Năm 2013: 24% doanh nghiệp nhỏ và vừa rời khỏi thị trường

Theo kinhtevadubao.com.vn

(Tài chính) Trong khuôn khổ hợp tác với trường Đại học Copenhagen, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương – Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa tổ chức buổi tọa đàm nhằm góp ý dự thảo báo cáo điều tra doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) năm 2013 và một số nghiên cứu chuyên sâu.

Năm 2013: 24% doanh nghiệp nhỏ và vừa rời khỏi thị trường
Mặc dù gần 90% DNNVV Việt Nam đã có sự chuyên môn hóa và đa dạng hóa sản phẩm của mình, nhưng năng suất lao động giảm, tỷ trọng đầu tư năm 2013 thấp hơn so với năm 2011. Nguồn: internet

Theo số liệu điều tra trong giai đoạn 2011-2013, ở 10 tỉnh, thành phố (TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Long An, Hà Tây (cũ), Quảng Nam, Phú Thọ, Nghệ An, Khánh Hòa và Lâm Đồng, có 356 DNNVV (14,4%) đóng cửa tạm thời; 24% thoát khỏi thị trường năm 2013, 19% thay đổi ngành nghề.

Mặc dù gần 90% DNNVV Việt Nam đã có sự chuyên môn hóa và đa dạng hóa sản phẩm của mình, nhưng năng suất lao động giảm, tỷ trọng đầu tư năm 2013 thấp hơn so với năm 2011. Thậm chí, 587 DN không có đầu tư nào trong suốt 4 năm.

Trong tuyển dụng lao động, giai đoạn 2011-2013 khó khăn hơn đối với những DN lớn hơn và ở vùng nông thôn.

Báo cáo cũng chỉ ra, ảnh hưởng của khủng hoảng còn trầm trọng hơn năm 2009 và năm 2011. Có đến 70% DN khẳng định, khủng hoảng toàn cầu còn có tác động tiêu cực đến điều kiện sản xuất kinh doanh. Chỉ có 8% DN trong cuộc điều tra năm 2013 tin rằng, khủng hoảng toàn cầu mang lại cơ hội

Mức độ cạnh tranh giữa các DN ngày càng gay gắt, nên tỷ lệ lao động  toàn thời gian giảm trong giai đoạn này, tăng sử dụng lao động thời vụ.

Trên cơ sở số liệu điều tra, một số gợi ý được nêu ra các DNNVV nên hướng vào một số thị trường ngách không có sức hút với các DN lớn hơn và tiên tiến hơn. Bên cạnh đó, DN có thể tìm kiếm tối thiểu hóa cạnh tranh và tránh những cú sốc cầu thông qua đa dạng hóa khách hàng.

Tuy nhiên, TS. Nguyễn Trọng Hiệu – Phó Cục trưởng Cục Phát triển DN – Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng: “Báo cáo cần làm rõ hơn về 37% DNNVV gặp khó khăn đang cân nhắc vay vốn, nhưng vì sao họ không vay được vốn? Thêm vào đó là nghiên cứu sâu hơn về chi phí bôi trơn của các DN”.

GS., TS. Nguyễn Mạnh Quân – Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển DN – Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội băn khoăn: “Mục tiêu nước ta có 1.000.000 DN hoạt động hiệu quả trong 10 năm tới rất khó thực hiện được, khi mà các DN, nhất là các DN quy mô vừa chịu tác động mạnh mẽ của thị trường”.