Mối quan hệ cộng sinh giữa ngân hàng - doanh nghiệp

Theo Lữ Ý Nhi/doanhnhansaigon.vn

Để nhiều doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay từ ngân hàng, vẫn cần sự nỗ lực từ nhiều phía.

Nhiều ngân hàng còn hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá thị trường, tài trợ vốn vay hộ kinh doanh. Nguồn: doanhnhansaigon.vn
Nhiều ngân hàng còn hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá thị trường, tài trợ vốn vay hộ kinh doanh. Nguồn: doanhnhansaigon.vn

Nhiều năm qua, trong khi ngân hàng đổ tiền vào trái phiếu, tín phiếu thay vì cho vay thì nhiều doanh nghiệp cần vốn để sản xuất, kinh doanh, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) lại không vay được vốn.

Con số 1,2 triệu tỷ đồng mà các doanh nghiệp được vay từ các ngân hàng thương mại trong 4 năm qua từ Chương trình Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố, được xem là con số đáng mừng khi cả doanh nghiệp và ngân hàng đều đã thay đổi nhận thức, cách làm để đến "gần hơn" với nhu cầu của nhau. Tuy nhiên, để nhiều doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay từ ngân hàng, vẫn cần sự nỗ lực từ nhiều phía.

Công bố mới đây của NHNN cho thấy, đến nay đã có 22.000 doanh nghiệp được vay vốn từ Chương trình Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp. Cụ thể, các ngân hàng đã cam kết cho doanh nghiệp vay gần 570.000 tỷ đồng và đã giải ngân hơn 550.000 tỷ đồng.

Lãi suất cho vay ngắn hạn từ 6 - 9%/năm, vay trung và dài hạn 8 - 10%/năm. Các ngân hàng còn áp dụng nhiều hình thức hỗ trợ như giảm lãi suất cho vay đối với những khoản vay cũ với tổng dư nợ gần 20.000 tỷ đồng.

Với các giải pháp tích cực từ NHNN, 9 tháng của năm 2017, tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng 12,16% so với cuối năm 2016, là mức tăng khá cao so với một số năm gần đây. Trong đó, tín dụng nông nghiệp, nông thôn tăng 17,6%, công nghiệp tăng 17,75%, xây dựng tăng 19%, thương mại và dịch vụ tăng 18,1%.

Dư nợ cho vay đối với DNNVV đến cuối tháng 8 chiếm 21% dư nợ nền kinh tế. Tăng trưởng tín dụng đã hỗ trợ GDP 9 tháng tăng 6,41%, cao hơn nhiều so với mức tăng 5,99% cùng kỳ 2016. Đặc biệt, các ngân hàng đã gia hạn nợ, cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ, nâng hạn mức tín dụng, giảm lãi suất các khoản vay cũ của khách hàng với dư nợ khoảng 88.000 tỷ đồng, giúp cho hàng chục ngàn doanh nghiệp có cơ hội sản xuất, kinh doanh.

Chuyên gia tài chính - TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận xét: "Vốn đối với doanh nghiệp là việc sống còn, 80% vốn của nền kinh tế dựa vào vốn vay ngân hàng và 80% sức sống của ngân hàng dựa vào cho vay, trong đó chủ yếu là cho vay doanh nghiệp. Do đó, giữa ngân hàng và doanh nghiệp là mối quan hệ cộng sinh, là quyền lợi của cả đôi bên".

Phó chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam - TS. Trần Du Lịch cho rằng, đã tới lúc các ngân hàng đặt niềm tin nhiều hơn vào doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp khó khăn, vay được vốn ngân hàng đều tập trung làm ăn, trả nợ sòng phẳng. Đã qua cái thời "nhìn mặt" cho vay và không phải cứ tập đoàn, công ty lớn vay vốn ngân hàng thì sẽ sử dụng hiệu quả.

