M&A ngân hàng và nhân tố “nới room” khối ngoại

TS. Phạm Hữu Hồng Thái

(Tài chính) Trong bối cảnh hiện nay, mua bán và sáp nhập (M&A) ngân hàng được coi là giải pháp tất yếu để cơ cấu lại có hiệu quả, nhằm thu hẹp số lượng các tổ chức tín dụng đã "sinh sôi" quá nhiều trong giai đoạn trước. Nghị định 01 được Chính phủ ban hành đầu năm 2014 được coi là tiền đề quan trọng, dự báo hoạt động M&A ngân hàng sẽ sôi động trong năm nay.

M&A ngân hàng và nhân tố “nới room” khối ngoại
M&A ngân hàng được coi là giải pháp tất yếu để cơ cấu lại có hiệu quả. Nguồn: internet

Năm 2013: Nâng chất hoạt động M&A

Từ tháng 4/2013, một công cụ của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực. Đó là Thông tư 07/2013/TT-NHNN, ngày 14/3/2013 quy định về việc kiểm soát đặc biệt đối với ngân hàng. Tùy vào thực trạng tài chính, mức độ rủi ro và vi phạm pháp luật của ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước xem xét, quyết định đặt ngân hàng đó vào tình trạng kiểm soát đặc biệt dưới hình thức giám sát đặc biệt (giám sát hoạt động hàng ngày của tổ chức tín dụng), hoặc kiểm soát toàn diện (kiểm soát trực tiếp và toàn diện hoạt động hàng ngày).

Ngân hàng Nhà nước sẽ yêu cầu chủ sở hữu các tổ chức tín dụng thuộc diện kiểm soát đặc biệt triển khai việc tăng vốn điều lệ để đảm bảo giá trị thực của vốn điều lệ không thấp hơn mức vốn pháp định cũng như đảm bảo các tỷ lệ an toàn hoạt động theo quy định trong một thời hạn được xác định cụ thể. 

Trong trường hợp các ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt không có khả năng, hoặc không thể thực hiện việc tăng vốn điều lệ theo yêu cầu và trong thời hạn được Ngân hàng Nhà nước xác định, thì cơ quan này có thể yêu cầu chủ sở hữu ngân hàng xây dựng, trình kế hoạch cơ cấu lại hoặc bắt buộc sáp nhập, hợp nhất, mua lại với các tổ chức tín dụng khác.

Thông tư 07 được coi là công cụ "rắn tay” của Ngân hàng Nhà nước nhằm giải quyết triệt để những yếu kém trong hệ thống. Với công cụ này, năm 2013 chứng kiến hoạt động M&A trong lĩnh vực ngân hàng đã được nâng cao về chất.

Trong năm 2013, Ngân hàng WesternBank đã hợp nhất với Tổng Công ty Tài chính Cổ phần Dầu khí (PVFC) trở thành Ngân hàng thương mại Cổ phần (NHTMCP) Đại chúng (PVComBank). Điều đáng lưu ý là hệ thống ngân hàng cũng ghi nhận, lần đầu tiên trong lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam, một ngân hàng nội đã mua đứt một công ty tài chính nước ngoài. Đó là NHTMCP Phát triển Nhà TP. Hồ Chí Minh (HDBank) đã mua lại Công ty TNHH Một thành viên Tài chính Việt - Societe (SGVF), trực thuộc tập đoàn Societé Générale của Cộng hòa Pháp để trở thành công ty con của HDBank với tên gọi HDFinance.

Bên cạnh đó, năm 2013, lần đầu tiên ở Việt Nam, hai ngân hàng đang hoạt động ổn định, khỏe mạnh đã tự nguyện sáp nhập. Đó là việc sáp nhập DaiABank vào HDBank để tạo nên một định chế tài chính vững mạnh hơn, với vốn điều lệ 8.100 tỷ đồng, tổng tài sản gần 90.000 tỷ đồng, mạng lưới hoạt động hơn 210 điểm giao dịch, tổng số nhân viên hơn 5.500 người.

Việc sáp nhập DaiABank vào HDBank và kết nạp SGVF là hoạt động mua bán sáp nhập tự nguyện, tiên phong theo xu hướng quốc tế tại Việt Nam. Cả hai thương vụ này đều diễn ra thuận lợi và êm đẹp.

Cũng trong năm 2013, hệ thống ngân hàng cũng ghi nhận các ngân hàng tự nguyện và chủ động cơ cấu lại. Nhiều đơn vị cũng bày tỏ mong muốn sẽ tìm đối tác chiến lược để phát triển vì mục tiêu lâu dài, như: Sacombank, ABBank, MaritimeBank, MB, HDBank, SouthernBank, Eximbank… Trong số những cái tên kể trên, thì hầu hết vẫn còn đang trong giai đoạn tìm hiểu đối tác.

