Lazada.vn "thách thức" các đại gia

Theo baodautu.vn

Thâm nhập thị trường bán lẻ trực tuyến Việt Nam khi các đối tác khác đã chiếm hầu hết thị phần, nhưng tham vọng của Lazada.vn xem chừng không nhỏ, khi khẳng định, cuộc đua giành thị phần giờ mới thực sự bắt đầu.

Lazada.vn "thách thức" các đại gia
Tân binh Lazada.vn có những chiêu “bung hàng” hết sức khôn ngoan. Nguồn: baodautu.vn

Cú hích Lazada.vn

Mới đây, sau hơn 1 năm bước chân vào thị trường Việt Nam, Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) Giờ giải lao (sở hữu trang mua hàng trực tuyến Lazada.vn) đã hút được 100 triệu USD từ hàng loạt quỹ đầu tư như: Holtzbrinck Ventures, Kinnevik, Summit Partners, Tengelmann Group, Verlinvest. Điều đó cho thấy khả năng kiếm lời rất lớn từ thị trường này.

Khoản đầu tư mới sẽ giúp Lazada tập trung đầu tư vào cơ sở hạ tầng, nhằm mang đến những dịch vụ chất lượng cho khách hàng.

Trong đó, tiêu chí trải nghiệm mua sắm của khách hàng được đặt lên hàng đầu.

Hiện Lazada.vn đã vượt mức 1 triệu đơn hàng với 90% các đơn hàng được giao trong ngày, 85% các đơn hàng ở những khu vực thành phố lớn được giao trong ngày kế tiếp sau khi đặt hàng.

Tuy nhiên, theo ông Maximilian Bittner, Giám đốc điều hành Lazada Đông Nam Á, để cải thiện thời gian giao hàng và tăng sự hài lòng của khách hàng, thì Công ty cần sử dụng một nguồn vốn lớn để tối ưu cơ sở hạ tầng trong tương lai.

Đó là lý do Công ty phải tìm thêm quỹ đầu tư mới. Lazada.vn đang đặt mục tiêu ngay trong năm nay sẽ trở thành trang bán lẻ trực tuyến số một tại Việt Nam.

Điều này có vẻ khó khả thi vì thị trường mua sắm trực tuyến Việt Nam đã được thống trị bởi những tên tuổi như vatgia.com, 5giay.vn, alibaba.com, chodientu.com, rongbay.com, solo.vn, vietnamnay.com… Theo Báo cáo mới nhất từ Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin Việt Nam (VECITA), những sàn thương mại điện tử hàng đầu này chiếm đến 97% tổng giá trị giao dịch năm 2012. Trong đó, chodientu.com chiếm 23% thị phần, solo.vn chiếm 17% thị phần, vietnamnay.com chiếm 14% …

Hơn nữa, Lazada.vn khá bất lợi khi thâm nhập Việt Nam đúng lúc thị trường có nhiều “sóng gió”, với việc bán hàng đa cấp trá hình thương mại điện tử và “sự cố” của mua hàng qua mạng, mua hàng theo nhóm đã phần nào giảm lòng tin và ảnh hưởng tới quyền lợi người tiêu dùng, các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, ông Christopher Beselin, Giám đốc điều hành Lazada Việt Nam khẳng định: “Cuộc chơi tại thị trường này mới chỉ mới bắt đầu. Tôi tin những đối tượng hoạt động không đúng đắn sẽ không tồn tại lâu dài với thị trường”.

Bùng nổ sau 2 năm nữa

Tại Việt Nam, thương mại điện tử vẫn là một lĩnh vực mới, có tiềm năng phát triển cực kỳ lớn. Ông Nguyễn Hồng Trường, Phó chủ tịch Quỹ đầu tư mạo hiểm IDG Ventures Vietnam (chuyên đầu tư vào mảng công nghệ, thương mại điện tử) cho hay, giờ là thời điểm để xây dựng nền tảng toàn diện cho thương mại điện tử Việt Nam, chuẩn bị cho thời kỳ bùng nổ sau khoảng 2 năm nữa.

Theo ông Trường, thương mại điện tử sẽ phát triển mạnh theo hai xu hướng. Thứ nhất, phát triển nền tảng giao dịch. Các sàn giao dịch thương mại điện tử lớn về bán lẻ trực tuyến theo mô hình B2C, các nền tảng thanh toán điện tử và nền tảng giao vận. Thứ hai, phát triển theo chiều dọc. Các mô hình thương mại điện tử điện tử chuyên biệt cho một số lĩnh vực mặt hàng, như thời trang, mỹ phẩm, thiết bị công nghệ hay lĩnh vực mua sắm cộng đồng.

Với một miếng bánh to, thị trường đang thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước như: Công ty TNHH Giờ giải lao với website Lazada.vn, Công ty TNHH Bán lẻ và Giao nhận Recess với website Zalora.vn, Công ty TNHH Gấu trúc Hungry với website Foodpanda.vn, Công ty TNHH Giờ giải lao 3 với website Officefab.vn. Một số công ty trong nước như, Công ty cổ phần Lana đầu tư vào Beyeu.com, Lamdieu.com, Foreva.vn, Công ty VCCorp triển khai hàng loạt website bán lẻ như Solo.vn…

Thậm chí, các công ty bán lẻ truyền thống cũng mạnh tay đầu tư gia nhập thị trường này, như Thế Giới Di Động và Nguyễn Kim đã tăng cường bán hàng trực tuyến trên Thegioididong.com và Nguyenkim.com.

Tuy tiềm năng lớn, nhưng không phải nhà đầu tư nào cũng nắm chắc phần thắng. Thực tế các các doanh nghiệp làm thương mại điện tử vẫn đang ở tâm lý vừa làm vừa thăm dò thị trường và tìm cách phản ứng để phù hợp với tâm lý người tiêu dùng.

Ở góc độ vĩ mô, ông Christopher Beselin cho hay, nền kinh tế Việt Nam sử dụng tiền mặt và thẻ tín dụng vẫn chưa được sử dụng rộng rãi, khiến thương mại điện tử chưa thực sự bùng nổ.

Còn ở góc độ vi mô, ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Khối Thương mại điện tử Công ty cổ phần Truyền thông Việt Nam (VC Corp) nhận định, khó khăn lớn nhất của mô hình bán lẻ này là kiểm soát hàng tồn kho. Nếu hàng tồn kho quá lâu và không có sự kiểm soát chặt chẽ và thường xuyên, thì tất cả những khoản lãi thu được đều không đủ để bù lỗ cho chi phí hàng tồn kho.

Bên cạnh đó, cần tạo được sự tin cậy và minh bạch về thông tin hàng hoá, giá cả, đảm bảo chất lượng dịch vụ logistics, khả năng triết khấu… Đặc biệt, các ông lớn sẵn sàng vung tiền để phủ thị trường, đạt quy mô và được giá tốt. Lúc này, việc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp quy mô nhỏ sẽ khó khăn hơn rất nhiều.