Lợi nhuận của ngân hàng thương mại: Giảm áp lực để có giải pháp căn cơ hơn

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Bức tranh lợi nhuận của các tổ chức tín dụng (TCTD) trong năm nay sẽ không “quá tệ”. Theo các chuyên gia, điều này là nhờ các ngân hàng thời gian qua đã nỗ lực duy trì các dịch vụ và sản phẩm ngân hàng khác để bù đắp. Bên cạnh đó, các “bệ đỡ” tạm thời là VAMC và Quyết định 780/QĐ-NHNN đã phần nào giúp cho tỷ suất lợi nhuận của các ngân hàng không rơi vào tình thế quá thê thảm.

Lợi nhuận của ngân hàng thương mại: Giảm áp lực để có giải pháp căn cơ hơn
Bức tranh lợi nhuận của các TCTD trong năm nay sẽ không “quá tệ”. Nguồn: internet
Lợi nhuận năm nay không “quá tệ”

Gần đây, trên các báo đã đăng tải ý kiến phân tích của các chuyên gia chỉ ra mức NIM của các ngân hàng thương mại hiện nay chỉ ở khoảng 2,5 – 3%, thấp hơn rất nhiều giai đoạn vài năm về trước. Nhìn lại báo cáo tài chính của các ngân hàng thương mại từ đầu năm đến nay, đặc biệt trong quý III vừa qua cũng cho thấy, hầu hết đều ghi nhận mức lợi nhuận đã sụt giảm, thậm chí đã có ngân hàng ghi nhận lỗ.

Điều này cho thấy, dù tín dụng vẫn là hoạt động kinh doanh mang lại lợi nhuận chính cho nhiều ngân hàng thương mại, nhưng mức thu nhập trong thời gian qua đã giảm nhiều do tăng trưởng tín dụng (TTTD) khó khăn và NIM cũng không còn cao như trước.

Tuy nhiên, bức tranh lợi nhuận của các TCTD trong năm nay sẽ không “quá tệ”. Theo các chuyên gia, điều này là nhờ các ngân hàng thời gian qua đã nỗ lực duy trì các dịch vụ và sản phẩm ngân hàng khác để bù đắp. Bên cạnh đó, các “bệ đỡ” tạm thời là VAMC và Quyết định 780/QĐ-NHNN đã phần nào giúp cho tỷ suất lợi nhuận của các ngân hàng không rơi vào tình thế quá thê thảm.

Bởi với VAMC, các ngân hàng thương mại sẽ có thêm thời gian (5 năm) để “xử” các khoản nợ xấu đã có hiện nay của mình. Theo đó, đáng lẽ ngân hàng thương mại phải ngay lập tức bỏ tiền để trích lập dự phòng rủi ro (DPRR) cho các khoản nợ xấu theo quy định thì với việc bán nợ xấu cho VAMC, khoản phải trích lập này sẽ được giãn ra trong các năm và điều này sẽ giúp các ngân hàng thương mại có thêm thời gian để chữa lành các “vết thương” - nợ xấu trên cơ thể mình.

Theo quy định, nợ xấu là các khoản nợ thuộc nhóm 3, 4 và 5, tương ứng với các mức phải trích lập dự phòng là 20%, 50% và 100%. Như vậy, nếu ngay lập tức phải trích lập DPRR toàn bộ, nhất là với các khoản nợ nhóm 5 thì lợi nhuận của TCTD sẽ bị sụt giảm nghiêm trọng. Trong khi đó, mục đích chính khi VAMC ra đời là để xử lý một phần nợ xấu của các TCTD, trước hết thông qua việc mua nợ xấu của các TCTD.

Chẳng hạn khi một khoản nợ xấu thuộc nhóm 5 được bán cho VAMC, đồng nghĩa với việc sẽ được đưa ra ngoại bảng và các TCTD lúc này chỉ phải trích lập 20% mỗi năm (trong vòng 5 năm) thay vì phải trích lập toàn bộ trong điều kiện không có VAMC. Nhờ đó, một mặt TCTD có thêm thời gian để xử lý nợ xấu của mình, mặt khác bớt áp lực cho họ trong huy động các nguồn lực để xử lý.

