Mở tư duy để lớn lên

Theo thoibaonganhang.vn

Nếu không thay đổi cách nghĩ, cách làm, doanh nghiệp (DN) sẽ tự loại mình ra khỏi cuộc chơi.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Nhận định về tình hình kinh tế và triển vọng đầu tư trong bối cảnh hội nhập mới, TS. Trần Du Lịch, Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho biết tại Hội thảo Kinh tế 2016 (do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức), môi trường kinh tế vĩ mô trong nước đã có những bước cải thiện rõ rệt tạo điều kiện cho DN hội nhập sâu hơn với nền kinh tế khu vực và thế giới.

Hoạt động kinh doanh được lành mạnh hơn, do đó sẽ tạo cơ hội lớn cho các DN làm ăn chân chính, cạnh tranh bằng chính năng lực của mình để phát triển, đồng thời sẽ làm triệt tiêu đi cơ hội đối với những DN làm ăn chụp giật, thiếu minh bạch.

“Trong bối cảnh hiện nay, sự thắng thua trên thương trường không còn tùy thuộc vào quy mô DN, mà vào tư duy đổi mới và sáng tạo. Đồng thời, điều mà các DN trong nước đang cần chính là môi trường nuôi dưỡng sáng tạo, một thể chế kinh tế có sự phân phối nguồn lực và các yếu tố sản xuất thông qua thị trường. Nhà nước ngày càng phát huy vai trò “bà đỡ”, bổ sung những “khuyết tật”, điểm yếu và thiếu của thị trường” – TS. Lịch nhấn mạnh.

Đây cũng chính là điều mong mỏi và suy nghĩ chung của nhiều DN Việt Nam đang nỗ lực, đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, phát huy sáng tạo để nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập mới. Theo quan điểm của ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen, môi trường đầu tư, kinh doanh có thuận lợi thì các DN mới có điều kiện phát triển và lớn mạnh.

Tuy nhiên, điều mà không ít DN băn khoăn chính là năng lực hiện nay của các DN trong nước còn yếu và non trẻ nên khi cạnh tranh với những công ty, tập đoàn lớn mạnh đa quốc gia của nước ngoài sẽ có nhiều bất lợi. Vì vậy, các DN luôn mong mỏi Nhà nước tạo ra các chính sách phù hợp, có tầm nhìn dài hạn để DN phát triển.

Đặc biệt, thay vì dồn nguồn lực cho một số DNNN như trước kia nhưng không phát huy được vai trò chủ lực, thì Chính phủ nên tạo ra cơ hội thuận lợi để các DN tư nhân làm ăn chân chính, có khả năng phát huy tiềm lực của mình.

“Để làm được điều này, không có cách nào khác là các DN phải tự chuẩn hóa mình, thay đổi cách tư duy, lối quản trị, bớt thói “ma lanh”, kiểu làm ăn chụp giật đã tồn tại bấy lâu ở một bộ phận DN” – ông Vũ thẳng thắn.

Có chung sự kỳ vọng và mong mỏi như vậy, ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Kỹ nghệ Súc sản Việt Nam (Vissan) cho rằng, trong 2 năm gần đây, nhận thức của DN về môi trường kinh doanh đã có những chuyển biến tốt về các vấn đề hội nhập kinh tế, về các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia ký kết.

Đồng thời, các chính sách của Nhà nước cũng có nhiều thay đổi, hỗ trợ tích cực cho hoạt động DN, thỏa mãn cho các nhu cầu hội nhập, cạnh tranh sòng phẳng. Mặc dù vậy, các chính sách chúng vẫn có độ trễ nhất định, vì vậy cần phải đẩy nhanh hơn tiến trình này, nhất là tạo ra một hạ tầng hoàn thiện để các DN tự phát huy hết năng lực bản thân.

Về phía Vissan, DN đã nhanh chóng thay đổi để bắt kịp xu thế mới này, trước tiên về mặt tư duy, tránh phụ thuộc, trông chờ, ỷ lại bởi theo quan điểm của vị tổng giám đốc này, DN trước tiên phải phát huy vai trò tự làm chủ của mình để nắm bắt cơ hội.

Chính vì vậy, DN này đang tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng cụm công nghiệp riêng biệt phục vụ cho hoạt động chế biến thực phẩm, đón đầu cơ hội phát triển của một nước công nghiệp vào năm 2020, hướng đến phục vụ mục đích nhu cầu của cộng đồng xã hội và nâng tầm cạnh tranh quốc tế.

Và ông Mười cũng như nhiều doanh nhân khác hoàn toàn đồng ý với quan điểm mà chuyên gia kinh tế đã đưa ra là “Nhà nước chỉ cần phát huy tốt vai trò “bà đỡ” chứ không thể làm thay DN”. Vấn đề quan trọng chính là DN cần thay đổi để thích nghi nếu không muốn bị loại bỏ, bởi hội nhập là cạnh tranh sòng phẳng và công bằng chứ không có chỗ cho bất cứ sự trông chờ, ỷ lại nào.