Nhìn lại vụ sáp nhập đầu tiên vào năm 2011 là hợp nhất ba NHTMCP Sài Gòn (SCB), Việt Nam Tín Nghĩa (TinNghiaBank), Đệ Nhất (FicomBank) thành ngân hàng SCB, có thể nói, M&A đang là biện pháp đang được sử dụng phổ biến, hiệu quả trong quá trình cơ cấu lại hệ thống ngân hàng. Hiện, ngân hàng SCB đã thoát khỏi tình trạng rủi ro thanh khoản, huy động vẫn tăng trưởng tốt và nợ xấu đang từng bước giảm dần.

Cụ thể, năm 2013, lợi nhuận trước thuế của SCB đạt 60 tỷ đồng, giảm 23% so với năm 2012 và bằng 16% kế hoạch năm. Tính đến cuối năm 2013, tổng tài sản của ngân hàng đạt 181.019 tỷ đồng, tăng 21% so với đầu năm. Huy động từ khách hàng của SCB cũng tăng 61% lên 147.098 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu giảm từ 7,23% xuống còn 1,63%, tương đương khoản nợ xấu 1.452 tỷ đồng. Theo SCB, giảm nợ xấu nhanh chóng nhờ việc bán nợ cho VAMC. Năm 2013, SCB đã chi trả 11.922 tỷ đồng khoản vay tái cấp vốn cho Ngân hàng Nhà nước.

Hơn nữa, M&A ngân hàng cũng là biện pháp tăng sức mạnh và khả năng cạnh tranh giữa các ngân hàng. Thực tế, trong số 38 ngân hàng hiện tại, chưa có một ngân hàng cổ phần nào đủ lớn để làm đối trọng với 4 "ông lớn" là BIDV, Vietinbank, Vietcombank, Agribank. Do vậy, nhu cầu tín dụng, thu xếp vốn, thanh toán… cho các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước lớn, dự án lớn đều do 4 ngân hàng này đảm nhiệm. Ngân hàng nhỏ rất khó có cơ hội chen chân vào, nhất là ở các lĩnh vực chủ chốt của nền kinh tế, như: xuất nhập khẩu, nông nghiệp, công nghiệp, bất động sản, xây dựng hạ tầng cơ sở, dầu khí, sản xuất điện…

 Trong khi đó, những doanh nghiệp ngoài quốc doanh cũng cần nguồn tín dụng lớn, song khả năng tiếp cận nguồn vốn từ các "ông lớn" ngân hàng bị hạn chế. Vì thế, nếu có thêm những tổ chức tài chính có tiềm lực vốn lớn, làm đối trọng với khối ngân hàng quốc doanh, thì hẳn sẽ tạo được cân đối cung - cầu vốn trên thị trường tài chính. Điều này thực sự cần thiết để hệ thống ngân hàng phát triển lành mạnh, nâng cao hiệu quả.

Nghị định 01: Mới chỉ là “điều kiện cần”

Nghị định 01/2014/NĐ-CP thay thế cho Nghị định 69/2007/NĐ-CP hướng dẫn việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần tại các định chế tín dụng Việt Nam, chính thức có hiệu lực từ ngày 20/2/2014, đã làm rõ giới hạn sở hữu nước ngoài đối với lĩnh vực ngân hàng. Theo đó, tỷ lệ cổ phần sở hữu đối với nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào định chế tín dụng Việt Nam không vượt quá 5% vốn pháp định đối với cá nhân; không quá 15% đối với tổ chức; không quá 20% đối với đối tác chiến lược, nhà đầu tư nước ngoài và các tổ chức liên kết; không quá 30% tổng tất cả đầu tư nước ngoài. Trong trường hợp đặc biệt tái cấu trúc các định chế tín dụng yếu kém để đảm bảo an toàn hệ thống, Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định tỷ lệ sở hữu với từng trường hợp.

Có thể thấy, Nghị định 01 là tín hiệu tích cực với thị trường ngân hàng, có thể đẩy mạnh hơn nữa hoạt động M&A. Bởi, thời điểm này, nhà đầu tư nội trường vốn không còn tiền để mua cổ phần nữa, nên chỉ còn trông chờ vào khối ngoại. Thế nhưng, mức điều chỉnh từ 15% lên 20% và tổng tỷ lệ cổ phần sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 30% của Nghị định 01 mới là điều kiện cần, chứ chưa đủ.

