Trong bối cảnh nền kinh tế quốc tế còn đối mặt với vô vàn khó khăn, nhưng thời gian qua, thị trường tài chính, ngân hàng Việt Nam vẫn đón nhận nhiều tin vui khi các đối tác, định chế tài chính lớn trên thế giới đánh giá cao, đặt niềm tin vào tiềm năng và triển vọng đầu tư. Sự kiện hai định chế tài chính lớn Vietcombank (Việt Nam) và Mizuho (định chế tài chính lớn thứ 3 của Nhật Bản) tìm được điểm tương đồng và sự cần thiết có nhau trong hoạt động kinh doanh đầu tư là minh chứng rõ rệt nhất.

Với kinh nghiệm đầu tư thành công tại 33 nước và vùng lãnh thổ trên phạm vi toàn cầu, Mizuho tìm đến Vietcombank như tìm đến một sự đầu tư dài hạn, đầy hứa hẹn. Không phải ngẫu nhiên mà Mizuho đã dám chấp nhận mua Vietcombank với giá 34.000 đồng/cổ phiếu trong bối cảnh thị trường chứng khoán thiếu khởi sắc lúc đó. Một triển vọng về sự phát triển vững mạnh đã được Mizuho nhận thấy trong tầm nhìn dài hạn, đó là: Một thương hiệu uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế, có bề dày 50 năm phát triển với hàng chục nghìn khách hàng doanh nghiệp và hàng triệu khách hàng cá nhân…

Về phía Vietcombank, “nỗi niềm đau đáu” tìm kiếm đối tác chiến lược với bao nhọc nhằn từ khi xây dựng kế hoạch cổ phần hóa của đội ngũ lãnh đạo cũng đã được giải tỏa. Đơn giản chỉ là đã tìm được “ứng viên xuất sắc nhất” và việc cổ phần hóa đã được hoàn tất. Vietcombank đã nhìn thấy sức mạnh của Mizuho nếu kết hợp với sức mạnh nội tại của mình sẽ mở ra một diện mạo mới đầy hứa hẹn. Đó là năng lực tài chính được tăng cường thêm 11,8 nghìn tỷ đồng (tương đương 567,3 triệu USD) thông qua việc bán thành công 15% vốn cổ phần cho Mizuho (tương đương 347.612.562 cổ phần phổ thông). Thặng dư vốn của Vietcombank thu được sau khi bán cổ phần là 8.343 tỷ đồng. Sau khi hoàn tất việc chào bán cho Mizuho, vốn điều lệ của Vietcombank tăng từ 19.698 tỷ đồng lên 23.174 tỷ đồng. Hiện nay, trong cơ cấu cổ đông của Vietcombank, cổ đông nhà nước nắm giữ 77,11% và Mizuho nắm 15% vốn điều lệ.

Mizuho là tập đoàn cung cấp dịch vụ tài chính hàng đầu tại Nhật Bản, có thị giá 2,7 nghìn tỷ yên (35,5 tỷ USD) vào thời điểm 28/9/2011 và tổng tài sản 156,5 nghìn tỷ yên (2 nghìn tỷ USD) tại thời điểm 30/6/2011.

Sự hợp tác này đã mở ra cơ hội và chia sẻ kinh nghiệm phát triển các sản phẩm dịch vụ ngân hàng mới, tiếp thu công nghệ hiện đại, phát triển khách hàng và mạng lưới để bổ sung, hỗ trợ nhau trong hoạt động kinh doanh cho cả hai bên. Đồng thời, mở ra động lực tái cơ cấu trên cơ sở rà soát, củng cố và hoàn thiện các lĩnh vực hoạt động nhằm tạo ra những bước đột phá trong quản trị và kinh doanh.

Mục tiêu Vietcombank đặt ra trong năm 2012 là kiểm soát mức tăng 15-17% đối với dư nợ cho vay khách hàng và phấn đấu đạt 18-20% chỉ tiêu huy động vốn. Lợi nhuận trước thuế theo kế hoạch sẽ đạt 6.500 tỷ đồng, ROA (lợi nhuận/tài sản) đạt 1,22% và nợ xấu được kiểm soát ở mức 2,8%... tạo động lực cho phát triển mạnh mẽ vào các năm tiếp theo.

