Nâng cao chất lượng thông tin qua báo cáo thường niên

Theo Tạp chí Chứng khoán số T8/2016

Theo ông Dominic Scriven - Chủ tịch Công ty Quản lý Quỹ Dragon Capital Group, một báo cáo thường niên sẽ giúp doanh nghiệp có nhiều cơ hội để tiếp cận và thu hút được những nguồn vốn mới dài hạn, với điều kiện doanh nghiệp xem báo cáo thường niên như là một cơ hội để chia sẻ và trao đổi với các nhà đầu tư, đồng thời là công cụ để giải trình sâu hơn các thông tin về tình hình quản trị, quản lý rủi ro và đặc biệt là doanh nghiệp đang tích hợp các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị vào trong quá trình sản xuất và quyết định kinh doanh như thế nào nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực đến con người và hệ sinh thái.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Xin ông cho biết BCTN, nhất là báo cáo PTBV, có vai trò như thế nào đối với thị trường chứng khoán nói chung cũng như nhà đầu tư nói riêng?

Các cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới gần đây và hậu quả xã hội của nó đã phần nào làm xói mòn niềm tin của nhà đầu tư và các bên có liên quan. PTBV đã và đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia và các nhà đầu tư có tổ chức.

Báo cáo PTBV đã và đang được tích hợp trong báo cáo thường niên (BCTN) là một xu hướng tất yếu có vai trò quan trọng trong việc nâng cao tính minh bạch của

thị trường chứng khoán (TTCK), đáp ứng mong đợi và tạo dựng niềm tin của nhà đầu tư đối với doanh nghiệp. Thiếu các thông tin phi tài chính ESG (environmental, social and governance - môi trường, xã hội và quản trị) có thể dẫn tới mất cơ hội thu hút nguồn vốn từ những nhà đầu tư có chuẩn mực cao về trách nhiệm xã hội và môi trường.

Trong Báo thường niên 2015 của tổ chức PRI (Principles for Responsible Investment - Nguyên tắc về đầu tư có trách nhiệm) mà chúng tôi tham gia như một thành viên tự nguyện cho thấy, tổng tài sản của hơn 1.400 tổ chức bao gồm ngân hàng và các định chế đầu tư tài chính đến từ hơn 50 quốc gia có giá trị khoảng 59 nghìn tỷ đô la Mỹ (USD), tương đương với 80% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu trong năm 2015.

Đây là con số không nhỏ, các tổ chức đầu tư tài chính này là những tổ chức cam kết đầu tư có trách nhiệm, họ sẽ tìm hiểu và đánh giá cách thức doanh nghiệp quản lý, tích hợp các yếu tố ESG trong hoạt động kinh doanh như thế nào trước khi quyết định đầu tư.

Theo số liệu báo cáo năm 2014 của “The Global Sustainable Investment Association” (GSIA – Hiệp hội Đầu tư Bền vững Toàn cầu), tổng tài sản quản lý dành cho tiêu chí đầu tư bền vững của toàn cầu cũng đã mở rộng đáng kể, số tài sản này đã tăng từ 13,3 nghìn tỷ USD từ đầu năm 2012 và đạt đến 21,4 nghìn tỷ USD trong đầu năm 2014.

Trong vòng 02 năm, những khu vực phát triển mạnh nhất là Mỹ, theo sau đó là Canada và châu Âu, chiếm gần 99% tài sản đầu tư bền vững của toàn cầu. Mặc dù chưa có số liệu cập nhật mới nhất từ GSIA nhưng chúng tôi tin chắc rằng, tài sản dành cho đầu tư với các tiêu chí phát triển bền vững đang tiếp tục tăng nhanh như một xu hướng tất yếu.

Như vậy, để TTCK và doanh nghiệp Việt Nam có thể cạnh tranh và thu hút được những nguồn vốn dài hạn trên từ nhà đầu tư, chúng ta cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa mức độ minh bạch hóa và chất lượng thông tin của thị trường, mà cụ thể là chất lượng thông tin của doanh nghiệp niêm yết thông qua BCTN.

Điều này sẽ góp phần cải thiện hình ảnh, uy tín, nâng cao tính cạnh tranh của các doanh nghiệp, và trên bình diện quốc gia giúp cải thiện mức xếp hạng thị trường vốn của Việt Nam với khu vực.

Được biết, BCTN năm 2016 có nhiều quy định khắt khe hơn các năm trước nhằm phù hợp với những quy định mới tại Thông tư 155, Luật Doanh nghiệp 2014… Ông đánh giá như thế nào về sự nỗ lực của doanh nghiệp trong việc nâng cao chất lượng BCTN năm 2016?

