Năm 2013: Hàng loạt giải pháp tài chính hỗ trợ doanh nghiệp

Theo Báo Công Thương

Một loạt các giải pháp tài chính tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ thị trường năm 2013 đã được Bộ Tài chính đề xuất với Chính phủ.

Năm 2013: Hàng loạt giải pháp tài chính hỗ trợ doanh nghiệp
Năm 2013 sẽ có nhiều giải pháp tài chính hỗ trợ doanh nghiệp

Gia hạn và giảm thuế

Được xem là biện pháp kích cầu hiệu quả và gỡ khó thiết thực nhất cho doanh nghiệp và nền kinh tế trong năm 2013, chính sách thuế đã được Bộ Tài chính đề xuất với nhiều mức, gia hạn, giảm, hoàn thuế cho từng đối tượng doanh nghiệp cụ thể.

Đó là việc gia hạn 6 tháng thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp quý I và 3 tháng thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với số thuế phải nộp trong  quý  II và III/2013 cho các đối tượng doanh nghiệp vừa và nhỏ; doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động trong lĩnh vực sản xuất, gia công, chế biến: Nông sản, lâm sản, thủy sản, dệt may, da giày, linh kiện điện tử; xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội;  doanh nghiệp đầu tư - kinh doanh nhà ở được gia hạn đối với thu nhập từ hoạt động này.

Bộ Tài chính đề xuất giảm 30- 50% số thuế giá trị gia tăng đầu ra từ ngày 1/7/2013 - 30/6/2014 đối với hoạt động đầu tư - kinh doanh nhà ở xã hội, hoạt động đầu tư - kinh doanh nhà ở là căn hộ có diện tích sàn dưới 70m2 và có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2.
Bộ Tài chính cũng đề xuất gia hạn 6 tháng thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng của các tháng 1, 2 và 3/2013 đối với các doanh nghiệp đang thực hiện nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ.

Bên cạnh đó, thuế nhập khẩu các nguyên liệu, linh kiện, phụ tùng trong nước không có khả năng sản xuất nhằm giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp theo các cam kết lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế cũng được Bộ Tài chính đề xuất giảm.

Đi kèm với đó là việc điều chỉnh tăng thuế lên mức trần cam kết đối với các mặt hàng  trong nước sản xuất và có sản lượng sản xuất đáp ứng nhu cầu để khuyến khích sản xuất trong nước...

Có cơ chế bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ

Để các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận được vốn vay ngân hàng, Bộ Tài chính đã đề nghị sớm hoàn thiện cơ chế bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua hệ thống Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) và các quỹ bảo lãnh tín dụng của địa phương.

Cụ thể là sử dụng 250 tỷ đồng từ  Quỹ Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp để cấp bổ sung Quỹ Dự phòng bảo lãnh tại VDB; cân đối từ nguồn chi đầu tư phát triển trong một số năm tiếp theo để cấp vốn cho Quỹ Bảo lãnh tín dụng VDB, cũng như tăng cường nguồn lực tài chính cho các quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương. Đặc biệt, cơ quan này đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng cam kết góp vốn vào quỹ bảo lãnh tín dụng tại địa phương.

Bộ Tài chính đề nghị Chính phủ giao VDB cho các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn để mua thức ăn chăn nuôi thủy sản phục vụ xuất khẩu theo cơ chế vay vốn tín dụng xuất khẩu của nhà nước. VDB bổ sung tối đa 10.000 tỷ đồng cho chương trình tín dụng đầu tư kiên cố hóa kênh mương, phát triển đường giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng, nuôi trồng thủy sản và cơ sở hạ tầng làng nghề nông thôn ngoài số vốn 5.000 tỷ đồng hàng năm đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.