Một số vấn đề tài chính của các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam

NCS. Mai Thị Diệu Hằng

Hiện nay, tỷ suất sinh lời của các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam khá thấp so với một số ngành khác, điều này có đồng nghĩa với việc kinh doanh thiếu ổn định? Vì sao doanh thu tăng nhưng lợi nhuận lại biến động giảm? Để giải đáp các câu hỏi này, bài viết nghiên cứu kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp thủy sản trong giai đoạn từ 2012-2016 qua việc phân tích các tình huống thực tế phát sinh tại một số doanh nghiệp điển hình và đưa ra một số khuyến nghị tới các doanh nghiệp.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Dữ liệu và phương pháp nghiên cứu

Bài viết sử dụng bộ số liệu về tình hình tài chính của 54 doanh nghiệp thủy sản (DNTS) điển hình ở Việt Nam (trong đó có 17 DN niêm yết trên thị trường chứng khoán), tính từ năm 2012 đến cuối năm 2016 làm cơ cở dữ liệu chính.

Trên cơ sở tính toán các chỉ tiêu cần thiết phản ánh kết quả sản xuất kinh doanh, bài viết so sánh tình hình chung của DNTS với DN của ngành khác để đánh giá khách quan hơn, từ đó, tìm ra lý do vì sao các DN có kết quả giảm sút.

Phương pháp nghiên cứu được sử dụng là thống kê mô tả, nghiên cứu Case study tìm dẫn chứng thực tế, phân tích, so sánh đánh giá để chỉ ra vì sao các DN có hoạt động sản xuất kinh doanh nhiều biến động.

Một số vấn đề tài chính của các doanh nghiệp thủy sản ở Việt Nam

Trong những năm qua, doanh thu của các DNTS liên tục tăng ở nước ta. Đây là tín hiệu cho thấy, sản phẩm của các DN được các thị trường đón nhận và khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và nước ngoài của các DN có xu hướng tốt dần lên.

 Tuy nhiên, lợi nhuận thuần sau thuế của các DNTS lại có dấu hiệu giảm dần. Riêng năm 2014, lợi nhuận tăng cao nhất so với 5 năm. Thực tế đây là năm xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt được nhiều thành công.

Các DN gặp nhiều thuận lợi trong hoạt động kinh doanh trên thị trường quốc tế. Đến năm 2015, lợi nhuận lại sụt giảm mạnh trong khi doanh thu có tăng. Năm 2016, doanh thu và lợi nhuận bắt đầu có dấu hiệu tăng trở lại tuy vẫn còn thấp (Bảng 1). Năm 2016, lợi nhuận chỉ còn khoảng 67,7% so với năm 2012, 32% so với năm 2014.

Tổng tài sản của các DN không ngừng tăng lên trong các năm, thể hiện ở việc các DN tích cực đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh cả chiều rộng và chiều sâu. Tổng tài sản năm 2016 tăng 45,6% so với năm 2012. Việc gia tăng tài sản chủ yếu là tài sản ngắn hạn, năm 2016 tăng 54% so với 2012. Điều này cho thấy, DN vẫn đang đầu tư ngắn hạn nhiều, thiếu những đầu tư dài hạn theo chiều sâu.

Sự gia tăng tài sản được tài trợ bằng việc gia tăng các khoản nợ phải trả vì tốc độ gia tăng nợ vay nhanh và liên tục qua các năm (Bảng 3). Trong khi DN thuộc hai ngành còn lại có tỷ lệ nợ vay khá ổn định. Điều này chỉ ra rằng, các DN đang sử dụng đòn bẩy tài chính với độ bẩy có xu hướng tăng. Tăng vay nợ để tài trợ nhu cầu vốn hình thành tài sản, đáp ứng gia tăng doanh thu là một quyết định tài chính cơ bản và phù hợp.

Một số vấn đề tài chính của các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam - Ảnh 1Tuy nhiên, tỷ lệ vay nợ tăng nhanh liên tục là điều đáng lo ngại. Nhất là khi lợi nhuận của các DN thủy sản đi xuống. Tăng vay nợ làm gánh nặng trả lãi vay tăng, chi phí tăng. Việc này sẽ tạo ra nhiều rủi ro tài chính của các DN.

Như vậy, kết quả kinh doanh với khả năng sinh lời của các DNTS là chưa tương xứng với tiềm năng. Tác giả sử dụng phương pháp phân tích Dupont (Bảng 2) để phân tích vấn đề này. Theo đó, vòng quay tài sản tương đối ổn định và không tác động nhiều đến sự biến động không ngừng của tỷ suất lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE) tại các DNTS trong mẫu nghiên cứu.

