Mải mê xuất khẩu, quên mất "sân nhà"

Theo thoibaokinhdoanh.vn

Mải loay hoay xuất khẩu, đến lúc thị trường thế giới trở chứng, quay lại sân nhà thì đã "lạc nhịp" là tình cảnh chung của nhiều doanh nghiệp Việt. Đương nhiên, thị trường nội địa sớm trở thành miếng mồi béo bở trong tay doanh nghiệp ngoại thì họ không dễ buông tha. Lỗi này trước hết thuộc về ai?

Các tập đoàn phân phối ngoại đang chiếm lĩnh thị trường phân phối bán lẻ Việt Nam. Nguồn: internet
Các tập đoàn phân phối ngoại đang chiếm lĩnh thị trường phân phối bán lẻ Việt Nam. Nguồn: internet

Hiện nay, chỉ có khoảng 20% doanh nghiệp sản xuất trong ngành dệt may Việt Nam tập trung cho thị trường nội địa, còn lại chủ yếu lo cho xuất khẩu. Đây là thông tin được đưa ra mới đây tại Hội chợ thời trang Quốc tế VIFF 2015 (diễn ra từ 18 đến 23/9 ở Tp.HCM).

Việc ngành dệt may chỉ đạt 50% thị phần nội địa được cho là khá khiêm tốn khi nhu cầu tiêu dùng hàng năm đối với mặt hàng này lên đến 2,5 tỷ USD. Thực tế này có mâu thuẫn hay không khi Việt Nam đang đứng vị trí top 10 nước xuất khẩu hàng dệt may trên thế giới nhưng đang bị hàng ngoại nhập lất át ngay trên sân nhà?

Sân nhà bỏ trống

Không riêng ngành dệt may, hầu như lĩnh vực sản xuất nào trong nước cũng gặp như vậy, chỉ loay hoay xuất khẩu mà bỏ quên "mỏ vàng" trên sân nhà. Có thể liệt kê như: da giày, chế biến, ngành bán lẻ, sắt thép, phân bón, thực phẩm, nguyên phụ liệu, hàng tiêu dùng nhanh…

Ngay như mặt hàng gạo, vốn là mặt hàng xuất khẩu số một của Việt Nam và đứng đầu thế giới, thế nhưng nhiều người dân gần đây cũng chuyển hướng mua gạo Đài Loan, Thái Lan, Nhật Bản hoặc lúa mùa của Campuchia để ăn. Có phải đây là hậu quả từ việc ngành lúa gạo chú trọng nhiều vào xuất khẩu mà quên béng thị trường nội địa?

Hoặc ngành da giày đang trong top 5 nước sản xuất giày, dép lớn nhất thế giới về số lượng, giá trị xuất khẩu trung bình hàng năm đạt hơn 10 tỷ USD. Thế mà theo thống kê, 60% thị phần giày, dép nội địa đang nằm trong tay các sản phẩm nhập ngoại.

Xu hướng tiêu dùng nội địa đối với sản phẩm giày, dép được cho là rất lớn với mức tiêu thụ bình quân tăng khoảng 8%/năm với lượng tăng khoảng hơn 10 triệu đôi/năm. Vậy hà cớ gì ngành da giày lại "làm lơ" trên sân nhà?

Theo lý giải, đó là vì thị trường giày dép trong nước đang phải đối mặt sự xâm nhập ồ ạt của giày dép Trung Quốc giá rẻ cùng với tràn lan hàng giả, kém chất lượng. Trong khi Nhà nước cũng chưa có rào cản nào hữu hiệu để ngăn tình trạng này khiến các doanh nghiệp Việt không mặn mà với thị trường nội.

Ngành gỗ cũng thế, dù Việt Nam đang đứng thứ sáu trên thế giới về xuất khẩu đồ gỗ nhưng ngành này gần như bỏ trống sân nhà. Chỉ có khoảng 20% doanh số tiêu thụ đồ gỗ nội địa thuộc về các sản phẩm của doanh nghiệp Việt, còn lại 80% thuộc về các sản phẩm của các doanh nghiệp ngoại.

Theo các chuyên gia kinh tế, khía cạnh mặt trái của các doanh nghiệp nội đặt ra ở đây là phong trào tìm đường xuất khẩu lại không hiệu quả như mong đợi. Lý do là phải xuất qua khâu trung gian nên thường giá trị xuất khẩu thấp, lợi nhuận không nhiều, nhưng họ vẫn cố tìm cho bằng được.

Còn trên thị trường nội địa, nhu cầu tiêu thụ lớn thì bỏ ngỏ cho khối ngoại. Đến lúc thị trường xuất khẩu khó khăn, ra các điều kiện ngặt nghèo thì các doanh nghiệp Việt trở tay không kịp, lại muốn quay đầu trở về thị trường nội địa thì chẳng còn đường thoái lui.

