“Ma trận” giảm giá sâu

Theo dantri.com.vn

(Tài chính) Nhiều sản phẩm khuyến mãi đến 70% và giá bán sau khuyến mãi chỉ bằng 1/3 so với trước đó đang khiến người tiêu dùng lạc trong “ma trận” hàng hoá, rất khó xác định giá trị.

 “Ma trận” giảm giá sâu
Nhiều sản phẩm khuyến mãi đến 70% và giá bán sau khuyến mãi chỉ bằng 1/3 so với trước đó đang khiến người tiêu dùng lạc trong “ma trận” hàng hoá. Nguồn: internet
Nhờ giảm giá, biết giá trị

Khá bất ngờ khi mua chiếc áo phông cộc tay của hệ thống cửa hàng quần áo thời trang C. với giá 79.000 đồng/ chiếc, chị Nguyễn Kim Phượng (Thái Hà- Đống Đa) cho biết: “Với giá 79.000 đồng/ chiếc thì giờ mua áo rẻ tiền đổ đống ngoài chợ còn khó, chưa nói đến áo trong hệ thống cửa hàng này”- chị. Tuy nhiên, xem giá niêm yết công khai trước khi giảm của mẫu áo này là 169.000 đồng/chiếc, khách hàng này tỏ ra băn khoăn: “Giá sau khi giảm chưa bằng một nửa giá bán trước đó. Ít nhất cửa hàng này đã thanh lý sản phẩm với giá hoà vốn, như thế sẽ có hàng nghìn sản phẩm trước đó cùng mã này được bán với giá rất cao. Sản phẩm đã bị “thổi giá” gấp hơn 2 lần giá thành”?

Dễ dàng nhận thấy điều tương tự vì khi thời tiết chuyển mùa là lúc hàng loạt hãng thời trang tung ra các chương trình khuyến mãi, giảm giá sâu. Hiện tại, hãng thời trang công sở N. đang quảng cáo có nhiều sản phẩm giảm giá bất ngờ. Trên website của hãng này, nhiều mẫu đầm, juyp, áo, quần công sở được bán với giá bằng nửa giá niêm yết trước đó. Phổ biến nhất là mức giảm giá đến 50%, nhưng một số mẫu đã giảm từ 1,026 triệu đồng xuống còn 399.000 đồng/sản phẩm, tức là bằng gần 1/3 giá cũ. 

Không riêng gì các mặt hàng thời trang, rất nhiều cửa hàng, siêu thị tung ra các chương trình khuyến mãi để kích thích sức mua. Trong đó, đáng chú ý là đồ gia dụng và thực phẩm chế biến. Mức giảm giá nhiều mặt hàng lên đến 50% và phần lớn các mặt hàng khuyến mãi được các chuyên gia đánh giá ở mức hoà vốn. 
Thực tế trên cho thấy, các chương trình khuyến mãi, giảm giá đã đưa  giá sản phẩm về mức bình dân để nhiều người tiêu dùng có cơ hội sở hữu những sản phẩm đó hơn. Mặt khác điều này cũng chứng tỏ các hãng sản xuất, nhà bán lẻ đẩy giá sản phẩm lên quá cao so với giá thành. Đây là yếu tố bất lợi, cản trở năng lực cạnh tranh của sản phẩm và khó tiêu thụ hàng trong bối cảnh kinh tế khó khăn.

Theo ông Vũ Vinh Phú- chủ tịch Hiệp hội siêu thị thành phố Hà Nội, người tiêu dùng đang bị lạc trong “ma trận” hàng hoá và giá cả. Cùng một loại hàng nhưng có nhiều mức giá và mỗi nơi lại bán một kiểu. 

Tự nâng giá lên rồi giảm xuống

Theo một chuyên gia thị trường, các chương trình khuyến mãi của các hệ thống cửa hàng, cửa hàng nhỏ lẻ… thuộc sở hữu tư nhân đang “có vấn đề. Làm gì có chuyện giá hạ đến 70%! Chẳng qua chỉ là người bán tự nâng giá lên rồi tự hạ giá xuống”- vị chuyên gia này nói. 

Thông thường, để định giá bán sản phẩm, người bán sẽ cộng giá thành sản xuất với các chi phí lưu thông, nhân công, hoa hồng... Mức chênh lệch giữa giá bán với giá nhập khoảng 60%. Tuy nhiên, trên thực tế, không ít sản phẩm hàng hoá trên thị trường hiện nay phải qua nhiều khâu trung gian mới đến tay người tiêu dùng. Bên cạnh đó, phần lớn sản phẩm không được niêm yết giá bán, giá thuê mặt bằng mỗi nơi lại khác nhau; Các cơ quan chức năng khó kiểm soát hết thị trường nên giá bán trong nhiều trường hợp gấp hơn 2 lần giá thành sản phẩm. Thêm vào đó, không ít người tiêu dùng ít quan tâm đến giá trị sản phẩm mà có tâm lý dùng hàng hiệu, hàng đắt tiền là đẳng cấp nên sự lộn xộn của giá cả hàng hoá diễn ra phổ biến.

Chủ một cửa hàng chuyên kinh doanh thực phẩm đặc sản cho biết: “Có những mặt hàng khi giảm giá người bán phải chịu lỗ. Ví dụ, có một lượng hàng nhỏ sắp hết hạn, người bán sẽ căn cứ vào mức tiêu thụ mặt hàng mà quyết định mức giảm giá. Lúc đó, họ có thể bán lỗ, nhưng nếu tính tổng thể lô hàng thì người bán vẫn lãi vì toàn bố số hàng đã tiêu thụ (chiếm phần lớn) được bán với giá gấp 2-3 lần giá nhập”. 

Tuy nhiên, người kinh doanh này thừa nhận, có hiện tượng nâng giá lên rồi tự hạ xuống để tạo khuyến mãi, giảm giá. “Ví dụ, khi tham gia một website mua theo nhóm trên mạng, một kg thực phẩm đặc sản có giá bán thông thường 600.000 đồng nhưng website này yêu cầu nâng giá lên 800.000 đồng/kg, rồi đưa ra tỷ lệ giả giá để giá bán với giá 550.000 đồng/kg. Thực chất, người tiêu dùng chỉ được lợi 50.000 đồng/kg và người bán vẫn có lãi, nhưng với mặt hàng này, một khách thường chỉ mua vài lạng!”- tiểu thương này tiết lộ.