Sự thiếu ổn định của ROE đến từ biến động của tỷ suất lợi nhuận doanh thu (ROS) và việc dùng đòn bẩy tài chính tại các DN. Năm 2014, khi ROS đạt trên 3% thì ROE đạt trên 15%. Như vậy, khả năng sinh lời của các DN phụ thuộc rất lớn vào khả năng tạo ra lợi nhuận biên. Năm 2015 và 2016, lợi nhuận biên xuống thấp còn 1/3 so với năm 2014 khiến ROE cũng giảm rất nhanh từ trên 17% xuống 5%.

Điều này lý giải, việc ROE chịu ảnh hưởng lớn của khả năng tạo lợi nhuận, chứ đòn bẩy tài chính không có ảnh hưởng tích cực đến ROE nhiều. Minh chứng cho việc này là các năm (1/1-Hn) cũng tương đối ổn định trên 3 nhưng ROE lên xuống bất thường. Lợi nhuận biên của các DN năm 2015 xuống thấp được lý giải rõ hơn ở phần phân tích về chi phí của các DN ở phần sau.

Doanh thu năm 2015, 2016 tăng, trong khi đó lợi nhuận giảm sâu. Như vậy, vấn đề chi phí của các DN là yếu tố quyết định đến ROE và hiệu quả tài chính của các DN. Quản trị chi phí hiệu quả là một bài toán khó đối với tất cả các DN nói chung và DNTS nói riêng.

So sánh hiệu quả kinh doanh của ngành Thủy sản với một số ngành khác cho thấy: Mặc dù, quy mô của các DNTS có xu hướng tăng, doanh thu cũng gia tăng, nhưng khả năng sinh lời của Ngành lại thấp và biến động mạnh.

Chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu ROE ngành Thực phẩm là 17% đến 27%, ROE nhóm ngành sản xuất - kinh doanh là 6% đến 13%. Hình 1 cho thấy, tương quan về ROE giữa ngành Thủy sản và các ngành thực phẩm chế biến hay ngành sản xuất kinh doanh.

 Xét ở góc độ tổng thể, 2015 là năm các DNTS gặp không ít khó khăn. Trước đó, năm 2014, xuất khẩu Thủy sản của Việt Nam đạt 7,6 tỷ USD, tuy nhiên năm 2015 chỉ đạt 6,7 tỷ USD, giảm 14,5% so với năm trước; Năm 2016 tình hình có khả quan hơn thể hiện qua tăng doanh thu.

Số liệu cho thấy, chi phí của các DN tăng dần theo từng năm; khi doanh thu tăng thì chi phí cũng tăng theo do sự gia tăng sản lượng tiêu thụ. Tuy vậy, có một số điểm đáng chú ý sau:

Một số vấn đề tài chính của các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam - Ảnh 2

Thứ nhất, giá vốn bán hàng có tốc độ tăng nhanh hơn tốc độ tăng doanh thu. Giá vốn tăng nhanh do chi phí sản xuất tăng lên: Năm 2015 giá điện, giá xăng dầu đều tăng, chi lương tăng, giá nguyên liệu đầu vào tăng.

2015 là năm giá nguyên vật liệu cho chế biến thủy sản tăng, vì thương nhân Trung Quốc vào mua nhiều cá từ các hộ nuôi trồng ở Việt Nam. Các DN không có ký kết từ trước với nông hộ đều khó khăn khi muốn mua đủ nguyên liệu…

Thứ hai, năm 2015 chi phí tài chính tăng cao so với năm 2014. Trong khi lãi suất ngân hàng ổn định, các DN đã sử dụng nhiều nợ vay hơn. Chi phí tài chính cao ảnh hưởng trực tiếp tới lợi nhuận của các DN. Sự phụ thuộc nhiều vào vay tín dụng ngân hàng cho thấy các kênh huy động vốn còn hạn chế.

Như vậy, nhu cầu về một số nhà đầu tư chuyên nghiệp trên thị trường tài chính để nhiều DN Việt Nam thực hiện được đa dạng hóa hình thức huy động vốn. Năm 2016 các DN đã giảm được chi phí tài chính khá nhiều, tỷ lệ nợ vay cũng giảm. Đây là tín hiệu tốt trong quản lý tài chính của DN.

Thứ ba, chi phí quản lý DN tăng. Năm 2016, chi phí quản lý DN tăng 73,5 % so với năm 2012. Với tốc độ tăng như vậy, DN phải chi nhiều hơn cho các khoản mang tính chất quản lý. Có thể lý giải khi bối cảnh kinh tế hội nhập mạnh mẽ, các DN cần đổi mới công nghệ quản lý, chi nhiều cho việc nhận được các chứng nhận về chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu từ thị trường.