Theo PGs.TsKH Nguyễn Văn Minh, Viện kinh tế và thương mại quốc tế, xuất khẩu sẽ nhìn thấy ngay kết quả và dễ đạt được tới đỉnh cao. Do chạy theo chính sách này nên các doanh nghiệp đã quên hẳn thị trường trong nước. Điều này tạo áp lực, khó khăn cho chính doanh nghiệp nếu muốn quay trở lại.

Một nguyên nhân khác được chuyên gia kinh tế, Ts Trần Du Lịch đưa ra là thị trường trong nước hiện nay quản lý chưa tốt, cách kinh doanh của doanh nghiệp chưa sòng phẳng với nạn gian lận thương mại gia tăng. Vì vậy, trách nhiệm của Nhà nước là cần làm rõ, để không còn lẫn lộn giữa hàng thật và giả.

Đi đâu, về đâu?

Báo cáo của Bộ Công Thương mới đây cho biết tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của thị trường trong nước 8 tháng năm 2015 đã đạt 1.608,182 nghìn tỷ đồng, tăng 10,8% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 75,98%.

Lẽ ra với con số như vậy từ thị trường nội địa, ắt hẳn là các doanh nghiệp ngành tiêu dùng xuất khẩu nếu có quay đầu trở về sân nhà thì cũng sẽ ăn nên làm ra.

Trái lại, các doanh nghiệp nội trong ngành hàng này không hết rên siết, bởi xuất ngoại thì teo tóp còn tiêu thụ trong nước thì khó khăn vì không cạnh tranh được với hàng ngoại ngay trên thị trường bán lẻ. Nguyên nhân sâu xa là bởi các tập đoàn phân phối bán lẻ nước ngoài như Metro, Big C, Aeon, Lotte, Parkson, BJC… đang thâm nhập mạnh và chiếm lĩnh thị trường phân phối bán lẻ Việt Nam. Các tập đoàn này tăng cường mở nhiều siêu thị, cửa hàng, mạng lưới bán lẻ trên cả nước, nhất là ở khu vực thành thị, đã ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp bán lẻ nội địa hiện nay.

Một chuyên gia kinh tế nhận định, đây là bước đi rất có kinh nghiệm. Khi đã nắm được hệ thống bán lẻ, việc các siêu thị vắng bóng hàng Việt là điều dễ hiểu. Doanh nghiệp Việt đã chậm chân lại mất hệ thống bán lẻ, hàng Việt khó thêm khó. Thậm chí một số chủ hệ thống bán lẻ, tập đoàn kinh doanh lớn trong nước còn bán lại cho các nhà đầu tư nước ngoài, dẫn đến cơ hội hàng hóa của doanh nghiệp trong nước vào các kênh này thêm bế tắc.

Như vậy, việc tiêu thụ hàng hóa Việt Nam ngay trên sân nhà liệu có tươi sáng khi chúng ta không còn làm chủ được hệ thống phân phối? Cũng phải nhìn nhận, hiếm có doanh nghiệp nào vừa làm tốt vai trò sản xuất xuất khẩu, vừa "có chân" ở thị trường nội địa. Việc quay lại thị trường nội địa đã được các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam lưu ý nhưng vẫn có tâm lý e ngại thị trường trong nước bất ổn.

Theo Ts Trần Du Lịch, hệ thống phân phối là vấn đề tồn tại lớn hiện nay của doanh nghiệp bởi nó sẽ ảnh hưởng nhất định khi chọn nhà cung cấp. Các chuỗi phân phối chi phối sản xuất, trong khi các kênh phân phối hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại hiện nay các doanh nghiệp trong nước phần lớn chưa vươn lên được.

PGS.TSKH Nguyễn Văn Minh, Viện kinh tế và thương mại quốc tế

-------------------------------
Phát triển thị trường nội địa nói dễ nhưng làm không dễ. Từ những năm trước, do quá mong muốn có được nguồn ngoại tệ để đầu tư phát triển trong nước, nên Việt Nam đã chọn con đường xuất khẩu. Các doanh nghiệp cũng được định hướng tập trung vào xuất khẩu. Thị trường nội địa bị bỏ rơi.

TS Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế
-------------------------------
Hiện có nhiều ngành doanh nghiệp trong nước phát triển rất tốt, hình thành được những tập đoàn và "đại gia" nhưng chưa thấy "đại gia" tiêu biểu nào cho việc tổ chức mạng lưới phân phối tốt. Do đó, chính sách Nhà nước là phải làm sao khuyến khích các "đại gia" phân phối trong nước phát triển tốt. Điều này sẽ giúp phát triển tốt việc tiêu thụ hàng hóa trong nước.

Ông Nguyễn Đức Hùng, chuyên viên phân tích thị trường bất động sản, bán lẻ
-------------------------------
Chỉ còn bốn năm nữa (2016-2020) cho các nhà bán lẻ nội địa giành thị phần bán lẻ. Sau 2020, ngành bán lẻ Việt Nam sẽ được định hình và tương đối ổn định. Cuộc chơi sẽ chỉ còn là của các tập đoàn bán lẻ nước ngoài và số ít nhà bán lẻ nội đã định vị được thương hiệu.