Len chân vào chuỗi giá trị toàn cầu

Theo Hà Nguyễn/baodautu.vn

Chưa nhiều, nhưng từng bước, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam đang nỗ lực để có thể len chân vào chuỗi giá trị toàn cầu, mang lại giá trị cao hơn cho kinh tế Việt Nam.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Doanh nghiệp ngoại thống lĩnh

Đang là một nhà sản xuất bao bì mỏng xuất khẩu sang Nhật Bản, Mỹ, châu Âu, với doanh thu năm 2016 lên tới 2.100 tỷ đồng và dự kiến năm nay đạt khoảng 3.300 tỷ đồng, nhưng Công ty Nhựa và Môi trường An Phát vẫn lên kế hoạch trở thành nhà cung cấp cho Samsung. Hai tháng trước, An Phát bắt đầu “tìm hiểu” Samsung thông qua một triển lãm về công nghiệp phụ trợ do chính Samsung tổ chức để tìm kiếm nhà cung cấp Việt Nam.

“Samsung đang muốn phát triển chuỗi nhà cung cấp tại Việt Nam, nên An Phát muốn tham gia chuỗi đó. Chúng tôi đã tìm hiểu các điều kiện/tiêu chuẩn của Samsung và tự tin có thể đáp ứng được các yêu cầu của họ”, ông Phạm Ánh Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty An Phát đã cho biết.

Thực tế, không chỉ An Phát, mà rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang cố gắng len chân vào chuỗi giá trị của không chỉ Samsung, mà của cả các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khác. Tuy nhiên, số lượng chưa nhiều.

Riêng của Samsung, con số được nhắc đến gần đây là 215 doanh nghiệp, bao gồm 25 nhà cung ứng cấp 1 và 190 nhà cung ứng cấp 2. Có được kết quả đó còn có phần nỗ lực to lớn của Samsung trong kết nối với doanh nghiệp Việt, bao gồm cả việc tổ chức các triển lãm công nghiệp hỗ trợ, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam cải tiến quy trình sản xuất trong những năm qua.

Gần đây nhất, tháng 7/2017, Samsung đã tổ chức triển lãm công nghiệp hỗ trợ, thu hút 26 doanh nghiệp Việt Nam tham gia. Trong số này, có 15 doanh nghiệp mới tiềm năng, được các bộ, ngành, hiệp hội doanh nghiệp đề cử với Samsung, mà An Phát là một ví dụ.

Chưa biết kết quả cuối cùng là bao nhiêu trong số này sẽ trở thành nhà cung ứng cho Samsung trong thời gian tới, nhưng thực sự, không nhiều doanh nghiệp FDI làm được như Samsung trong trợ giúp phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.

Đa phần các doanh nghiệp FDI khác, bao gồm cả các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp ô tô - có bề dày sản xuất - kinh doanh ở Việt Nam, áp dụng phương án an toàn là sử dụng các nhà cung ứng nước ngoài.

Lý do khá dễ hiểu là năng lực của nhà cung cấp ngoại thường tốt hơn và đó là lý do vì sao, số liệu thống kê cho biết, mới chỉ có khoảng 21% doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của doanh nghiệp FDI.

“Không trách doanh nghiệp FDI được, mà phải nhìn vào năng lực thực tế của doanh nghiệp Việt là có đáp ứng được yêu cầu của họ hay không”, GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp FDI nói.

Doanh nghiệp nội bắt đầu chủ động

Một thời, câu bình luận “doanh nghiệp Việt không làm nổi ốc vít cho Samsung” là một thực tế. Nhưng giờ, câu chuyện đã khác. Con số hơn 200 doanh nghiệp Việt tham gia chuỗi cung ứng của Samsung là một minh chứng.

Thậm chí, có doanh nghiệp Việt Nam còn chủ động hơn nữa trong việc tự xây dựng và làm chủ chuỗi giá trị toàn cầu. Bkav là một ví dụ. Ngoài sản xuất SmartHome nổi tiếng lâu nay, tên tuổi của Bkav còn đình đám Việt Nam trong thời gian gần đây sau khi tung sản phẩm Bphone ra thị trường.

Chưa đề cập chuyện Bkav liệu có thành công không với Bphone, chỉ nhìn từ khâu sản xuất, có thể nói, doanh nghiệp này đang bắt đầu những bước đi mới.

Bkav cho biết, họ đang làm chủ các khâu quan trọng nhất, cũng là có giá trị gia tăng lớn nhất là thiết kế kiểu dáng, thiết kế điện tử, thiết kế cơ khí, sản xuất sản phẩm mẫu. Phần còn lại, gồm linh kiện, gia công bảng mạch, khung máy... được cung cấp từ hàng trăm nhà cung cấp nước ngoài, phần lớn đến từ Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc.

“Chiếc Bphone 2017 do Bkav sản xuất có 54% linh kiện từ Nhật Bản, 23% từ Mỹ, số còn lại từ châu Âu, Hàn Quốc và chỉ có 0,9% linh kiện của Bphone có xuất xứ từ Trung Quốc.

Khi lựa chọn các nhà cung cấp, Bkav đặt ưu tiên đối với các hãng lớn, có tên tuổi và đặc biệt là các hãng đang cung cấp cho các hãng điện tử lớn như Samsung, Apple, bởi đây là những đảm bảo tốt nhất cho chất lượng linh, phụ kiện Bphone sẽ dùng”, ông Nguyễn Tử Quảng, CEO của Bkav cho biết.

Ngoài linh kiện nhập khẩu, Bkav cũng đã lựa chọn hàng loạt nhà cung cấp trong nước, bao gồm cả doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài để cung cấp vỏ hộp, băng dán và cả phay khung, làm mạch. Những cái tên được nhắc đến như Meiko, Galtronics Vietnam, Bagi, Taixin...

Thậm chí, chia sẻ với báo giới, ông Quảng không giấu giếm tham vọng cùng hợp tác với các doanh nghiệp trong nước để tạo ra một hệ sinh thái sản xuất smartphone.

Câu chuyện không đơn giản, bởi với năng lực hiện tại, không nhiều doanh nghiệp đáp ứng được các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về các công đoạn gia công cơ khí, điện tử chính xác. Chưa kể, còn khó khăn khác liên quan đến tiềm lực tài chính, khả năng đầu tư cho khoa học - công nghệ...

Bởi thế, vẫn còn quá sớm để nói về thành công của chuỗi giá trị của Bkav. Nhưng rõ ràng, sự chủ động này là cần thiết và rất đáng mừng, cho thấy những nỗ lực to lớn của doanh nghiệp Việt.

Một báo cáo gần đây của Ngân hàng Thế giới (WB) đã nhận định về “ngã rẽ mới” của Việt Nam trong việc tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu thế hệ mới.

Theo báo cáo này, việc tham gia các hoạt động đem lại giá trị gia tăng cao hơn và đẩy mạnh kết nối giữa doanh nghiệp trong nước với các nhà đầu tư nước ngoài và thị trường quốc tế có thể giúp Việt Nam chuyển dịch lên nấc thang cao hơn trong các chuỗi giá trị toàn cầu.

Nếu tất cả các doanh nghiệp Việt cùng nỗ lực, Việt Nam sẽ sớm bước lên được nấc thang cao hơn.