Lợi thế hơn với doanh nghiệp siêu nhỏ

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), doanh nghiệp (DN) siêu nhỏ vẫn là động cơ chạy chính cho nền kinh tế Việt Nam. DN siêu nhỏ có thể được coi như “thanh giảm xóc” của nền kinh tế trong những giai đoạn khó khăn nhất.

Lợi thế hơn với doanh nghiệp siêu nhỏ
DNNVV - mô hình dễ tồn tại và phát triển dựa trên nguồn vốn tự có. Nguồn: internet
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (DNNVV), trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế thế giới và khó khăn trong nước vừa qua, nhiều DN có quy mô lớn cũng đã rất chật vật để tồn tại. Trong đó không ít đơn vị lâm vào cảnh phá sản do quy luật “thuyền to, sóng lớn”. Nhưng bên cạnh đó, không ít DN siêu nhỏ với số vốn một vài tỷ thậm chí vài trăm triệu đồng vẫn có thể tồn tại được do dễ dàng thay đổi, thích nghi với hoàn cảnh.

Ông Lê Văn Dũng, Phó giám đốc Agribank Củ Chi cho biết:  “Hiện tại 70% - 80% khách hàng vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh tại Agribank Củ Chi đều thuộc thành phần kinh tế gia đình, hộ chăn nuôi sản xuất theo mô hình trang trại, DN có quy mô nhỏ và siêu nhỏ (dưới 10 lao động). Phần lớn giá trị các khoản vay trung bình từ 30 – 50 triệu đồng, nhưng hiệu quả kinh tế đem lại là khá lớn”.

Hoạt động tín dụng với những đối tượng khách hàng này tương đối ổn định và có tỷ lệ an toàn cao (nợ xấu dưới 1%). Việc cho những DN siêu nhỏ, hộ kinh tế gia đình vay các khoản tiền từ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng nếu chỉ xét trên lý thuyết có thể đem về doanh thu, lợi nhuận không cao, nhưng thực tế lại rất hiệu quả với ngân hàng, tổ chức tín dụng, vì giá trị thực thu về cao, khả năng quay vòng vốn nhanh và ít có khoản nợ tồn đọng, khó đòi…

Đến nay, dư nợ tín dụng tại Agribank Củ Chi đạt 1.600 tỷ đồng, trong đó có tới trên 70% khoản vay chủ yếu phục vụ việc mở rộng, đầu tư sản xuất, phát triển chăn nuôi trồng trọt của các hộ kinh tế gia đình và DN siêu nhỏ trên địa bàn.

Hay như Ngân hàng thương mại cổ phần Phương Đông (OCB), mặc dù tỷ lệ cho vay với đối tượng DN siêu nhỏ, hộ kinh doanh cá thể chỉ chiếm khoảng trên dưới 20%, nhưng ông Trương Đình Long, Phó tổng giám đốc cho biết, thời gian tới ngân hàng sẽ chú trọng đẩy mạnh phát triển hơn nữa với mảng đối tượng khách hàng này.

Đặc biệt, OCB sẽ có những chương trình ưu đãi về lãi suất, dịch vụ kèm theo để tăng tỷ trọng dư nợ tín dụng của nhóm khách hàng lên do nhận thấy nhu cầu về vốn và khả năng mở rộng thị phần đối với các DN siêu nhỏ, kinh tế cá thể, gia đình là rất lớn. Hơn nữa, lợi ích mà nhóm đối tượng khách hàng này đem lại cũng tương xứng với tỷ trọng của nó nên việc tăng dần tỷ trọng cũng đồng nghĩa với việc đẩy doanh thu, lợi nhuận phát triển theo.

Không riêng gì những ngân hàng trên, nhiều ngân hàng khác như VIB cũng dành riêng những gói tín dụng khoảng 2.000 tỷ đồng, lãi suất ưu đãi từ 9,99%, cho vay trong vòng 20 năm với các khách hàng cá nhân, hộ gia đình, DN siêu nhỏ. Thực chất, họ nhận thấy tiềm năng và sự tồn tại, phát triển mạnh mẽ của các thành phần kinh tế này ngay cả trong những giai đoạn kinh tế khó khăn nhất.

Với đặc thù riêng tại Việt Nam, những thành phần kinh tế gia đình, hộ sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ, trong khó khăn lại càng tìm cách xoay xở để tồn tại. Với khoảng trên 90% DN tại Việt Nam hiện nay là DNNVV, trong đó DN siêu nhỏ, hộ kinh tế cá thể chiếm đến 66%. Chính số DN này tạo ra trên 40% tổng sản phẩm quốc nội và 1 triệu việc làm mỗi năm.

Chuyên gia kinh tế -TS. Trần Du Lịch khẳng định tại Hội nghị về vai trò của thành phần kinh tế cá thể, DN siêu nhỏ: “Nền kinh tế đất nước trụ vững, tồn tại qua khó khăn phụ thuộc một phần không nhỏ vào chính những DN siêu nhỏ, những hộ kinh doanh nhỏ lẻ. Thành phần kinh tế này vẫn đang âm thầm đóng góp, gom nhặt từng chút giá trị kinh tế, để tạo sự phát triển bền vững của nền kinh tế”.

Thực tế, tại Việt Nam nếu như DN lớn thường chỉ hiện diện ở những trung tâm kinh tế của đất nước, thì DNNVV lại có mặt ở khắp các địa phương và đóng góp quan trọng vào ngân sách, sản lượng và tạo công ăn việc làm cho mỗi địa phương.

Ngoài ra, với đặc thù quy mô nhỏ, dễ thay đổi, dễ thích nghi và phát triển dựa trên nguồn lực tự có là chính nên phần lớn các DN có quy mô nhỏ, những hộ sản xuất kinh doanh sẽ dễ dàng hơn trong việc tự tìm cách xoay xở “vượt bão” để tồn tại. Chính từ những quan điểm này nên một số chuyên gia nước ngoài cho rằng, DN siêu nhỏ có thể được coi như “thanh giảm xóc” của nền kinh tế trong những giai đoạn khó khăn nhất.

TS. Trần Du Lịch phân tích thêm, thời gian tới khối DNNVV, DN siêu nhỏ vẫn là động cơ chạy chính cho nền kinh tế Việt Nam. Nhưng vẫn phải thừa nhận một thực tế là khối này chỉ phát triển mạnh trong những lĩnh vực có tỷ suất lợi nhuận khiêm tốn, công nghệ thấp do không có lợi thế về quy mô, tiềm lực tài chính, thị phần… do vẫn đang phải tự vận động để tồn tại.

Mặt khác, khối DN này đang thiếu một cơ chế, chính sách hiệu quả, đồng bộ, một chiến lược hỗ trợ cụ thể, mạnh mẽ từ Nhà nước, để có thể vững vàng và phát huy hơn nữa những đóng góp cho nền kinh tế đất nước.