Lợi nhuận ngân hàng, bức tranh chưa sáng

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh (BDI) cho rằng, sẽ rất khó để kỳ vọng lợi nhuận ngân hàng đạt mức như trước đây trong bối cảnh hiện nay, nhất là khi các ngân hàng lại trong quá trình tái cơ cấu theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Lợi nhuận ngân hàng, bức tranh chưa sáng
Nhiều ngân hàng cho biết khó hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận. Nguồn: internet

Chật vật với nợ xấu, tín dụng

Bán 170 tỷ đồng nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) hồi đầu tháng 10/2013, nhưng với PGBank, phần nợ xấu còn lại vẫn lớn, đang gây áp lực lên hoạt động của họ. Trước đó, thống kê đến cuối tháng 9/2013, nhà băng này có tỷ lệ nợ xấu chiếm đến 9,5% tổng dư nợ, tương đương 1.200 tỷ đồng. Đáng ngại nhất là nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5, phải trích lập dự phòng 100%) chiếm hơn phân nửa.

Tỷ lệ nợ xấu cao, đặc biệt là nợ có khả năng mất vốn như vậy, chi phí hoạt động tăng là một chuyện, tín dụng cũng khó đẩy ra. Tăng trưởng cho vay của PGBank âm khoảng 5% và kết quả là lợi nhuận đạt được 9 tháng đầu năm của nhà băng này sụt giảm mạnh.

Cụ thể, tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước dự phòng rủi ro của PGBank 9 tháng đầu năm nay là 246,5 tỷ đồng, nhưng sau khi trừ chi phí dự phòng chỉ còn hơn 60 tỷ đồng. So với kế hoạch lợi nhuận trước thuế PGBank trình Đại hội cổ đông trong kỳ họp thường niên đầu năm nay là 401 tỷ đồng, chặng đường còn lại của năm là rất khó khăn đối với PGBank để hoàn thành chỉ tiêu. Nhất là khi, tín dụng của ngân hàng này chưa dễ thoát âm.

Cũng “xếp hàng” bán nợ xấu cho VAMC, Navibank chịu sức ép lớn từ nợ xấu. Tính đến cuối tháng 9/2013, nợ xấu của Navibank chiếm 8,7% tổng dư nợ, kéo theo dự phòng rủi ro tăng gấp ba lần so với cùng kỳ. Ngược lại, tín dụng, cũng tính đến cuối tháng 9, vẫn âm đến 8,95% và tốc độ huy động vốn cũng giảm tới 21,4%. Do đó, lợi nhuận Navibank trong quý III/2013 chỉ đạt 2,6 tỷ đồng, giảm 60% so với cùng kỳ.

Thậm chí, kết quả kinh doanh nói trên trong quý III đã được coi là cải thiện. Trước đó, quý II/2013, Navibank báo lỗ hơn 11 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, Navibank chỉ đạt 10 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm gần 90% so với cùng kỳ năm trước (hơn 98 tỷ đồng). Đối chiếu với chỉ tiêu lợi nhuận Navibank dự kiến sẽ đạt trong năm nay (120 tỷ đồng), khả năng để hoàn thành 20% kế hoạch cũng không dễ dàng.

Theo TS. Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN, so với những năm trước, hoạt động của ngân hàng hiện nay cũng có khó khăn nhất định. Trong bối cảnh lãi suất cho vay giảm nhanh, tín dụng khó tăng, nhưng nợ xấu còn lớn khiến áp lực đạt lợi nhuận mục tiêu ngày càng lớn. Vấn đề không chỉ xảy ra ở các ngân hàng thuộc diện tái cấu trúc mà ngay những nhà băng lớn, có thị phần về tín dụng, dư nợ tăng trưởng dương, tình hình tín dụng lành mạnh hơn, khó khăn vẫn tìm đến.

Có thế mạnh về tài trợ vốn cho doanh nghiệp lĩnh vực xuất, nhập khẩu, hoạt động thương mại đến nay vẫn khá tốt, nhưng tăng trưởng tín dụng của Eximbank chỉ đạt 8% tính đến cuối tháng 9 (kế hoạch cả năm là 15%). Nợ xấu cùng thời điểm chỉ xấp xỉ 2%, nhưng đã tăng so với mức 1,6% hồi đầu năm, kéo theo trích lập dự phòng cao hơn, lợi nhuận 3 quý đầu năm của Eximbank chỉ đạt khoảng 38% kế hoạch 2013.