Những năm gần đây, hầu hết các ngân hàng đã đồng hành, gắn kết với doanh nghiệp. Ông Trần Việt Anh - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn chia sẻ: "Mươi năm trước, doanh nghiệp vừa và lớn rất khó kết nối với ngân hàng nên việc "quan hệ" được xem là mục tiêu đầu tiên nếu muốn có tiền kinh doanh. Đây cũng là thời kỳ mà doanh nghiệp nào có được mối quan hệ tốt với ngân hàng sẽ được tạo điều kiện vay vốn nên đầu tư tràn lan, không tập trung vào năng lực cốt lõi, cộng với suy thoái của nền kinh tế khiến nhiều doanh nghiệp phải "ra đi", để lại những khoản nợ xấu rất lớn. Đó cũng là giai đoạn khó khăn nhất của các DNNVV. Khi NHNN đưa ra Chương trình Kết nối ngân hàng – doanh nghiệp thì ngân hàng dần trở thành người đồng hành cùng doanh nghiệp. Tư duy mới đã hình thành, doanh nghiệp xem ngân hàng cũng là doanh nghiệp và chính ngân hàng là nơi giúp doanh nghiệp có thêm kiến thức về tài chính, về ứng dụng công nghệ số, giúp doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian, chi phí, yên tâm tập trung vào sản xuất, kinh doanh".

Ông Trần Ngọc Dũng - TGĐ Công ty CP Dược phẩm An Thiên thừa nhận: "Năm 2016, Thiên An kinh doanh rất hiệu quả, không những đã sản xuất được nhiều loại thuốc tốt thay thế thuốc nhập khẩu mà còn xuất sang 2 thị trường nước ngoài, xây dựng được nhà máy hiện đại với vốn đầu tư 440 tỷ đồng. Kết quả này là nhờ Thiên An được vay 220 tỷ đồng từ ngân hàng và chương trình hỗ trợ kích cầu của UBND TP.HCM".

Tương tự, Công ty Cổ phần Thương mại - Cơ khí Tân Thanh từng gặp khó khăn về vốn nhưng khi tiếp cận Chương trình Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp đã được ngân hàng cho vay vốn để phát triển sản xuất. Nhờ nguồn vốn đến kịp thời, Công ty đã phát triển tốt.

Ông Vương Đạo Cương - TGĐ Công ty TNHH MTV Thương mại - Xây dựng Điện Khánh Lộc cho biết, ngoài lãi suất thấp, thủ tục nhanh gọn, các ngân hàng hiện nay đã chú trọng đến phương án sản xuất, kinh doanh khả thi của doanh nghiệp. Nhờ thế, những năm qua, Khánh Lộc đã kịp thực hiện nhiều dự án mang lại hiệu quả kinh doanh tốt.

Bà Bùi Thị Thu - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty cổ phần Phong Phú khẳng định: "Các ngân hàng đã đáp ứng được nhu cầu vốn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Đặc biệt, nếu doanh nghiệp không có tài sản thế chấp thì ngân hàng dựa vào khả năng hoàn vốn của phương án sản xuất, kinh doanh để cho vay tín chấp".

Không chỉ doanh nghiệp được lợi, các ngân hàng cũng phát triển kinh doanh khi đồng hành cùng doanh nghiệp. Đơn cử, chỉ trong 4 năm đi cùng doanh nghiệp, doanh số cho vay của VietinBank đạt 310.842 tỷ đồng với gần 2.500 khách hàng. Ông Nguyễn Hoàng Dũng - Phó TGĐ ViettinBank cho biết: "Năm nay, VietinBank tham gia Chương trình Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp tối thiểu là 120.000 tỷ đồng".

Theo đại diện Sacombank, năm 2017 Sacombank đã dành gần 17.000 tỷ đồng để cho các doanh nghiệp vay ưu đãi với lãi suất ngắn hạn giảm từ 3 - 4% và lãi suất trung, dài hạn giảm từ 2 - 3% so với mặt bằng lãi suất trên thị trường. Tỷ lệ thuận với số vốn cho vay, Sacombank cũng đạt hiệu quả kinh doanh khá.

Nhiều ngân hàng còn hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá thị trường, tài trợ vốn vay hộ kinh doanh.