Điều này cũng đồng nghĩa với các TCTD có điều kiện thuận lợi hơn để giải quyết các vấn đề như tái cơ cấu tổ chức, tăng cường công tác quản trị và hiệu quả hoạt động, tập trung cho các hoạt động kinh doanh…

Quan trọng hơn, VAMC tạo niềm tin và các hỗ trợ thực sự cho TCTD, giúp họ vượt qua được những khó khăn và áp lực hiện nay. Thực tế đã chứng minh, trong nhiều thời điểm khó khăn, nếu các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp đặc thù như TCTD nói riêng, nếu được trợ giúp bằng cơ chế đúng lúc sẽ giúp họ vượt qua và phát triển bền vững hơn..

Một “bệ đỡ” tạm thời khác là Quyết định 780/QĐ-NHNN. Với Quyết định này, các TCTD được phép cơ cấu lại nợ mà không phải chuyển nhóm. Theo đó, những doanh nghiệp có khó khăn tạm thời nhưng vẫn có triển vọng phục hồi sản xuất kinh doanh và trả được nợ thì sẽ được TCTD xem xét cơ cấu lại nợ.

Thử hình dung nếu không có cơ chế này, nhiều món nợ có lẽ đã bị chuyển nhóm và khiến nợ xấu tăng lên khá mạnh. Bởi như thông tin gần đây, tổng số nợ các TCTD đã cơ cấu lại khoảng 300.000 tỷ đồng, chiếm 10% tổng dư nợ, trong đó khoảng 60% các khoản nợ nếu không được cơ cấu lại đã trở thành nợ xấu.

Điều đó cũng đồng nghĩa với việc nếu nhiều món nợ bị chuyển nhóm như bình thường, thì chi phí trích lập DPRR của các TCTD cũng tăng lên theo quy định về mức trích lập theo từng nhóm nợ như kể trên và lợi nhuận ngân hàng một lần nữa sẽ bị “sụt” đi đáng kể.

Chuẩn bị “tránh sốc” trong tương lai

Tuy nhiên, “bệ đỡ” 780 hay thậm chí cả VAMC cũng chỉ là giải pháp tạm thời để hỗ trợ các ngân hàng thương mại tăng vốn tín dụng hỗ trợ các doanh nghiệp có khả năng phục hồi, duy trì tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.

Như trên đã phân tích, với một món nợ xấu bán cho VAMC, TCTD chỉ có tối đa 5 năm để tự xử lý. Còn việc “nương tựa” vào Quyết định 780/QĐ-NHNN càng ngắn hạn hơn bởi ngay từ tháng 6/2014, Thông tư 02 quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập DPRR và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động sẽ có hiệu lực theo hướng chặt chẽ hơn nhiều so với các quy định hiện hành.

Chắc chắn khi thực hiện Thông tư 02 sẽ khiến các khoản nợ đọng được chuyển vào nhóm “xấu” sẽ tăng, đồng thời kéo theo số tiền phải bỏ ra để trích lập DPRR của các TCTD cũng tăng theo. Từ nay đến thời điểm Thông tư 02 có hiệu lực còn đúng 180 ngày, tức chỉ bằng thời gian cho một món nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) chuyển sang nợ nghi ngờ (nhóm 4) và nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5).

Thế nên, nếu các TCTD không quyết liệt giải quyết vấn đề ngay từ bây giờ, vẫn mải mê làm sao có những “con số đẹp” thì sẽ gặp phải nhiều vấn đề lớn trong thời gian tới, đặc biệt là nguy cơ đang từ “lãi lớn” hôm trước sang “lỗ to” ngay hôm sau.

Hơn nữa ngay cả với hỗ trợ của VAMC và Quyết định 780/QĐ-NHNN thì các áp lực giải quyết nợ xấu với các TCTD cũng không mất đi mà vẫn còn đó, thậm chí càng lớn hơn nếu các doanh nghiệp sau khi được cơ cấu lại nợ theo Quyết định 780 vẫn không có thêm khả năng thực hiện được nghĩa vụ trả nợ của mình.

Vì vậy, ngay từ lúc này, các TCTD cần phải có những chuẩn bị để tránh những cú sốc sụt giảm về lợi nhuận mà rất có thể sẽ xuất hiện trong các báo cáo kết quả kinh doanh của nhiều ngân hàng chỉ ngay trong quý III năm tới.