Liên kết và hợp tác giữa các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam

Theo kinhtevadubao.com.vn

(Tài chính) Trong lĩnh vực xây dựng, nhiều dự án, công trình có quy mô lớn với yêu cầu kỹ thuật đôi khi vượt quá khả năng của doanh nghiệp. Vì thế, để tăng khả năng trúng thầu, các doanh nghiệp xây dựng (DNXD) thường liên danh, liên kết với nhau. Đây là một trong những giải pháp quan trọng cần được lưu ý, nhất là khi Việt Nam đã “mở cửa” với các nhà thầu quốc tế.

Liên kết và hợp tác giữa các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam
Để tăng khả năng trúng thầu, các DNXD thường liên danh, liên kết với nhau. Nguồn: internet

Khi nhà thầu “nội” thua ngay trên “sân nhà”

Theo Bộ Giao thông vận tải, hàng năm, có khoảng 100 nhà thầu tư vấn, xây dựng nước ngoài vào nhận thầu tại Việt Nam. Nhìn chung, nhà thầu nước ngoài có thế mạnh hơn nhà thầu nội về khả năng tài chính, kinh nghiệm đấu thầu quốc tế và đặc biệt họ đã từng thực hiện nhiều công trình tương tự hoặc lớn hơn so với các gói thầu thực hiện tại Việt Nam.

Thêm vào đó, họ đã quá quen với thị trường quốc tế về cung cấp vật tư, thiết bị, cũng như hợp tác, liên kết dự thầu dưới hình thức thành lập các tổ hợp, nên nhà thầu nước ngoài cũng dễ dàng "qua mặt" nhà thầu trong nước. Trong khi các công trình thực hiện theo hình thức EPC sử dụng vốn nhà nước chủ yếu là công trình công nghiệp, điện, xi măng, doanh nghiệp trong nước chưa đảm nhận được khâu thiết kế, cung cấp thiết bị, nên thường yếu thế khi dự thầu.

Ông Lê Văn Tăng, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương vào tháng 11/2010, cả nước có 118 gói thầu EPC (là gói thầu bao gồm toàn bộ công việc thiết kế, cung cấp thiết bị, vật tư và xây lắp). Trong đó có 58 gói thầu EPC áp dụng hình thức chỉ định thầu, 33 gói thầu đấu thầu rộng rãi quốc tế và 27 gói thầu đấu thầu rộng rãi trong nước.

Trong số 58 gói thầu EPC áp dụng hình thức chỉ định thầu, nhà thầu Việt Nam chiếm 82% (48 gói), nhà thầu Trung Quốc chiếm 13% (8 gói), còn lại là nhà thầu thuộc nhóm các quốc gia công nghiệp phát triển (G7) và nhà thầu liên danh. Nhưng trong 33 gói thầu đấu thầu rộng rãi quốc tế, nhà thầu Trung Quốc trúng 20 gói (chiếm 60%); nhà thầu Việt Nam chỉ trúng 4 gói, còn lại 9 gói thuộc về các nhà thầu nhóm G7 và nhà thầu liên danh (Anh Vũ, 2013).

Hiện nay, Trung Quốc là nhà thầu nước ngoài lớn nhất ở nước ta. Các gói thầu, dự án sử dụng vốn của Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á, ODA của các nước, cơ hội cho các nhà thầu Việt Nam là rất nhỏ. Ngay cả một số dự án sử dụng vốn trong nước, thậm chí là ngân sách nhà nước thì các nhà thầu Trung Quốc cũng chiếm ưu thế.

Trong 10 năm qua, đối với gói thầu EPC sử dụng vốn ngân sách nhà nước, DNXD Việt Nam thắng thầu ở 67% số lượng gói thầu, nhưng trị giá gói thầu chỉ đạt 39%, trong khi tỷ lệ này đối với nhà thầu Trung Quốc là 48%. Đặc biệt, có tới 90% các công trình điện, khai khoáng, dầu khí, luyện kim, hoá chất của Việt Nam đều do nhà thầu Trung Quốc trúng thầu.

Việc các nhà thầu Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam khiến các nhà thầu Việt Nam bị áp lực cạnh tranh và mất vị thế, do các DNXD Trung Quốc có lợi thế thế hơn hẳn về chi phí thực hiện dự án, cũng như chất lượng công trình so với các DNXD Việt Nam.

