Lo năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhỏ và vừa

Theo baodautu.vn

Dù tương quan giữa doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng kinh doanh và thành lập mới trong quý I/2016 chưa đủ để kết luận sự sụt giảm của môi trường kinh doanh, song mối lo ngại về năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, nhất là khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa khá rõ.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Bình tĩnh với những con số

Con số gần 3.000doanh nghiệpgiải thể, hơn 8.000 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, hơn 12.000 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể trong 3 tháng đầu năm đang khiến nhiều người sốt ruột. Có chuyên giakinh tếlo ngại khả năng lao dốc của doanh nghiệp Việt Nam, khi tỷ lệ này tăng khá mạnh so với năm ngoái.

Tuy nhiên, ông Bùi Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, cần phân tích kỹ từng chỉ số để có nhận định chính xác. “Trong năm, quý I luôn có số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn cao hơn vì một số đặc thù. Số doanh nghiệp thành lập mới đầu năm cũng thấp hơn. Vì vậy, so sánh số doanh nghiệp rút lui với số doanh nghiệp đăng ký mới ở quý I không phải là một chỉ số hợp lý để đưa ra kết luận về thị trường rủi ro hay bất ổn”, ông Tuấn phân tích.

Hai đặc thù của thời điểm này chính là Tết Âm lịch và bắt đầu nămtài chínhmới. Nhiều doanh nghiệp thành lập để cung cấp dịch vụ, mặt hàngtiêu dùngtrong dịp Tết. Sau Tết, những doanh nghiệp này tạm ngừng hoạt động, chuyển hướng hoặc chờ thời vụ sau. Có thể thấy rõ tính thời vụ này khi cũng trong quý I/2016, đã có 9.376 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh quay lại, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2015.

Một bộ phận doanh nghiệp thực hiện ngừng kinh doanh hoặc giải thể vào thời điểm bắt đầu năm tài chính mới để tránh các nghĩa vụ cho năm tài chính tiếp theo. Thời gian này, cơ quan thuế cũng thực hiện nhanh các thủ tục quyết toán thuế, thủ tục giải thể doanh nghiệp...

Trong khi đó, quý I/2016 ghi nhận sự gia tăng của doanh nghiệp mới, với 23.767 doanh nghiệp, vốn đăng ký 186.013 tỷ đồng, tăng 24,8% về số doanh nghiệp và tăng 67,2% về vốn so với cùng kỳ năm 2015.

Cần môi trường kinh doanh thuận cho doanh nghiệp

Tất nhiên, trong sự rút lui khá mạnh mẽ của các doanh nghiệp trong quý I/2016 và cả giai đoạn trước đó, có nguyên nhân từ sự đào thải của cạnh tranh trên thị trường. Số liệu thống kê cho thấy, tính cạnh tranh và xu hướng thanh lọc đã và đang thể hiện rõ nét kể từ năm 2013 khi liên tục trong các năm, số doanh nghiệp gia nhập và rút lui khỏi thị trường cùng tăng.

“Đặc biệt, trong bối cảnh hiện tại, khi Việt Nam vừa ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, doanh nghiệp có nhiều cơ hội hơn, nhưng cũng đứng trước nhiều thử thách hơn, thì tính cạnh tranh, xu hướng thanh lọc càng thể hiện mạnh mẽ”, ông Tuấn phân tích chi tiết.

Nhưng số liệu thống kê quý I/2016 cho thấy, những doanh nghiệp gặp khó khăn đa số có quy mô nhỏ. Cụ thể, trong 12.018 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể thời gian này, đã có 11.117 doanh nghiệp có quy mô vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng (chiếm 92,5%). Đồng thời, trong số này, nhóm doanh nghiệp ở lĩnh vực bán buôn, bán lẻ chiếm tỷ lệ cao nhất (4.345 doanh nghiệp, bằng khoảng 36,1%).

Cũng phải nói thêm, theo Tổng cục Thống kê, 2/3 trong số doanh nghiệp đang hoạt động là các doanh nghiệp hoạt động thương mại thuần túy. Đây là nhóm doanh nghiệp không tạo ra nhiều giá trị gia tăng cho nền kinh tế so với 1/3 doanh nghiệp chế tác còn lại. Thậm chí, ông Bùi Quang Vinh, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khi trao đổi về Dự thảo lần hai Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã cho rằng, tình trạng doanh nghiệp bóc ngắn cắn dài đang lý giải phần nào năng lực cạnh tranh còn yếu của doanh nghiệp Việt Nam.

“Vấn đề là chính sách phải thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất, thúc đẩy doanh nghiệp sáng tạo. Nếu không sẽ rất khó xóa tư tưởng kinh doanh chụp giựt, sẽ toàn doanh nghiệp nọ bán cho doanh nghiệp kia, không có doanh nghiệp sản xuất”, ông Vinh nói.

Chính vì vậy, xu hướng rút lui khỏi thị trường của các doanh nghiệp chỉ có thể trở thành cuộc sàng lọc giúp cho nền kinh tếtái cơ cấutheo hướng nâng cao năng lực cạnh tranh, nếu có môi trường kinh doanh thực sự thuận cho cạnh tranh lành mạnh, công bằng.

Đang có những dấu hiệu khá tốt khi trong quý I/2016 có 7.100 lượt doanh nghiệp đăng ký tăng vốn, với tổng vốn tăng thêm 357.222 tỷ đồng. Bài toán là phải làm gì để số doanh nghiệp này tăng mạnh hơn, song hành cùng các doanh nghiệp thành lập mới dựa trên nền tảng công nghệ, sáng tạo…