Trong thực tế hiện nay, nhiều ngân hàng đã sử dụng tối đa “room” nhà đầu tư ngoại, như: BNP Paribas sở hữu 20% vốn điều lệ của OCB; Commonwealth Bank of Australia sở hữu 20% vốn điều lệ của VIB; Societe Generale sở hữu 20% vốn của SeABank; United Overseas Bank sở hữu 20% vốn của Southern Bank; BTMU sở hữu gần 20% vốn của VietinBank… Như vậy, gần một nửa số ngân hàng lớn đã không có cơ hội bán thêm vốn cho đối tác ngoại. Trong khi các nhà đầu tư ngoại lại không mặn mà với những ngân hàng quy mô nhỏ.

Điều đáng nói là, với mức sở hữu không vượt quá 30% cổ phần, thì cổ đông chiến lược lại không thể có nhiều quyền. Bởi, con số này chưa đảm bảo quyền phủ quyết của nhà đầu tư ngoại tại ngân hàng họ tham gia. Chính vì vậy, có thể dự báo rằng, năm 2014 không có sự thay đổi về mức room, thì hoạt động M&A năm nay sẽ không có nhiều đột phá.

Vậy, bao nhiêu mới là "đủ"?

Trả lời câu hỏi này, theo tôi, việc quy định room cao hơn mức 30% sẽ do Thủ tướng quyết định là một hướng mở cần thiết. Bởi, Chính phủ nên mạnh dạn mở rộng room vốn ngoại với ngân hàng yếu, theo đó có thể cho phép họ sở hữu tỷ lệ vốn ở mức cao hơn, thậm chí với một số trường hợp có thể lên đến 100%, bởi sẽ không dễ thuyết phục nhà đầu tư ngoại rót vốn cứu ngân hàng yếu nếu không cho họ quyền điều hành, quản trị đồng vốn của mình. Một khi đã nắm cổ phần chi phối, nhà đầu tư nước ngoài không chỉ đóng góp về tài chính, mà còn hỗ trợ cả về quản lý, như quản lý rủi ro, quản lý thanh khoản, mua bán nợ xấu... Với một hệ thống ngân hàng còn non trẻ, kỹ năng quản lý non yếu, mở room sẽ giúp thu hút nguồn lực thúc đẩy đầu tư công nghệ, nâng cao việc quản trị, phương thức hoạt động, tăng hiệu quả kinh doanh.

Bên cạnh đó, cũng lưu ý với các ngân hàng Việt Nam, bởi không hẳn cứ “kết duyên” với đối tác “ngoại” là yên tâm “đổi đời”. Bởi, cũng đã có trường hợp sau một thời gian góp vốn, một số nhà đầu tư ngoại lẳng lặng rút vốn khỏi ngân hàng nội, bởi phía đối tác nội không chịu thay đổi quy cách quản trị, điều hành.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, sự thận trọng của Chính phủ không phải là không có lý. Bởi, tại Việt Nam, ngân hàng là huyết mạch của nền kinh tế, nên ở bình diện chung, việc giữ nguyên tỷ lệ sở hữu cổ phần của nước ngoài ở mức 30% là phù hợp. Việc nới “room” quá mạnh trong bối cảnh năng lực cạnh tranh của hệ thống ngân hàng nội đều khá yếu về cả tài chính lẫn quản trị như hiện nay, sẽ không loại trừ khả năng bị nước ngoài thâu tóm.

Một nhiệm vụ cần phải hoàn thành trong thời gian tới là Ngân hàng Nhà nước cần nhanh chóng xây dựng một số ngân hàng tầm cỡ khu vực, đủ năng lực cạnh tranh quốc tế, đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn quản trị rủi ro của thế giới, sẵn sàng hội nhập toàn diện. Với quy mô kinh tế hiện nay, trong vòng 5 năm tới, Việt Nam chỉ nên có 15 ngân hàng thương mại cổ phần thực sự mạnh, có đủ khả năng hội nhập quốc tế. Những ngân hàng yếu kém nên được nhà đầu tư nước ngoài, hoặc chính các ngân hàng trong nước mua lại.

Tài liệu tham khảo

1. Chính phủ (2014). Nghị định số 01/2014/NĐ-CP, ngày 03/01/2014 về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam

2. Ngân hàng Nhà nước (2013). Thông tư 07/2013/TT-NHNN, ngày 14/3/2013 quy định về việc kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tín dụng

3. Lê Phan Thanh Hòa, Lê Phan Thanh Hiệp (2013). Hoạt động M&A trong quá trình tái cơ cấu ngân hàng tại Việt Nam, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 17/2013