Tổng kết sau hơn một năm hợp tác, mặc dù cạnh tranh khốc liệt trong ngành ngân hàng nhưng tình hình huy động vốn của Vietcombank đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực trên tất cả các phương diện: Huy động vốn cuối năm 2012 đạt gần 285.200 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2011 tuy nhiên tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 15%; Tiền gửi khách hàng tại thời điểm 31/12/2012 của Vietcombank đạt 285.196 tỷ đồng, tăng gần 55.500 tỷ tương đương 24% so với đầu năm. Cho vay ra đạt gần 239.800 tỷ, tăng 15,2% so với năm 2011; Thu nhập lãi thuần của Vietcombank năm 2012 đạt hơn 10.700 tỷ đồng, giảm 12% so với năm 2011 do lãi suất giảm mạnh trong năm…

Về tình hình nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2012 của ngân hàng mẹ Vietcombank là 2,25%, tăng nhẹ so với số đầu năm là 2,01%, tuy nhiên nếu so với kết quả của 6 tháng đầu năm 2012 thì tỷ lệ nợ xấu cuối năm đã giảm rất mạnh, đặc biệt là nợ có khả năng mất vốn. Nợ có khả năng mất vốn cuối năm 2012 ở mức 1.275 tỷ đồng, ở thời điểm 30/6/2012 là gần 4.000 tỷ đồng.

Trong kế hoạch phát triển, Vietcombank xác định, sẽ tiếp tục tập trung ưu tiên phát triển theo chiều sâu để nâng cao chất lượng dịch vụ, thực hiện đẩy mạnh hoạt động thanh toán thẻ trực tuyến; bán chéo sản phẩm; tiếp tục chuẩn hoá sản phẩm, dịch vụ ngân hàng bán lẻ, đa dạng hoá danh mục sản phẩm, dịch vụ trên cơ sở xây dựng chính sách lãi suất, phí chuẩn áp dụng thống nhất trên toàn hệ thống; mở rộng mạng lưới bán lẻ, tăng cường hoạt động ngân hàng điện tử; tích cực liên kết với các đối tác nước ngoài để phát triển hoạt động chuyển tiền kiều hối; đồng thời tiến hành rà soát, cơ cấu lại các công ty con; rà soát các khoản đầu tư; thoái vốn nhằm nâng cao hiệu quả cho hoạt động của Vietcombank.

Năm 2013, được dự báo là năm nền kinh tế tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức cũng là năm Việt Nam đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu hệ thống ngân hàng theo chiều sâu. Trên cơ sở phân tích môi trường kinh doanh, bám sát định hướng điều hành của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, Vietcombank đang chủ động đối phó với khó khăn thách thức, thực hiện tái cơ cấu trên cơ sở rà soát, củng cố và hoàn thiện các mặt hoạt động; tập trung hoàn thiện Chiến lược 2011 - 2020 và tổ chức thực hiện; Phối hợp với đối tác chiến lược Mizuho nhằm tạo ra những bước đột phá trong quản trị và kinh doanh theo phương châm “Đổi mới - Chuẩn mực - An toàn - Hiệu quả”.

Bài đăng trên Tài chính & Đầu tư số 3 - 2013

Mizuho - Vietcombank: Diện mạo mới trong hợp tác

PV.

(Tài chính) Một diện mạo mới được tạo dựng với nhiều kỳ vọng đột phá đã thành hiện thực khi “mối lương duyên” giữa Vietcombank và Mizuho chính thức được “se thắt”. Sau hơn một năm “kết trái”, “mối lương duyên” này đang phát huy những nỗ lực cùng sự quyết tâm cao độ trong thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển, tái cơ cấu để khẳng định vị thế của một ngân hàng thương mại hàng đầu…

Xem thêm

Video nổi bật