Liên kết doanh nghiệp: Giải pháp cần thiết

Liên danh, liên kết là sự kết hợp hai hay nhiều pháp nhân kinh tế để tạo ra một pháp nhân mới có sức mạnh tổng hợp về năng lực kinh nghiệm khả năng tài chính. Đây là một trong những yếu tố đánh giá khả năng của doanh nghiệp, đặc biệt là DNXD với những dự án có quy mô lớn, những yêu cầu đôi khi vượt khả năng của một doanh nghiệp đơn lẻ trong cạnh tranh đấu thầu.

Để tăng năng lực của mình trên thị trường cạnh tranh, vấn đề mở rộng các quan hệ liên danh, liên kết dưới những hình thức thích hợp là giải pháp quan trọng và phù hợp. Thông qua đó, DNXD có thể đáp ứng một cách toàn diện các yêu cầu của những công trình có quy mô lớn và mức độ phức tạp cao.

Như vậy, việc mở rộng hình thức liên danh, liên kết là một giải pháp quan trọng nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh trong đấu thầu của các DNXD trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hiện nay. Liên kết kinh tế tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể chuyên môn hóa một cách có hiệu quả, khai thác được những điểm mạnh, khắc phục những điểm yếu, thích ứng với cơ chế thị trường, đẩy nhanh ứng dụng những thành tựu của tiến bộ khoa học, công nghệ, nâng cao hiệu quả kinh doanh, phát triển doanh nghiệp.

Tuy nhiên, để thúc đẩy liên kết giữa các DNXD, Nhà nước cần xây dựng các hành lang pháp lý và điều kiện cần thiết cho việc tiến hành các liên kết thuận lợi; đồng thời, đảm bảo cân bằng lợi ích của các doanh nghiệp tham gia liên kết. Cụ thể:

Thứ nhất, xây dựng luật và các chính sách liên quan đến hợp đồng liên kết.

Theo kinh nghiệm của các nước trên thế giới, một trong những cản trở cơ bản trong xây dựng các liên kết công nghiệp là hợp đồng liên kết. Các vấn đề khó khăn trong đàm phán các hợp đồng như trách nhiệm của các bên, thời hạn thanh toán... đặc biệt là trong các sản phẩm mua lần đầu và với các đối tác nước ngoài. Vấn đề sẽ trở nên nghiêm trọng khi bên mua, thường là các doanh nghiệp lớn, với sức mạnh và vị thế của  mình bắt các doanh nghiệp nhỏ hơn, bên bán, phải chấp nhận các điều khoản bất hợp lý trong giá cả, giao nhận và thanh toán.

Ngoài ra, việc các doanh nghiệp nhỏ có thể đơn phương phá vỡ hợp đồng do một lý do nào đó cũng tạo ra các rủi ro nghiêm trọng đối với các doanh nghiệp lớn. Đó chính là nguyên nhân dẫn đến việc thực hiện các hợp đồng liên kết lâu dài thường diễn ra khó khăn. Vì thế, Nhà nước cần:

Xem xét soạn thảo quy chế cho hợp đồng liên kết công nghiệp giữa các DNXD với các điều khoản bảo vệ các doanh nghiệp nhỏ.

Thành lập cơ quan tư vấn và hỗ trợ pháp lý của Nhà nước dành cho các doanh nghiệp nhỏ trong việc soạn thảo và thực thi hợp đồng.

Liên kết với Hiệp hội Các doanh nghiệp nhỏ và vừa và Tổng hội Xây dựng Việt Nam, các tổ chức tài chính, đào tạo và hướng dẫn về hợp đồng kinh tế, quy tắc thương mại thế giới...

Thứ hai, thành lập trung tâm xúc tiến hợp tác trong lĩnh vực xây dựng.

