Nâng cao địa vị pháp lý cho DATC

Thanh Trúc

Trải qua hơn 16 năm hoạt động, vai tò, vị thế của Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) đã được khẳng định qua những kết quả tích cực đạt được. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động cũng phát sinh những khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ nhằm phát huy hơn nữa hiệu quả và vị thếtrên thị trường mua bán nợ.

Xử lý nợ gắn với tái cấu trúc doanh nghiệp là một trong những hoạt động đã được triển khai có hiệu quả từ nhiều năm nay
Xử lý nợ gắn với tái cấu trúc doanh nghiệp là một trong những hoạt động đã được triển khai có hiệu quả từ nhiều năm nay

 Trong quá trình hoạt động hơn 16 năm qua, nhiều văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động của doanh nghiệp nói chung và DATC nói riêng đã được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới, như: Luật Doanh nghiệp 2014, Luật Đầu tư 2014 và Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp năm 2014 và một số nghị định, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư hướng dẫn có liên quan đến hoạt động mua bán nợ và thoái vốn.

Tuy nhiên, văn bản pháp lý cao nhất điều chỉnh riêng cho hoạt động của DATC vẫn là Quyết định số 109/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thành lập DATC và các Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính, nên việc hướng dẫn cơ chế hoạt động còn hạn chế do liên quan đến vấn đề thẩm quyền quy định.

Ngoài ra, hoạt động của DATC đòi hỏi sự phối hợp của nhiều chủ thể khác nhau, bao gồm cả DN và các bộ, ngành, địa phương. Do đó, việc ban hành mới Nghị định sẽ giúp nâng cao địa vị pháp lý của DATC, tăng cường tính tuân thủ của các chủ thể trong quá trình phối hợp với DATC thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt là nhiệm vụ chính trị được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Bên cạnh đó, hoạt động của DATC có nhiều điểm đặc thù, khác biệt như các hoạt động mua nợ xấu, tái cơ cấu doanh nghiệp và thoái vốn; mua, xử lý nợ gắn với việc hình thành các loại tài sản khác nhau, cần phải tiếp quản và khai thác có hiệu quả; lĩnh vực hoạt động vừa gắn với lĩnh vực tín dụng ngân hàng, vừa gắn với các hoạt động của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thông thường.

Hơn nữa, do các doanh nghiệp được DATC tái cơ cấu thông qua hoạt động mua bán nợ hầu hết đã lâm vào tình trạng phá sản, nên cần nghiên cứu có cơ chế hỗ trợ trong việc xử lý nợ đọng thuế, bảo hiểm xã hội cũng như tiếp cận nguồn vốn để phục hồi sản xuất và đầu tư phát triển.

Theo quy định hiện tại, thì phạm vi xử lý nợ, tái cơ cấu doanh nghiệp của DATC chỉ tập trung ưu tiên cho khối doanh nghiệp nhà nước thực hiện sắp xếp, chuyển đổi sở hữu, tuy nhiên, số lượng doanh nghiệpnhà nước cần thực hiện sắp xếp không còn nhiều (240 doanh nghiệp).

 Trong khi đó, quy mô nợ xấu và số lượng các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác, bao gồm cả khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cần sự hỗ trợ xử lý nợ, tái cơ cấu của DATC trong thời gian tới ngày càng tăng, kể cả về quy mô và số lượng.

Như vậy, đối tượng phục vụ của DATC không chỉ có các doanh nghiệp nhà nước mà sẽ bao gồm khu vực tư nhân với tính chất sở hữu và hoạt động khác hẳn so với DNNN, nên cần phải có những quy định pháp lý mới cho DATC hoạt động phù hợp hơn.

Bên cạnh đó, cơ chế hoạt động của DATC cũng phát sinh một số bất cập, và việc chưa điều chỉnh kịp thời so với định hướng phát triển cũng như những quy định mới được sửa đổi, bổ sung thời gian qua, dẫn đến hạn chế trong thực hiện vai trò, nhiệm vụ được giao của DATC.

Cụ thể: Về đối tượng mua, bán nợ mới tập trung chủ yếu vào doanh nghiệp nhà nước, mức độ xử lý tài chính; Về hỗ trợ vốn và bảo lãnh vay vốn đối với doanh nghiệp tái cơ cấu; Thiếu các cơ chế chủ động trong xử lý nợ tại doanh nghiệp tái cơ cấu; Chế độ trích lập dự phòng nợ mua, dự phòng tổn thất đầu tư tài chính đối với các khoản vốn góp của DATC (dưới hình thức chuyển nợ thành vốn góp) tại các doanh nghiệp tái cơ cấu chưa phù hợp; Về phương thức thoái vốn phù hợp với đặc thù (chưa có quy định được thoái vốn kèm nợ phải thu); Vướng mắc về cơ chế, trình tự, thủ tục xử lý nợ xấu của doanh nghiệp tại Ngân hàng phát triển Việt Nam và Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam...

Những hạn chế trên đã ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của DATC, làm giảm hiệu quả hoạt động mua bán xử lý nợ, từ đó ảnh hưởng đến việc thu hồi nợ của DATC cũng như quá trình phục hồi doanh nghiệp.

Vì vậy, việc sớm sửa đổi, bổ sung về cơ chế, chính sách trong lĩnh vực mua bán nợ, xử lý tài sản và tái cấu trúc doanh nghiệp, phục hồi sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp, khách nợ trong thời gian tới để tạo thuận lợi cho DATC hoạt động là hết sức cần thiết.