Liên kết doanh nghiệp: Cần “cái bắt tay” thực chất

Theo baohaiquan.vn

(Tài chính) Chưa có sự liên kết chặt chẽ nên thời gian qua các doanh nghiệp (DN) Việt Nam mạnh ai nấy làm, thậm chí có hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh, gây thiệt hại cho DN mình cũng như các DN cùng ngành hàng.

 Sự liên kết trong sản xuất và thương mại ở nước ta còn kém. Nguồn: baohaiquan.vn
Sự liên kết trong sản xuất và thương mại ở nước ta còn kém. Nguồn: baohaiquan.vn
Liên kết: Điểm yếu của DN Việt

Theo đánh giá của các chuyên gia, sự liên kết giữa các DN Việt Nam thời gian qua còn quá lỏng lẻo, điều đó dẫn đến DN Việt tự làm khó mình và làm khó lẫn nhau. Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, đã dùng hình ảnh “tay Việt Nam nọ chặt tay Việt Nam kia” để nói về cái bắt tay lỏng lẻo giữa các DN Việt.

Theo ông Vũ Vinh Phú, sự liên kết trong sản xuất và thương mại ở nước ta còn kém. Điều đó dẫn đến hiện tượng được mùa mất giá, mua đứt bán đoạn, sống chết mặc bay, DN sẵn sàng phá vỡ hợp đồng lẫn nhau.

“Trước đây, Hà Nội có liên kết với các tỉnh trong việc cung cấp hàng hóa, nhưng việc liên kết chỉ được 1,2 lần, về sau liên kết này bị phá vỡ, do khi giá lên cao thì bên cung cấp lại bán cho chỗ khác. Hoặc có 10 siêu thị thì cả 10 cử người đi mua dầu ăn, đường..., mà không ai hợp tác với ai để cùng mua nhằm giảm chi phí. Đây là cách làm ăn không bền vững, gây hại cho hệ thống phân phối, dẫn đến nơi thừa, nơi thiếu, giá bị đẩy lên cao”, ông Vũ Vinh Phú nhận xét.

Không chỉ ảnh hưởng đến thị trường nội địa, thiếu sự liên kết, hợp tác chặt chẽ giữa các DN cũng dẫn đến sự sụt giảm trong xuất khẩu (XK) hàng hóa. Theo đánh giá của Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (VASEP), những năm gần đây kim ngạch XK cá tra không có đột phá và có xu hướng giảm. Năm 2012, kim ngạch XK đạt 1,744 tỷ USD, giảm 3,4% so với cùng kỳ năm 2011. Năm 2013 chưa có dấu hiệu bứt phá với kim ngạch XK 1,8 tỷ USD, trong khi đó theo dự tính, năm 2014 kim ngạch XK dự kiến sẽ giảm 5% so với 2013.

 Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là do mối liên kết giữa các DN, giữa người nuôi và DN còn lỏng lẻo. Các DN có hiện tượng ép giá cá nguyên liệu trong nước để kiếm lời. Để giành hợp đồng, một số DN chào giá thấp hơn giá thành, cạnh tranh không lành mạnh, làm lũng đoạn thị trường, làm ảnh hưởng uy tín cá tra Việt Nam và mất thị trường tiêu thụ.

Cho rằng sự liên kết là điểm yếu của các DN Việt Nam, ông Đào Ngọc Cường, Phó Tổng giám đốc ThanhHoa Group nhận định, hiện nay Việt Nam có nhiều hiệp hội, nhóm DN nhưng chỉ mang tính chất là cá nhân tập hợp lại, chứ không phải là một khối nên tính liên kết còn nhiều hạn chế.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Tất Thịnh, giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia cho rằng, hiện chúng ta có quá nhiều hiệp hội và các tổ chức khác nhau nhưng tính chất của các liên kết này chủ yếu mới là nơi tụ họp, tạo ra mối liên kết nhỏ lẻ với nhau giữa các thành viên... nhưng điều này là chưa đủ.

Cần chia sẻ thông tin, nguồn lực, lợi thế

Thực tiễn kinh tế hiện nay buộc các DN phải nhận thức về sự liên kết lẫn nhau, nhưng không chỉ là sự liên kết giữa một sân chơi chung mà phải trên cơ sở các lợi thế, tiềm năng, năng lực của DN đồng thời phải đạt được mục đích là bán được các giá trị (sản phẩm) của DN.

Theo ông Nguyễn Tất Thịnh, sự liên kết này cần phải trên cơ sở thực chất, nghĩa là cần phải gia tăng sức mạnh, cơ hội, sự hiểu biết về thị trường cho các DN thành viên, hướng cho các DN định vị thị trường của họ. “Hiện nay nhiều DN thiếu thông tin. Vì vậy, theo tôi, các hiệp hội cần thực sự chia sẻ thông tin, các điều tra xã hội học về thị trường. Cần tạo ra sự kết nối nhiều hơn giữa các DN trong nước và DN nước ngoài, từ đó đi đến sử dụng những lợi thế, những sản phẩm của nhau, giúp cho các DN định vị chiến lược, chia sẻ với nhau về nguồn lực”.

Đáp ứng nhu cầu này của các DN, Trung tâm Bán buôn Việt Nam (Vietnam Wholesale) được xúc tiến thành lập. Với mục tiêu là nơi kết nối các DN với các đối tác nước ngoài, Vietnam Wholesale - trung tâm bán buôn đầu tiên ở Việt Nam, sẽ hỗ trợ DN hội viên trong việc tìm nguồn đại diện tại Việt Nam và các nước bản xứ, liên thông qua các Đại sứ quán, Hiệp hội... để giúp DN quảng bá thương hiệu và XK sản phẩm. Dù chỉ mới gói gọn trong ngành hàng nội, ngoại thất, thủ công mỹ nghệ... song mô hình này được kỳ vọng sẽ là đầu mối tạo ra sự gắn kết thực sự, đem lại sinh khí mới cho DN Việt trong cuộc đua hội nhập.

“Đây là mô hình cực kỳ hiện đại và áp dụng ở Việt Nam thời điểm này là rất tốt. Hiện nhiều DN gặp khó khăn trong tiếp cận với các DN nước ngoài, vì thế nó giúp kết nối, tăng tính liên kết của các DN với chi phí thấp và vị trí đắc địa”, ông  Đào Ngọc Cường nhận định.

Ông Nguyễn Tất Thịnh cho rằng sự ra đời của các trung tâm như Vietnam Wholesale là rất cần thiết. Tuy nhiên ông Thịnh cũng lưu ý “thành lập một tổ chức, một hiệp hội rất dễ nhưng duy trì nó lại là vấn đề khác. Với Vietnam Wholesale, tiêu chí của họ là gia tăng xúc tiến thương mại, gia tăng cơ hội bán hàng cho các DN thành viên thì trước mắt họ cần chuyên chú vào giá trị cốt lõi này. Trong giai đoạn đầu, họ cần có hệ thống thông tin đầy đủ về đặc thù, ngành hàng, lợi thế, sản phẩm của từng DN và hiểu được giá trị của từng DN, xem nó nằm ở đâu trong chuỗi dịch vụ. Và cơ bản là chuỗi dịch vụ ấy phải vươn tầm ra các nước khác chứ không chỉ là trong nội địa. Điều quan trọng là những người điều hành cần phải biến Vietnam Wholesale thành điểm đến thực sự về văn hóa tiêu dùng, về đầu tư”.