Một trong những khó khăn lớn đối với việc hợp tác giữa các doanh nghiệp là không có cơ hội tiếp xúc và tìm hiểu lẫn nhau. Thông qua hội chợ, triển lãm hoặc các cổng thông tin điện tử thường đạt hiệu quả quả thấp. Vì thế, Nhà nước nên khuyến khích thành lập Trung tâm Xúc tiến Hợp tác doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng, hoạt động như là một trung tâm môi giới giữa các doanh nghiệp cần hỗ trợ và các doanh nghiệp hỗ trợ. Trung tâm này tập trung vào các hoạt động môi giới, liên lạc hay tổ chức các hoạt động tiếp xúc theo đặt hàng hoặc theo định kỳ giữa các DNXD lớn và các doanh nghiệp nhỏ. Nhiệm vụ của Trung tâm này là:

Tiếp nhận các yêu cầu về liên kết giữa các DNXD và doanh nghiệp phụ trợ...

Tìm kiếm các đối tác tiềm năng cho các DNXD trong nước.

Thiết lập các chương trình tiếp xúc theo chủ điểm hoặc theo doanh nghiệp.

Xây dựng đội ngũ môi giới liên kết chuyên nghiệp trong lĩnh vực xây dựng (có thể thuê hoặc tuyển dụng các chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng).

Hỗ trợ và tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại.

Thứ ba, xây dựng hệ thống thông tin DNXD ở Việt Nam, bao gồm: hệ thống đánh giá và kiểm định doanh nghiệp; hệ thống giao tiếp và cơ sở dữ liệu công nghiệp hỗ trợ. Đây được xem như giải pháp trọng tâm và hữu hiệu cho việc phát triển liên kết giữa các DNXD nói chung và các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng.

Để hạn chế các rủi ro trong quá trình liên kết và tăng cường khả năng liên kết của các doanh nghiệp, cần xây dựng một cơ chế đánh giá rủi ro và cung cấp thông tin doanh nghiệp. Nhà nước nên tập trung đầu tư và xây dựng một cơ quan độc lập có vai trò thiết lập và quản lý hệ thống thông tin quan trọng trong kinh doanh các sản phẩm hỗ trợ và một cơ sở dữ liệu chi tiết về thị trường này. Cơ quan này sẽ thực hiện các chức năng sau:

Xây dựng một cơ sở dữ liệu hoàn chỉnh về các DNXD trên các lĩnh vực, năng lực sản xuất, trình độ công nghệ, khả năng hợp tác và liên kết.

Xây dựng một cơ sở dự báo nhu cầu thị trường sản phẩm hỗ trợ cũng như năng lực cung ứng cho các DNXD.

Xây dựng tiêu chí và đánh giá xếp hạng các DNXD và các nhà thầu xây dựng theo các tiêu thức về năng lực cung ứng, chất lượng sản phẩm, công nghệ, khả năng thi công…

Xây dựng các tiêu chí và xếp hạng các DNXD cần hỗ trợ theo đặc điểm kinh doanh, quy mô kinh doanh, uy tín thanh toán, yêu cầu công nghệ và chất lượng sản phẩm.

Cung cấp các cảnh báo và các phản hồi làm cơ sở để đánh giá và xếp hạng uy tín đối với các doanh nghiệp.

Thiết lập các cổng giao tiếp điện tử cho việc liên lạc giữa các DNXD để hỗ trợ và chia sẻ thông tin.

Xuất bản các ấn phẩm công nghệ và kinh doanh trong lĩnh vực hỗ trợ nhằm giúp các DNXD trong nước có thông tin kịp thời và chính xác.

Thứ tư, hỗ trợ tư vấn về thiết bị, công nghệ mới hiện đại, thích hợp và cung cấp thông tin công nghệ, thị trường cho các DNXD, tạo lập và phát triển thị trường công nghệ, tạo điều kiện để các DNXD tăng cường cạnh tranh trong sản xuất, kinh doanh và thực hiện các công trình dự án xây dựng. Chính phủ nên khuyến khích thành lập một số tổ chức hỗ trợ tư vấn (bằng những hình thức đa dạng) trong các lĩnh vực xây dựng giúp các DNXD nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm.

Tài liệu tham khảo:

1. Michael E. Porter (2009). Chiến lược cạnh tranh (Competitive Strategy), Nxb Trẻ

2. Michael E. Porter (2009). Lợi thế cạnh tranh quốc gia (The Competitive Advantage of Nations), Nxb Trẻ

3. Nguyễn Hữu Thắng (2008). Năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội