Một số giải pháp phát triển cho doanh nghiệp nội địa

Theo ncseif.gov.vn

(Tài chính) Thực tế cho thấy, các nhà bán lẻ Việt Nam đang mất dần lợi thế của mình. Vì vậy, theo nhiều chuyên gia, cần có nhiều giải pháp đồng bộ từ phía Nhà nước và cả các doanh nghiệp (DN).

Một số giải pháp phát triển cho doanh nghiệp nội địa
DN bán lẻ Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ thu hẹp thị phần khi ngày càng có nhiều nhà đầu tư nước ngoài có mặt tại Việt Nam. Nguồn: internet
Cạnh tranh khốc liệt

Mặc dù có nhiều cơ hội và lợi thế, nhưng nếu không có chiến lược cụ thể và không có chính sách hỗ trợ, DN bán lẻ Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ thu hẹp thị phần, khi ngày càng có nhiều nhà đầu tư nước ngoài có mặt tại Việt Nam.       

Theo lộ trình của Bộ Công  thương, năm 2015, thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ mở cửa hoàn toàn. Đến năm 2020, cả nước sẽ có khoảng 1.200-1.300 siêu thị, 180 trung tâm thương mại. Hiện nay, hầu hết các thương hiệu của các tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới đã có mặt tại Việt Nam.

Việc các nhà bán lẻ thế giới vào Việt Nam là một điều tích cực bởi họ đã tạo ra cơ hội để người tiêu dùng Việt Nam được thụ hưởng những dịch vụ hiện đại, văn minh của thế giới. Tuy nhiên điều đó cũng đặt ra những thách thức cạnh tranh không nhỏ cho các DN nội địa.

Ông Trần Nguyên Năm - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết, tính đến cuối năm 2012 thị trường Việt Nam có khoảng 120 trung tâm thương mại (các tập đoàn nước ngoài chiếm 25%) và 700 siêu thị (tập đoàn nước ngoài chiếm 40%). Các nhà phân phối, tập đoàn nước ngoài có mặt ở Việt Nam tương đối mạnh bởi vì các tập đoàn này đã hình thành hàng chục năm, thậm chí có tập đoàn hình thành gần trăm năm.

Do vậy, tiềm lực tài chính, nguồn lực con người rất tốt. Trong khi đó với các DN bán lẻ trong nước tiềm lực về vốn cũng như con người còn có những hạn chế. Điều này cho thấy, tương quan lực lượng giữa DN trong nước và DN nước ngoài trong lĩnh vực bán lẻ là tương đối cao.

“DN Việt Nam muốn vươn lên trước hết cần học hỏi kinh nghiệm của các nhà bán lẻ thế giới về quản lý, chuyên môn, văn hóa ứng xử bán hàng”, ông Năm nói.

Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, bà Đinh Thị Mỹ Loan cho rằng, hiện thị phần của các nhà bán lẻ trong nước vẫn đang áp đảo và chiếm đa số với nhiều cơ hội phát triển. Vì thế, không nên quá bi quan với các nhận định thị trường bị mất vào tay DN bán lẻ nước ngoài.

Điều bà Loan lo ngại, chính là việc dù nói DN nội và ngoại được ưu đãi như nhau nhưng thực tế DN ngoại vẫn đang được ưu ái hơn DN nội. Đơn cử như về mặt bằng, các DN nội phải chờ đợi rất lâu để xin nhưng không được giải quyết. Trong khi đó, chỉ cần một thời gian không lâu sau đó, những vị trí kinh doanh “vàng” được DN trong nước nhắm đến lại nhanh chóng “rơi” vào các tay DN ngoại.

Giải pháp nào cho DN nội?

Giải quyết mặt bằng bán lẻ:

Bà Đinh Thị Mỹ Loan cho rằng, nguyên nhân các DN bán lẻ nội kém sức cạnh tranh chủ yếu là do các DN còn nhiều hạn chế; thiếu mặt bằng logictis, kho bãi, điểm bán hàng và thiếu cơ chế hỗ trợ của nhà nước.

Chỉ tính riêng chi phí mặt bằng kinh doanh đã chiếm từ 30-40% vốn đầu tư của DN. Trong khi đó, các DN bán lẻ ngoại lại có thế mạnh về vốn, tài chính, thương hiệu, mạng lưới, kỹ năng, con người... Do đó, bà Loan cho rằng, DN nội cần có chiến lược kinh doanh hợp lý, đào tạo nhân lực, đẩy mạnh liên kết giữa nhà sản xuất – phân phối – bán lẻ để có mức giá hấp dẫn…đồng thời rất cần cơ chế, chính sách của nhà nước hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho DN bán lẻ trong nước mở rộng thị phần.

“Một trong những điểm nâng cao cạnh tranh cho DN bán lẻ nội chính là phải giải quyết được mặt bằng bán lẻ. Chúng tôi kiến nghị, Nhà nước cần ban hành chính sách ưu đãi giao, cho thuê đất để phục vụ bán lẻ. Đối với hai đô thị lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, ở các công trình công cộng đề nghị cho các DN bán lẻ Việt Nam tham gia sử dụng có hiệu quả quỹ mặt bằng ở các tuyến Metro, điểm bán lẻ dưới lòng đất để phát triển trong bối cảnh hết sức khó khăn này”, bà Loan bày tỏ.

Chiến lược phát triển phù hợp với nội lực DN:


Theo TS. Nguyễn Ngọc Hòa, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; Chủ tịch Hội đồng quản trị Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) thì yếu tố quan trọng nhất vẫn là nội lực của DN. Mỗi DN phải chọn cho mình một chiến lược với những giải pháp  phù hợp, căn cứ vào mục tiêu, tôn chỉ riêng.