Quy định công bố thông tin về môi trường và xã hội trong Thông tư 1551 đánh dấu một bước tiến rất quan trọng của Việt Nam trong cam kết hướng đến một thị trường tài chính bền vững, đây cũng chính là thông lệ tốt nằm trong các hướng dẫn thực hiện báo cáo PTBV của một số Sở Giao dịch Chứng khoán trong khu vực ban hành.

Muốn có một báo cáo tốt, việc quan trọng là doanh nghiệp cần sớm chính thức thiết lập bộ chính sách và quy trình quản lý môi trường, xã hội và quản trị công ty cho chính hoạt động của mình. Nhưng để một quy trình có thể vận hành được thì sự quyết tâm, cam kết của hội đồng quản trị, ban lãnh đạo mà trong đó việc đầu tư phát triển nguồn nhân lực là quan trọng nhất.

Để quản lý tốt quy trình này, doanh nghiệp nên chỉ định nguồn nhân sự chuyên trách để kết hợp với các bộ phận trong tổ chức, hoặc nhà máy, ghi nhận các số liệu cần thiết có liên quan, sau đó đánh giá và phân tích các tác động nhằm đưa ra giải pháp (kết hợp với các bên tư vấn nếu cần thiết), xây dựng chỉ tiêu, từng bước cải thiện những tác động tiêu cực và đánh giá sự tiến bộ của các chỉ tiêu này theo từng năm.

Theo ông, làm thế nào để BCTN của các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng đáp ứng được yêu cầu của thông lệ quốc tế?

BCTN là một kênh cung cấp thông tin quan trọng, nó là một phần của công tác quan hệ với nhà đầu tư. BCTN cung cấp cho chúng tôi (một tổ chức đầu tư tài chính nước ngoài – PV) các thông tin cơ bản và cần thiết về doanh nghiệp, nó chiếm gần 1/3 lượng thông tin mà chúng tôi cần trong quá trình nghiên cứu phân tích đầu tư.

Chúng tôi vẫn phải sử dụng nhiều kênh khác nhau để tìm hiểu thêm về doanh nghiệp, bao gồm việc tiếp cận các thông tin trên website, báo chí truyền thông, trao đổi với các đối tác hữu quan và đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp.

BCTN có chất lượng với việc tuân thủ các quy định của pháp luật cũng như hướng đến những chuẩn mực quốc tế cũng là yếu tố quan trọng để chúng tôi đánh giá chất lượng quản trị của doanh nghiệp đó có chuyên nghiệp hay không.

Một BCTN có thể tạo ra nhiều giá trị hơn nữa nếu nó được doanh nghiệp xem như là một cơ hội để chia sẻ và trao đổi với các nhà đầu tư hơn là một nghĩa vụ buộc phải tuân thủ.

Ngoài ra, một BCTN theo thông lệ quốc tế được khuyến khích áp dụng nên trao đổi và giải trình sâu hơn các thông tin về tình hình quản trị, quản lý rủi ro (bao gồm chiến lược, quản lý đầu tư tài chính, công nợ, lãi suất, thanh khoản, thị trường…) và đặc biệt là doanh nghiệp đang tích hợp các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị vào trong quá trình sản xuất, quyết định kinh doanh như thế nào, nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực đến con người và hệ sinh thái.

Hướng đến những thông lệ tốt, tại Lễ Trao giải Cuộc bình chọn BCTN 2016 vừa qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cùng với Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) đã phối hợp giới thiệu đến các doanh nghiệp bộ “Hướng dẫn Công bố Thông tin về Môi trường và Xã hội”, với những chỉ dẫn cụ thể cách thức tổng hợp dữ liệu cùng các chỉ số hoạt động quan trọng về môi trường, xã hội và kinh tế mà doanh nghiệp cần công bố.

Đây là một tài liệu hướng dẫn rất hữu ích, các doanh nghiệp nên tham khảo và áp dụng. Doanh nghiệp không nên quá lạm dụng BCTN để quảng cáo quá nhiều về sản phẩm dịch vụ, nhà đầu tư có thể kiếm tìm các thông tin này trên website hay tài liệu quảng cáo (brochures) của doanh nghiệp, chỉ cần ngắn gọn nhưng đầy đủ những thông tin quan trọng để ra quyết định, nhà đầu tư dài hạn quan tâm đến quản trị bền vững và tương lai của doanh nghiệp nhiều hơn.

Thỏa mãn những yêu cầu thông tin trên sẽ làm tăng mức độ tin tưởng và sự tự tin trong quan hệ giữa doanh nghiệp, các cổ đông và các bên liên quan, như vậy doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội để tiếp cận và thu hút được những nguồn vốn mới dài hạn.

Xin trân trọng cảm ơn ông!