MTA Hanoi 2017: Hội tụ nhiều “ông lớn” trong ngành công nghiệp

PV.

Từ ngày 11-13/10/2017, chuỗi triển triển lãm quốc tế về máy công cụ, cơ khí chính xác và gia công kim loại sẽ diễn ra tại Hà Nội với tên gọi là MTA Hanoi 2017. Sự kiện lần này sẽ quy tụ nhiều doanh nghiệp quốc tế tham dự và trưng bày nhiều giải pháp công nghệ lần đầu tiên ra mắt tại Việt Nam.

Trải qua nhiều lần tổ chức, MTA HANOI đã luôn sát cánh và đồng hành cùng với sự phát triển của ngành công nghiệp sản xuất tại Việt Nam. Cụ thể, kể từ lần tổ chức đầu tiên vào năm 2010 đến nay, MTA HANOI đã nhận được sự quan tâm và ủng hộ không ngừng của các nhà sản xuất, doanh nghiệp và tổ chức trong nước và quốc tế. Số lượng doanh nghiệp tham gia vào triển lãm tăng đều qua các năm.

Đến với triển lãm MTA HANOI2017 lần này khách tham quan sẽ có cơ hội được trực tiếp gặp gỡ và giao lưu với các “ông lớn” trong Ngành như: Big Daishowa, Beijing Jingdiao, Carl Zeiss, Dine, Doosan Infracore, Fischer Instrumentation, Makino, Marposs, Mitsubishi Electric, Mitutoyo, Nikon, NT Tool, Optical Gaging, Renishaw, Sandvik, Sodick, Sumitomo…

Không kém cạnh các đơn vị quốc tế, những đại diện đến từ Việt Nam cũng là một điểm sáng tại triển lãm năm nay. Nhiều thương hiệu uy tín trong nước như Cybertech, Tinh Hà, Bibus, Vạn Sự Lợi, CAD/CAM cũng sẽ góp mặt và mang đến khá nhiều sản phẩm và giải pháp công nghệ hiện đại được thiết kế dành riêng cho thị trường Việt Nam. 

Đồng hành cùng các hoạt động trưng bày tại sàn triển lãm là chuỗi các diễn đàn và tọa đàm chuyên ngành, tạo diễn đàn để các đối tác trao đổi, chia sẻ kỹ năng và kinh nghiệm thực tiễn, đồng thời giao lưu kết nối với cộng đồng.

Tham gia diễn đàn, đại biểu sẽ được cung cấp cái nhìn toàn diện và khách quan nhất về thực trạng phát triển ngành công nghiệp sản xuất tại Việt Nam.

Các tham luận trong diễn đàn chủ yếu xoay quanh hai trọng tâm chính: Cách mạng công nghiệp 4.0 và Bảo vệ sở hữu trí tuệ trong phát triển sản phẩm mới, dưới sự phối hợp tổ chức của Lean Six Sigma Network và Trung tâm Nghiên cứu Kỹ thuật Đa ngành (MESLAB).

Tham dự và trình bày tại hội thảo có TS. Nguyễn Việt Hải - Phó viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ VINASA; TS. Nguyễn Hữu Xuyên - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Sáng chế và Khai thác Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ; TS. Trần Anh Tuấn - Giảng viên Đại học Dongguk, Hàn Quốc; cùng nhiều đại diện lãnh đạo cấp cao và chuyên gia trong ngành khác.

Trong bối cảnh tăng trưởng toàn nền kinh tế đang đạt mức khả quan, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được cải thiện, cộng với lực lượng lao động trẻ dồi dào, Việt Nam đang có rất nhiều tiềm năng để trở thành trung tâm sản xuất mới của châu Á.
Rất nhiều doanh nghiệp và tập đoàn lớn trên thế giới đã đẩy mạnh xúc tiến đầu tư và thâm nhập vào thị trường Việt Nam, tiến hành cho thiết lập hàng loạt cơ sở kinh doanh sản xuất tại đây. Như vậy, ngành sản xuất cơ khí nước ta đang đứng trước nhiều cơ hội để phát triển, song không thể phủ nhận rằng vẫn còn tồn đọng nhiều khó khăn, bất cập mà toàn ngành cần phải đối mặt, điển hình là nguy cơ tụt hậu về khả năng cạnh tranh so với các doanh nghiệp quốc tế.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, phần lớn máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất là các thiết bị lẻ, thiếu đồng bộ và không được thường xuyên chuyển giao công nghệ mới. Do đó, để giữ vững năng lực cạnh tranh và để nâng cao chất lượng sản phẩm, hơn bao giờ hết, các doanh nghiệp cần phải chủ động tái cơ cấu mọi mặt, trong đó đầu tư đổi mới máy móc công nghệ là một điều thiết yếu.