào thị trường. Điều tương tự xảy ra nếu nói đến tài nguyên không gian quảng cáo hay điện, nhân lực.

Chúng ta thường nghĩ rằng một công ty mạnh sẽ chiến thắng các công ty yếu kém, kể cả từ việc giành giật nhân sự cho đến bất động sản. Thế nhưng các công ty xác sống vẫn luôn có lợi thế của họ, trong không ít trường hợp, lợi thế thậm chí còn vượt trội đến mức thiếu công bằng.

Việc đóng cửa những công ty xác sống và tạo điều kiện cho những công ty mới phát triển nghe có vẻ hợp lý, nhưng đó không phải tất cả mọi chuyện. Hẳn nhiều người cũng không cảm thấy vui vẻ gì khi mà nhiều công ty khai mỏ của Anh hay công ty ô tô của Mỹ bị đóng cửa. Khi người lao động của những công ty này bị sa thải, cũng không dễ để họ bắt tay vào những công việc mới. Cần phải tính đến hướng việc làm phù hợp cho nhóm này.

Đối với các doanh nghiệp mới, có thể đưa ra nhiều hành lang chính sách phù hợp để hỗ trợ cho họ về đào tạo, hạ tầng, chính sách quản lý, tài chính vi mô và nhiều lĩnh vực khác.

Một khi càng tạo điều kiện tốt cho những ý tưởng mới có điều kiện hình thành và phát triển, sẽ càng dễ để loại bỏ những cái cũ.