Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của Tổng Công ty Công nghiệp ô tô Việt Nam

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2, số tháng 3/2017

Dựa trên báo cáo tài chính đã được kiểm toán của Tổng công ty Công nghiệp ô tô Việt Nam (Vinamotor)trong năm 2014 và 2015, bài viết phân tích, đánh giá những mặt đã đạt được cũng như nhìn nhận những hạn chế còn tồn tại của hoạt động quản lý vốn và kinh doanh của Tổng công ty Công nghiệp ô tô Việt Nam sau cổ phần hóa. Một số giải pháp được đề xuất nhằm giúp Tổng công ty nâng cao hiệu quả sử dụng vốn trong thời gian tới.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Hoạt động kinh doanh trước và sau khi cổ phần hóa

Tiền thân của Tổng công ty Công nghiệp Ô tô Việt Nam (Vinamotor) là Cục Cơ khí Bộ Giao thông Vận tải (1964-1985), sau đó là Liên hiệp Xí nghiệp Giao thông vận tải (1985-1995) và là Tổng Công ty Cơ khí Giao thông vận tải – Transinco (1995-2003). Ngày 23/09/2003, Vinamotor chính thức được thành lập theo Quyết định số 189/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Vinamotor đã được định hướng thành doanh nghiệp nòng cốt nhằm phát triển lĩnh vực công nghiệp ô tô tại Việt Nam.

Vinamotor là Tổng công ty có 5 đơn vị hạch toán phụ thuộc, 14 công ty con, 19 công ty liên kết và hai công ty liên doanh. Đánh giá tổng thể giai đoạn từ 2010-2013, hoạt động sản xuất kinh doanh của Vinamotor là lỗ, cho dù tổng tài sản của doanh nghiệp lên đến gần 2.000 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu là 526 tỷ đồng. Cụ thể: Năm 2010, lợi nhuận trước thuế của Vinamotor âm 62,3%; Năm 2011, Vinamotor lãi khiêm tốn 11 tỷ đồng; Năm 2012 lãi 16 tỷ đồng và lãi 15 tỷ đồng. Lợi nhuận của Công ty mẹ cũng chỉ quanh ngưỡng 1 tỷ đồng, trong khi đó, bộ máy nhân lực lại cồng kềnh, chi phí quản lý chiếm tới 16,21%.

Ngày 27/01/2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành  Quyết định 204/QĐ-TTg phê duyệt Đề án cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty Công nghiệp Ô tô Việt Nam. Từ ngày 30/05/2014, Công ty mẹ - Tổng Công ty công nghiệp Ô tô Việt Nam chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần với tên gọi Tổng công ty Công nghiệp Ô tô Việt Nam với số vốn điều lệ 876 tỷ đồng, trong đó Nhà nước nắm giữ 97,7% vốn.

Sau khi thực hiện cổ phần hóa, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Vinamotor đã có xu hướng tăng trở lại. Năm 2014, Tổng công ty hoạt động có lãi, với lợi nhuận đạt được là 57 tỷ đồng. Năm 2015, Vinamotor đạt doanh thu hơn 786 tỷ đồng, với lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh là 75,449 tỷ đồng.

Điều đáng mừng là cơ cấu tổng vốn kinh doanh của Tổng công ty tốt, ít phải huy động từ các tổ chức cá nhân bên ngoài doanh nghiệp. Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng, lợi nhuận của Vinamotor có được chủ yếu là do các công ty con, công ty liên kết chuyển về và hiệu quả sử dụng vốn tại Tổng công ty vẫn chưa thực sự như mong đợi, thể hiện qua những vấn đề sau:

Về khả năng tự chủ tài chính: Trong 2 năm 2014-2015, Tổng công ty có khả năng tự chủ tài chính, đảm bảo cho nhu cầu hoạt động kinh doanh bình thường của doanh nghiệp, tăng vốn chủ sở hữu, giảm nguồn vốn vay bên ngoài. Cụ thể, năm 2015, tổng nguồn vốn so với năm 2014 giảm 660,264 tỷ đồng, tương ứng với tỷ lệ giảm 37,1%. Trong đó, vốn chủ sở hữu năm 2015 so với năm 2014 giảm 69,465 tỷ đồng, tương ứng với tỷ lệ giảm 6,87%; Vốn chủ sở hữu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng vốn kinh doanh, tỷ trọng tăng 27,31% so với năm 2014; Nợ phải trả năm 2015 so với năm 2014 giảm 590,799 tỷ đồng tương ứng với tỷ lệ giảm 76,88% và tỷ trọng giảm 27,31% (Bảng 1).