“Hợp tác với nước ngoài hay không, nếu có thì hợp tác trong lĩnh vực nào và đến đâu? Phải nói thẳng là các tập đoàn bán lẻ trên thế giới với quy mô về vốn liếng, tiềm năng về công nghệ và kinh nghiệm thương trường dạn dày hàng chục, hàng trăm năm luôn luôn có nhiều lợi thế hơn và sẵn sàng nuốt chửng “ông bạn đường” nhỏ bé, nếu mình không đủ sức song hành với họ trong một chặng đường dài. Tóm lại phải lượng sức mà hoạch định chiến lược đề kháng; đặc biệt là phải khéo léo chọn bạn mà chơi!”, ông Hòa phân tích.

Ông Hòa cũng đưa ra minh chứng từ chính hoạt động của Co.opmart: Co.opmart cũng có đối tác nước ngoài. Chúng tôi lựa chọn hợp tác trong lĩnh vực kinh doanh đại siêu thị bởi vì đại siêu thị là mô hình kinh doanh quy mô rất lớn, cần có nguồn vốn dồi dào, đối tác giàu kinh nghiệm, nắm vững công nghệ bán lẻ hiện đại.

Thứ hai, chúng tôi đã cân nhắc kỹ và lựa chọn đối tác là Tập đoàn NTUC FairPrice (Singapore), một hợp tác xã kinh doanh bán lẻ số 1 của Singapore. Tôn chỉ và quan điểm kinh doanh của các tổ chức hợp tác xã khác hẳn so với các tập đoàn tư bản khác; do cùng là hợp tác xã, FairPrice và Co.opMart sẽ dễ dàng tìm được tiếng nói chung hơn.

Cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng, chúng tôi đã cân nhắc rất kỹ về tỷ lệ vốn góp. Saigon Co.op nắm giữ 64% vốn, dù đối tác sẵn sàng góp nhiều hơn, nhưng chúng tôi khống chế tỷ lệ ở mức đó và ràng buộc ngay từ đầu trong hợp đồng liên doanh là chúng tôi luôn luôn phải nắm cổ phần chi phối trong mọi trường hợp.

Đó là hướng đi của chúng tôi, có thể chưa phải tối ưu đối với các DN khác. Nhưng nếu không muốn bị thôn tính, tôi vẫn muốn nhấn mạnh một lần nữa yêu cầu cực kỳ quan trọng là lựa chọn đối tác. Đi với một người khổng lồ cũng có cái hay, nhưng có cái cần phải cẩn trọng, lường trước các tình huống xảy ra với mình.

Chính sách phải là người dẫn đường:

Mặc dù tốc độ phát triển của ngành bán lẻ tại Việt Nam có phần chựng lại do kinh tế khó khăn, người dân tiếp tục “thắt lưng, buộc bụng”, thế nhưng tốc độ đầu tư phát triển mạng lưới của các thành phần DN vẫn không giảm. Bà Nguyễn Thị Tranh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Saigon Co.op, cho biết đây là thời điểm vàng để các DN tập trung đầu tư chiếm lĩnh thị trường.

Nếu các DN có sự liên kết chặt chẽ theo cách, người có mặt bằng, người có vốn và người có kinh nghiệm bán lẻ thì chắc chắn DN trong nước sẽ xây dựng được hệ thống bán lẻ thuần Việt, đủ sức cạnh tranh với bất cứ đối thủ nào.

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, các DN đang đối mặt với quá nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là về mặt bằng và vốn. Giá đất của Việt Nam vẫn đang đứng ở mức rất cao, nhưng khi đầu tư lại vướng bởi các nghị định như Nghị định 121 và một số nghị định khác như đầu tư trung tâm thương mại nhưng chính sách giao đất và trả tiền một lần sẽ không khuyến khích các DN mạnh dạn đầu tư. Trong bối cảnh DN ít vốn, nếu phải trả tiền một lần, sẽ không còn đủ sức để đầu tư cho phần cứng, còn nếu làm sẽ không hiệu quả.

Hơn lúc nào, các DN rất cần nhà nước hỗ trợ bằng những việc làm cụ thể, thiết thực về chính sách thuê đất, giá thuê đất; hỗ trợ đào tạo đội ngũ quản lý và kỹ năng bán hàng, phát triển hệ thống logistic; hỗ trợ xây dựng thương hiệu; hỗ trợ ứng dụng các phương pháp quản lý hiện đại; hỗ trợ thông tin thị trường, nguồn hàng; hỗ trợ tư vấn pháp lý trong việc liên kết nhà sản xuất - nhà phân phối... Nói cách khác, để tạo điều kiện cho các DN lớn mạnh, thì chính sách phải là người dẫn đường, còn nếu để DN tự bơi họ sẽ đuối sức!

Là DN đầu tư xây dựng siêu thị đầu tiên của cả nước, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa day dứt: “Trong tình hình hiện nay, điều tôi mong mỏi là người Việt Nam nên bảo vệ DN Việt. Có nhiều cách để đoàn kết và bảo vệ DN Việt Nam. Thứ nhất, là người Việt Nam nên ủng hộ mua hàng ở những siêu thị của Việt Nam. Thứ hai, các DN phải liên kết để có tiếng nói chung chứ không nên “mạnh ai nấy làm” như hiện nay. Phải có kế hoạch phát triển lâu dài, bền vững mới có thể đương đầu và thắng được các đối thủ nước ngoài”.

Hệ thống phân phối không chỉ tác động mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất, đến kinh tế, đảm bảo công tác cung - cầu hàng hóa, ổn định giá cả thị trường mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người tiêu dùng Việt Nam. Do vậy, phát triển hệ thống phân phối không chỉ là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của các DN mà cả xã hội phải cùng vào cuộc.