Việc đổi mới công nghệ quản lý, nâng cao năng suất lao động của lao động cũng là những việc làm mà các DNTS quy mô vừa và nhỏ hướng đến để tiết kiệm chi phí, gia tăng lợi nhuận. Việc hoàn thiện quy trình sản xuất kinh doanh nhận các chứng nhận là cần thiết để sản phẩm đủ điều kiện cạnh tranh trên thị trường. Vì vậy, việc gia tăng các khoản chi là cần thiết.

Có thể nhận định, hiệu quả tài chính của các DNTS chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi cả yếu tố chủ quan như việc sử dụng đòn bẩy tài chính của các DN, vấn đề chi phí nguyên vật liệu đầu vào, chi phí đầu tư cho khoa học công nghệ để đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng, chi cho đổi mới công tác quản lý...

Ngoài ra, có nhiều yếu tố khách quan ảnh hưởng đến gia tăng chi phí làm giảm lợi nhuận như: Giá cả điện, xăng dầu, lãi suất cho vay trên thị trường. Điều này ảnh hưởng lớn đến chỉ tiêu ROS, qua đó ảnh hưởng đến ROE.

Như vậy, lợi nhuận thấp không phải là vấn đề đáng lo ngại. Tuy nhiên, khả năng sinh lời thấp đi với nhiều rủi ro kinh doanh từ khách quan khiến các DN trong ngành Thủy sản khó thu hút lượng lớn vốn đầu tư từ khu vực tư nhân.

Trong khi đó, thực hiện vay vốn quá nhiều sẽ đẩy chi phí sản xuất kinh doanh của các DN lên cao, việc chưa đổi mới triệt để trong nội bộ các DN, khiến mục tiêu hiệu quả tài chính khó đạt được như mong muốn. 

Một số khuyến nghị

Từ kết quả nghiên cứu trên cho thấy, cần triển khai nhiều biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các DN trong ngành Thủy sản, cụ thể như:

Thứ nhất, cần duy trì và nâng cao trách nhiệm của DN trước khách hàng, nhà cung cấp, nhà đầu tư để giữ vững uy tín, nhằm duy trì và tăng doanh thu. Trên cơ sở ổn định doanh thu, các vấn đề liên quan đến vấn đề dòng tiền cho hoạt động kinh doanh, vấn đề hiệu quả sử dụng và đầu tư tài sản sẽ được giải quyết ổn thỏa hơn.

Thứ hai, DN cần phân tích kỹ hơn vấn đề chi phí sản xuất kinh doanh để tìm ra phương án giảm chi phí để gia tăng lợi nhuận. Giá vốn chiếm tỷ lệ cao và tốc độ tăng cho thấy, các DN còn bị động và phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố đầu vào; năng suất lao động cũng chưa được cải thiện nhiều.

Điều này đòi hỏi các DN phải đổi mới hoạt động sản xuất kinh doanh, áp dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất lao động, chủ động nguồn nguyên liệu, liên kết chặt chẽ giữa các khâu sản xuất kinh doanh, giảm hao hụt nguyên liệu, tiết kiệm năng lượng, chế biến, bảo quản, vận chuyển, logicstic.

Bên cạnh đó, cần giảm chi phí tài chính, cân nhắc và thận trọng với các khoản vay tín dụng để đảm bảo chi phí thấp, hiệu quả kinh doanh cao.

Thứ ba, các cơ quan hữu quan nên có các chính sách hỗ trợ có hiệu quả hơn nữa cho các DN trên các khía cạnh như thực thi pháp luật, bảo vệ DN trước những biến động khó khăn của thị trường; duy trì ổn định tỷ giá, thúc đẩy mở rộng quan hệ thương mại quốc tế; phát triển chuỗi giá trị thủy sản từ khâu nuôi trồng, khai thác, chế biến, tím kiếm thị trường, xuất khẩu...          

Tài liệu tham khảo:

1. Báo cáo đánh giá tác động của TPP và AEC lên nền kinh tế Việt Nam: Kinh tế vĩ mô và trường hợp ngành chăn nuôi (2015), Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách - Đại học Kinh tế (Đại học quốc gia Hà Nội);

2. Vũ Văn Vần, Vũ Văn Ninh, Tài chính DN, NXB Tài chính 2013;

3. Nguyễn Hữu Sở (2009), Phát triển kinh tế bền vững ở Việt Nam, Luận án tiến sỹ;

4. Ngô Thị Hoài Nam, Kế toán chi phí môi trường tại các DN chế biến thủy sản Việt Nam, Luận án tiến sỹ 2017;

5. Số liệu trên trang của Công ty cổ phần chứng khoán Sài Gòn SSI, Các trang cophieu68.vn; Website Hiệp hội thủy sản Việt Nam Vasep, Tổng cục Thủy sản Việt Nam; Website của các Công ty cổ phần Việt An, Công ty cổ phần Hùng Vương.