Về hiệu quả sử dụng vốn kinh doanh: So với năm 2014, doanh thu thuần năm 2015 giảm 923,243 tỷ đồng, tương ứng với tỷ lệ giảm 53,99%; Lợi nhuận trước thuế giảm 96,721 tỷ đồng, tương ứng với tỷ lệ giảm 56,17%, đồng thời, tổng nguồn vốn giảm 635,115 tỷ đồng, tương ứng với tỷ lệ giảm 35,69%. Bên cạnh đó, hệ số doanh thu/vốn kinh doanh giảm 0,273 lần và hệ số lợi nhuận/vốn kinh doanh giảm 0,031 lần. Điều này chứng tỏ, hoạt động kinh doanh của Vinamotor vẫn chưa thực sự có hiệu quả, trong khi chi phí kinh doanh tăng nhanh, lợi nhuận giảm.

Về hiệu quả sử dụng vốn lưu động: Hiệu quả sử dụng vốn lưu động của Vinamotor không tốt, hàng tồn kho chiếm tỷ trọng lớn do không bán được sản phẩm hàng hóa; Vòng quay vốn lưu động thấp, số ngày chu chuyển vốn lưu động dài. Điều này cho thấy, tốc độ chu chuyển vốn lưu động của Vinamotor chậm, khả năng thu hồi vốn không cao, giảm khả năng cạnh tranh, giảm doanh thu và giảm lợi nhuận.

Về hiệu quả sử dụng vốn cố định: Năm 2015, vốn cố định giảm 270,925 tỷ đồng, tương ứng với tỷ lệ giảm 31,02%. Hệ số doanh thu/vốn cố định giảm 0,652 lần và hệ số lợi nhuận/vốn cố định giảm 0,072 lần (Bảng 4). Qua đó có thể thấy, Tổng công ty không sử dụng hiệu quả vốn cố định.

Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của Vinamotor

Tháng 01/2016, Bộ Giao thông Vận tải đã hoàn tất việc thoái vốn khỏi Vinamotor và thu về hơn 1.250 tỷ đồng, theo đó, Vinamotor không còn là doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, là doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân, để sử dụng vốn kinh doanh hiệu quả, việc khắc phục những tồn tại hiện có, cải thiện cách quản lý vốn của Vinamotor luôn cần thiết. Do vậy, bài viết đề xuất một số giải pháp để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của Vinamotor trong thời gian tới như sau:

Thứ nhất, giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng vốn kinh doanh.

Vinamotor cần lựa chọn phương án kinh doanh, phương án sản xuất phù hợp trong bối cảnh mới. Hạn chế hiện nay của Vinamotor là ngay từ đầu chỉ tập trung sản xuất các sản phẩm, như: Xe khách, xe buýt hay xe tải trong khi nhu cầu sở hữu các dòng xe 4-15 chỗ, xe gia đình của người dân ngày càng tăng. Tuy nhiên, hiện nay, các dòng xe gia đình trên thị trường ô tô Việt Nam đang bị các liên doanh nước ngoài với các tên tuổi lớn như Toyota, Honda… chiếm lĩnh, do vậy việc chọn hướng đi riêng là không hề dễ dàng, nhất là khi Vinamotor không thể tự lo nguyên liệu đầu vào trong sản xuất.

Bên cạnh việc phải lựa chọn dòng sản phẩm phù hợp, Vinamotor còn phải luôn đánh giá chất lượng sản phẩm cung cấp hiện có qua tham khảo ý kiến đánh giá của khách hàng. Vinamotor cũng cần nâng cấp hệ thống cung cấp dịch vụ nhằm mục đích đem lại sản phẩm tốt nhất đến cho khách hàng, đem lại cảm giác an toàn cho họ. Đồng thời, Vinamotor cũng cần tổ chức đa dạng các hình thức tiêu thụ sản phẩm; Xây dựng quan hệ bạn hàng tốt với khách hàng nhằm củng cố uy tín trên thương trường.

Nguồn nhân lực là khâu then chốt trong mọi hoạt động sản xuất, vì thế Vinamotor nên thường xuyên có những chính sách đào tạo, nâng cao nghiệp vụ của nhân viên. Đặc biệt, phải dứt khoát giảm lượng công nhân viên làm việc không hiệu quả, gây ảnh hưởng không tốt đến quá trình hoạt động của Vinamotor, để xây dựng một bộ máy tổ chức gọn nhẹ, hoạt động hiệu quả hơn, góp phần nâng cao lợi nhuận công ty trong thời gian tới.

