Lấp khoảng trống pháp lý về doanh nghiệp nhà nước

Theo Báo Đầu tư.

Sự rõ ràng về chủ thể, công cụ thực hiện chức năng chủ sở hữu nhà nước đối với khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) sẽ chấm dứt tình trạng không rõ ràng trong thực hiện các chức năng.

Lấp khoảng trống pháp lý về doanh nghiệp nhà nước
Dự thảo Nghị định về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN và vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp sẽ sớm được ban hành trong thời gian tới sau hơn hai năm xây dựng, với 8 văn bản trình Thủ tướng Chính phủ.

Dự thảo nghị định này sẽ thay thế cho Nghị định 132/NĐ-CP ngày 20/10/2005 về thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với công ty nhà nước và Nghị định 86/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 132/NĐ-CP.

Cũng phải nhấn mạnh rằng, với sự ra đời của văn bản có ý nghĩa chỉ hướng này, hàng loạt văn bản pháp lý liên quan đến thành lập, tổ chức hoạt động, quản lý và giám sát DNNN sẽ có cơ sở hoàn tất. Đặc biệt, Dự thảo Nghị định về thành lập, tổ chức, hoạt động, quản lý và giám sát các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước cũng đang đợi sự ra đời của văn bản này để hoàn thiện, nhằm thay thế kịp thời Nghị định 101/2009/NĐ-CP (đã không còn hiệu lực).

Theo phân tích của ông Bùi Văn Dũng, Trưởng ban Ban Cải cách và Phát triển doanh nghiệp (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM), kể từ sau thời điểm 1/7/2010, khi toàn bộ khu vực DNNN hoàn tất chuyển sang hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, Luật DNNN chính thức chấm dứt toàn bộ hiệu lực, một khoảng trống pháp lý trong hoạt động của khu vực DNNN đã xuất hiện.

“Khoảng trống này ở cả trong nội dung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức thực hiện các quyền, nghĩa vụ chủ sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp có vốn nhà nước. Hiện tại, khu vực này đang thiếu quy định rõ và cụ thể về giám sát thực hiện các quyền, nghĩa vụ và bảo vệ lợi ích của chủ sở hữu nhà nước, thiếu các quy định về phương thức và biện pháp hình thành các quyết định của chủ sở hữu nhà nước…”, ông Dũng phân tích.

Lý do là, hầu hết các văn bản liên quan đến hoạt động của DNNN đều dựa trên cơ sở Luật DNNN năm 2003 và Luật DNNN 2005. Hiện tại, theo ông Dũng, khi các văn bản luật này hết hiệu lực, nhiều cơ quan quản lý nhà nước và DNNN vẫn phải vận dụng các văn bản hướng dẫn của Luật DNNN để xử lý các vấn đề trong thực tế.

Chính vì vậy, không phải quá bất ngờ khi khảo sát của Dự án BWTO – CIEM 2012 vừa thực hiện, đã cho thấy, khoảng 38% DNNN cho rằng, các chức năng kiểm tra, giám sát, đánh giá hoạt động của doanh nghiệp, bộ máy lãnh đạo DNNN là nội dung của chức năng quản lý nhà nước, trong khi đây là các vấn đề thuộc chức năng quản lý doanh nghiệp. 19% doanh nghiệp lại nhầm việc ban hành chiến lược, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực là chức năng của chủ sở hữu nhà nước, trong khi đây là những công việc chính của cơ quan quản lý nhà nước. Đó là chưa kể có tới 60% DNNN cho rằng, sự không rõ ràng này đang tác động tiêu cực đến hoạt động của khu vực DNNN. 30% DNNN cho rằng, các đại diện chủ sở hữu nhà nước không nắm rõ tình hình của doanh nghiệp...

Hệ lụy tất yếu của tình trạng này chính là những khó khăn trong giám sát, kiểm soát, phát hiện các vấn đề của DNNN từ phía chủ sở hữu, mà hậu quả là những phát hiện muộn của chủ sở hữu nhà nước đối với tình trạng thua lỗ của nhiều DNNN, trong đó có các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong thời gian qua.