M&A 2016 của Việt Nam sẽ đạt tới 6 tỷ USD?

Theo enternews.vn

Hoạt động M&A ngày càng phát triển theo cả chiều rộng và sâu khiến tổng giá trị giao dịch trên thị trường mỗi năm không ngừng tăng. Đó là nhận xét chung của các chuyên gia tại diễn đàn M&A thường niên 2016 với chủ đề “M&A trong không gian kinh tế mở” vừa diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh.

Bán lẻ tiếp tục được dự báo sẽ bùng nổ M&A của năm nay.
Bán lẻ tiếp tục được dự báo sẽ bùng nổ M&A của năm nay.

Thống kê cho thấy, trong 5 năm trở lại đây, xu hướng phát triển doanh nghiệp bằng M&A tăng dần rõ nét. Thị trường M&A đã có mức tăng tổng giá trị giao dịch liên tục trong nhiều năm với mốc 1 tỷ USD năm 2010, lên mốc 5 tỷ USD năm 2015 và dự kiến năm nay có thể đạt tới 6 tỷ USD.

Cơ sở dự báo lạc quan của năm nay là tính chung 7 tháng, tổng giá trị giao dịch M&A đã đạt tới 3 tỷ USD. Nhiều tiền đề đang thúc đẩy hoạt động M&A mở rộng như sự lạc quan với chuyển dịch dòng vốn qua M&A tới Việt Nam, các chương trình đầu tư cổ phần hóa của Nhà nước, sự quan tâm của các nhà đầu tư vẫn âm ỉ và bùng nổ ở những ngành hàng quan trọng…

Ông Phạm Ngọc Bích – Giám đốc điều hành Khối Tài chính Doanh nghiệp Công ty chứng khoán HSC cho rằng xu hướng đón đầu cơ hội từ TPP chính là cơ hội rất lơn cho các doanh nghiệp trong nước bán vốn và hút vốn, mở cửa cho các dòng tiền mới muốn chảy vào thị trường.

Ông Bích cũng cho biết một số quỹ đầu tư đã mở ở giai đoạn 2006-2007 và đóng cửa năm nay sẽ là cơ hội để các nhà đầu tư mới xuất hiện.

Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn cho rằng vẫn còn một số rào cản về pháp lý, tâm lý “người ngoài người trong” đối với dòng vốn FDI hay M&A nói riêng hay những hạn chế về năng lực, chất lượng quản trị và số liệu tài chính, tính minh bạch… của doanh nghiệp vẫn làm giảm sự tích cực của M&A.

Một số các thương vụ ngoại mua nội, theo hình thức mua cổ phần góp vốn của công ty mẹ tại một công ty đầu tư, như một công cụ có mục đích đặc biệt (SPV) đã từng phân tích ở trường hợp nhà đầu tư Thái Central Group đã thực thi mua lại Big C Việt Nam, cũng có thể gây thất thoát nguồn thu thuế cho nền kinh tế Việt Nam nếu không có cơ chế, quy định quản lý chặt…

Bên cạnh đó, một số ngành hàng hấp dẫn nhưng hoạt động đặc thù, ví dụ ngành ngân hàng, cũng có những rào cản, ví dụ như quy định tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại một ngân hàng khá thấp, khiến M&A khu vực này vẫn đang chưa thực sự bùng nổ.

Tháo gỡ những rào cản đó, có nghĩa cơ hội thị trường vượt tổng giá trị giao dịch 6 tỷ USD với 600 thương vụ, thậm chí còn lớn hơn.