Nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp sau cổ phần hóa

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số 10 kỳ 2-2015

Thông qua việc thực thi chính sách, nguyên tắc rõ ràng về quản trị DN đã góp phần tăng cường hiệu quả quản lý, quản trị điều hành tại Bảo Việt, đồng thời tăng cường tính minh bạch, nhất quán và đảm bảo sự phát triển bền vững của DN.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Những điểm nhấn nổi bật

Ở Việt Nam, cổ phần hóa (CPH) là một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước đối với các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và đang được quan tâm tạo điều kiện triển khai tích cực. Kể từ khi thực hiện đến nay, chính sách này đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, huy động được những nguồn lực to lớn cho mục tiêu phát triển kinh tế của đất nước. Thời gian gần đây, trong lộ trình tái cơ cấu nền kinh tế nói chung và DNNN nói riêng, Chính phủ tiếp tục quyết liệt chỉ đạo đối với công tác CPH nhằm hoàn tất việc CPH các DNNN theo đúng lộ trình đề ra. Thống kê cho thấy, chỉ riêng giai đoạn từ năm 2011 đến tháng 8/2015, cả nước đã CPH được 327 DNNN. Nhìn lại hoạt động của các DNNN sau CPH, trên phương diện quản trị công ty, có thể thấy những điểm nhấn nổi bật sau:

Thứ nhất, về nhận thức quản trị công ty: Trước đòi hỏi của cổ đông, sức ép cạnh tranh ngày càng lớn trong khi các ưu đãi, đặc quyền của Chính phủ đối với DNNN ngày càng ít, khiến cho các DNNN phải thay đổi tư duy về quản trị công ty. Bên cạnh đó, chính lãnh đạo DNNN cũng đang có khuynh hướng muốn xây dựng một quy chế quản trị công ty bài bản để giúp công ty hoạt động chuyên nghiệp, minh bạch, nâng cao uy tín trên thị trường và thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư.

Thứ hai, về chuẩn mực quản trị: Các DN đã bước đầu thiết lập nguyên tắc, chuẩn mực quản trị công ty, áp dụng được những kỹ năng quản trị từ các đối tác chiến lược và đổi mới mô hình quản trị theo các thông lệ quản trị quốc tế. Trường hợp của Tập đoàn Bảo Việt là một ví dụ điển hình. Sau khi CPH, với sự tham gia của các cổ đông nước ngoài, mô hình quản trị của Tập đoàn Bảo Việt đã được cơ cấu lại và tiếp cận với các chuẩn mực và thông lệ quốc tế. Thông qua việc thực thi chính sách, nguyên tắc rõ ràng về quản trị DN đã góp phần tăng cường hiệu quả quản lý, quản trị điều hành tại Bảo Việt, đồng thời tăng cường tính minh bạch, nhất quán và đảm bảo sự phát triển bền vững của DN.

Thứ ba, về năng lực quản trị: Các DN sau CPH đã tạo ra được cơ cấu cổ đông đa dạng và tạo điều kiện thuận lợi cho cổ đông tham gia vào việc ra quyết định quản trị công ty, ví dụ như việc tham gia biểu quyết tại Đại Hội đồng cổ đông, đề cử và bầu chọn thành viên HĐQT. Các DN cũng nỗ lực nâng cao năng lực và vai trò của thành viên HĐQT, tăng cường tính độc lập của các thành viên; thành lập các Ủy ban chức năng để hỗ trợ hoạt động của HĐQT; đẩy mạnh công tác quản lý rủi ro và kiểm soát nội bộ để cung cấp thông tin phục vụ cho hoạt động quản trị DN.

Thứ tư, về tính minh bạch: Minh bạch trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DNNN ngày càng được nâng cao. Rất nhiều nội dung về chiến lược, kế hoạch kinh doanh, thậm chí nhiều vấn đề trước đây vẫn được coi là “nhạy cảm” như chế độ lương, thưởng đối với HĐQT, Ban Điều hành, giờ đây đều được đưa ra thảo luận một cách công khai và quyết định trong cuộc họp HĐQT với sự tham vấn các bên liên quan. Ngoài ra, không ít DN cũng chủ động tăng cường minh bạch hóa thông tin cho cổ đông thông qua cập nhật các thông tin về tình hình hoạt động của DN trên website, Báo cáo thường niên, Báo cáo Phát triển bền vững và các phương tiện thông tin đại chúng.

Thứ năm, về vai trò chủ sở hữu của cổ đông: Tại các DNNN đã CPH, vai trò làm chủ của người lao động – cổ đông được nâng lên rõ rệt. Tại nhiều DNNN sau CPH, khi công tác quản trị công ty được quan tâm thì đời sống và thu nhập của người lao động đã được cải thiện và tăng lên đáng kể.