Thứ hai, giải pháp bảo toàn và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn cố định.

Việc đánh giá và đánh giá lại tài sản cố định sau cổ phần hoá là việc cần làm đầu tiên của Ban giám đốc và Hội đồng quản trị. Đánh giá đúng tài sản cố định sẽ tạo điều kiện phản ánh chính xác tình hình biến động của vốn cố định, quy mô vốn phải bảo toàn; Việc điều chỉnh kịp thời giá trị của tài sản cố định sẽ tạo điều kiện tính đúng, tính đủ chi phí khấu hao tài sản cố định, giúp Vinamotor bảo toàn vốn cố định. Bên cạnh đó, Vinamotor cũng cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa rủi do trong kinh doanh để hạn chế tổn thất vốn cố định do các nguyên nhân khách quan như: mua bảo hiểm tài sản, lập quỹ dự phòng tài chính, trích trước các chi phí dự phòng…

Cùng với việc bảo toàn vốn, Tổng công ty cũng cần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn cố định, thông qua các giải pháp sau: Bố trí dây chuyền sản xuất hợp lý, khai thác hết công suất thiết kế và nâng cao hiệu suất máy móc, thiết bị, sử dụng triệt để diện tích sản xuất, giảm chi phí khấu hao trong giá thành sản phẩm; Xử lý nhanh những tài sản cố định không cần dùng, hư hỏng nhằm thu hồi vốn nhanh, bổ sung thêm vốn cho sản xuất, kinh doanh; Phân cấp quản lý tài sản cố định cho các bộ phận sản xuất nhằm nâng cao trách nhiệm trong quản lý và sử dụng tài sản cố định, giảm tối đa thời gian nghỉ việc.

Thứ ba, giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng vốn lưu động.

Thực tế cho thấy, hiệu quả sử dụng vốn sản xuất, kinh doanh nói chung và hiệu quả sử dụng vốn lưu động nói riêng phụ thuộc rất nhiều vào việc tiết kiệm và tăng nhanh tốc độ luân chuyển vốn lưu động, vì vậy để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn lưu động Vinamotor cần: xác định đúng nhu cầu vốn lưu động cần thiết cho từng thời kỳ sản xuất, kinh doanh nhằm huy động hợp lý các nguồn vốn bổ sung; Tổ chức quản lý vốn lưu động có kế hoạch và khoa học; Tổ chức quản lý vốn lưu động có kế hoạch và khoa học.

Bên cạnh đó, cần có kế hoạch sử dụng vốn lưu động theo thời gian. Vinamotor cần xác định chính xác nhu cầu vốn lưu động từng quý, tháng trên cơ sở cân đối với vốn lưu động hiện có và khả năng bổ sung trong quý, tháng, từ đó, có biện pháp xử lý hiệu quả, tạo sự liên tục, liền mạch trong sử dụng vốn lưu động cả năm.

Ngoài ra, Vinamotor cũng cần đảm bảo cân đối khả năng thanh toán của doanh nghiệp với nhu cầu vốn bằng tiền trong từng thời gian ngắn tháng, quỹ; Tổ chức tốt quá trình thu mua, dự trữ vật tư nhằm đảm bảo hạ giá thành thu mua vật tư, hạn chế tình trạng ứ đọng vật tư dự trữ, dẫn đến kém phẩm chất gây ứ đọng vốn lưu động; Quản lý chặt chẽ việc tiêu dùng vật tư theo định mức nhằm giảm chi phí nguyên, nhiên, vật liệu trong giá thành sản phẩm; Tổ chức tốt quá trình thanh toán tránh và giảm các khoản nợ đến hạn hoặc quá hạn chưa đòi được; Rút ngắn chu kỳ sản xuất, kinh doanh, giảm giá thành sản xuất thông qua việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đặc biệt, cần tiết kiệm các yếu tố chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí lưu thông góp phần giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận.  

Tài liệu tham khảo:

1. Thủ tướng Chính phủ (2014), Quyết định số 204/QĐ-TTg, ngày 27/01/2014  phê duyệt Đề án cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty Công nghiệp Ô tô Việt Nam;

2. Tổng Công ty Công nghiệp Ô tô Việt Nam (2010-2015), Báo cáo tài chính đã được kiểm toán các năm, từ 2010-2015;

3. Nguyễn Ngọc Quang (2011), Phân tích báo cáo tài chính, NXB Tài chính;

4. Nguyễn Trọng Cơ, Nghiêm Thị Thà (2015), Giáo trình phân tích tài chính doanh nghiệp, NXB Tài chính.