Kỳ vọng thấp

Trên thực tế, nhiều ngân hàng nhỏ không dễ cải thiện tình hình hoạt động vì rất khó đẩy tăng trưởng tín dụng trong bối cảnh khả năng hấp thụ vốn nền kinh tế yếu. Bản thân các ngân hàng này để kiểm soát nợ xấu cũng phải cho vay thận trọng. Thế nhưng, nợ xấu từ khoản vay cũ vẫn không ngừng phát sinh, nợ nhóm 2, 3 chuyển sang nhóm 4, 5 đã kéo theo trích lập dự phòng cao lên, còn lợi nhuận giảm xuống.

TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh (BDI) cho rằng, sẽ rất khó để kỳ vọng lợi nhuận ngân hàng đạt mức như trước đây trong bối cảnh hiện nay, nhất là khi các ngân hàng lại trong quá trình tái cơ cấu theo chỉ đạo của NHNN.

Với trường hợp PGBank, ông Nghĩa cho biết, nhà băng này vẫn không thể tự tái cơ cấu đối với khối nợ xấu còn lại, mà trông đợi kế hoạch bán cổ phần cho đối tác chiến lược nước ngoài, sau khi được Chính phủ và NHNN chấp thuận. Hay trường hợp Navibank, NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết, nhà băng này đang trong giai đoạn tự tái cơ cấu bằng nội lực, sau khi có sự tham gia của cổ đông chiến lược trong nước. Navibank cũng đang lên kế hoạch bán nợ xấu cho VAMC và có khả năng sẽ gọi thêm vốn từ cổ đông chiến lược ngoại để đẩy nhanh tái cơ cấu.

Thừa nhận ý kiến trên, lãnh đạo các ngân hàng cho biết, rất khó để có thể kỳ vọng đạt chỉ tiêu lợi nhuận năm nay. Ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị OCB cho biết, 9 tháng đầu năm, tín dụng của ngân hàng tuy không tăng cao nhưng đã thoát âm. Trong đó, mảng tín dụng khách hàng cá nhân tăng trưởng khá tốt, chiếm 70% tổng dư nợ. Thế nhưng, khi nói đến lợi nhuận thu về sau 3 quý đầu năm, ông Tuấn thừa nhận, rất khó để có thể đạt được kế hoạch đề ra.

“Nếu chưa trích lập dự phòng thì lợi nhuận không đến nỗi và đủ để hoàn thành chỉ tiêu đưa ra. Tuy nhiên, do chuyển biến nợ xấu vẫn chưa được tốt đòi hỏi ngân hàng trích dự phòng cao, từ đó lợi nhuận thu hẹp dần”, ông Tuấn nói.

Đặt chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2013 là 400 tỷ đồng, sau 2 quý đầu năm, NamA Bank mới chỉ đạt khoảng 50,6 tỷ đồng, giảm hơn một nửa so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân do chi phí dự phòng rủi ro cao. Theo báo cáo bán niên 2013, tổng chi phí dự phòng mà NamA Bank đã trích lập tăng gấp đôi so với cùng kỳ, lên trên 40,2 tỷ đồng. Chính vì dự phòng rủi ro tín dụng tăng khiến lợi nhuận của NamA Bank sụt giảm mạnh. Như vậy, kỳ vọng lợi nhuận đột biến trong những tháng còn lại của năm nay là điều không dễ.

Cho dù, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của NamA Bank đã được NHNN chấp thuận tăng lên 30%, song do tình hình khó khăn và quy mô còn nhỏ nên con số tuyệt đối dư nợ còn khiêm tốn. Mặt khác, theo ông Trần Ngọc Tâm, Phó tổng giám đốc NamA Bank, trong bối cảnh thị trường hiện nay, ngân hàng cũng không thể mạnh tay đẩy vốn cho vay ra. Ông Tâm thừa nhận, rất khó để hoàn thành được chỉ tiêu lợi nhuận. Cùng cảnh ngộ, ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Eximbank cho biết, ngân hàng này chỉ dám kỳ vọng hoàn thành được 50% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế đề ra cho cả năm nay.