Một số kiến nghị

Thực tế cho thấy, công tác quản trị công ty tại các DNNN hiện vẫn còn một số hạn chế như: Cơ chế lương thưởng và đãi ngộ đối với HĐQT, Ban kiểm soát chưa thực sự thích đáng; Cơ cấu cổ đông chưa hợp lý do Nhà nước vẫn nắm vai trò chủ đạo; Nhiều DNNN chưa có sự đổi mới thực sự trong quản trị công ty; Kinh nghiệm quản trị công ty của một số lãnh đạo DNNN vẫn còn hạn chế... Do vậy, để nâng cao hiệu quả quản trị, trong thời gian tới cần chú trọng một số nội dung sau:

Một là, cần xác định quản trị công ty là yếu tố cốt lõi để đảm bảo tăng trưởng hiệu quả, phát triển bền vững trong dài hạn. Để CPH thật sự là một bước ngoặt cho con đường phát triển của DNNN, tự bản thân Ban Điều hành DN phải thay đổi quan điểm quản trị, tiếp nhận những tư duy mới từ cổ đông bên ngoài, xem xét cho họ có quyền tham gia sâu vào quản trị công ty. Chẳng hạn, tại một số DNNN, sự thay đổi về tư duy đã giúp cho các lãnh đạo DNNN thay đổi cách nhìn về quản trị chiến lược. Từ đó, thay vì ưu tiên thực hiện xây dựng chiến lược ngắn hạn, khai thác các cơ hội trước mắt, mà đã xác định rõ sứ mệnh, kế hoạch và mục tiêu dài hạn, tránh được tình trạng mất phương hướng hoạt động sau CPH.

Hai là, cần ban hành hệ thống các quy chế quản lý nội bộ nhằm tạo ra một cơ chế quản trị thống nhất và xuyên suốt để kiểm soát, giám sát hoạt động của DN một cách chuyên nghiệp, minh bạch và hiệu quả, góp phần đảm bảo lợi ích của cổ đông và sự hài hòa với lợi ích của các bên liên quan. Theo đó, việc xây dựng một cơ cấu quản trị vững mạnh cần dựa trên cơ sở tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam và vận dụng các thông lệ quốc tế về quản trị công ty. Qua đó, giúp DNNN nâng cao năng lực cạnh tranh, tận dụng tối đa các nguồn lực để phát triển, tạo lòng tin cũng như nâng cao uy tín thương hiệu của mình trên thị trường trong và ngoài nước.

Ba là, cần có chế độ đãi ngộ, tạo động lực phù hợp cho HĐQT, Ban Điều hành, Ban Kiểm soát nhằm tăng động lực, cống hiến và sức sáng tạo của họ. Cơ chế lương thưởng nên được xây dựng theo một cách gắn kết quyền lợi giữa HĐQT, Ban Kiểm soát và Ban Điều hành với quyền lợi của cổ đông. Trong trường hợp công ty thua lỗ, không chi trả cổ tức thì HĐQT, Ban Kiểm soát và Ban Điều hành có thể không nhận hoặc nhận một mức chế độ thấp hơn để chia sẻ với các cổ đông trong giai đoạn khó khăn, tạo sự công bằng hơn giữa cổ đông với HĐQT, Ban Kiểm soát và Ban Điều hành...

Bốn là, tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài. Việc giới hạn sở hữu nước ngoài ở một số ngành đặc biệt là cần thiết, song cũng là một yếu tố ảnh hướng đến hoạt động quản trị công ty, làm thu hẹp thị trường vốn và làm chi phí vốn tăng lên đáng kể. Trong khi đó, với sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài, cơ cấu quản trị cũng như mức độ tuân thủ các nguyên tắc quản trị tại các DN tốt hơn nhiều.

Điển hình như trường hợp của Tập đoàn Bảo Việt, sau CPH với sự hỗ trợ kỹ thuật và chuyển giao công nghệ từ cổ đông chiến lược nước ngoài, Bảo Việt đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ với một diện mạo mới năng động hơn, chuyên nghiệp hơn. Bảo Việt đã thực hiện đổi mới trên nhiều lĩnh vực như quản trị DN, phát triển nguồn nhân lực, công nghệ thông tin và tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh trong các lĩnh vực kinh doanh nòng cốt nhằm xây dựng nền tảng bền vững, tạo đà phát triển cho DN.

Ngoài các giải pháp nêu trên, các DN cũng cần vận động không ngừng để tìm ra những phương hướng, giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế, từ đó nâng cao được năng lực quản trị và hiệu quả hoạt động của DN.