Nâng cao năng lực quản trị của các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam

THS. Đào Đình Thi – CHủ TịCH HĐQT TậP ĐOÀN BảO VIệT

Những năm gần đây, nhận thức về vai trò của quản trị công ty trong các doanh nghiệp ngày càng được nâng cao. Để tối đa hóa hiệu quả hoạt động và giá trị của doanh nghiệp, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đã tập trung nâng cao năng lực quản trị theo thông lệ quốc tế để đảm bảo khai thác các nguồn lực hiệu quả, tạo ra giá trị bền vững trong dài hạn.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet


Nhìn lại quản trị công ty tại các công ty niêm yết

Hiện tại, các công ty niêm yết tại Việt Nam tuân thủ khung quản trị công ty theo Luật Doanh nghiệp năm 2014. Các quy định về Quản trị công ty của Bộ Tài chính, quy định về niêm yết và giám sát niêm yết của Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Về cơ bản, các doanh nghiệp niêm yết đã tuân thủ các quy định liên quan đến việc xây dựng quy chế quản trị nội bộ của công ty, thực hiện công bố thông tin định kỳ và bất thường theo quy định.

Tuy nhiên, theo thống kê của Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh, chỉ có 1/3 số công ty niêm yết đáp ứng được quy định tối thiểu một phần ba số thành viên Hội đồng Quản trị là thành viên Hội đồng Quản trị độc lập.

Bên cạnh đó, phần lớn các công ty niêm yết không có các Tiểu ban giúp việc cho Hội đồng Quản trị và ngay cả với những công ty đã đảm bảo yêu cầu này thì việc thiết lập các Tiểu ban hiện mới chỉ để đảm bảo vấn đề hình thức theo quy định mà hoạt động chưa thực sự hiệu quả. Thực trạng này đã ảnh hưởng không nhỏ đến năng lực quản trị công ty của các doanh nghiệp niêm yết.

Bên cạnh các quy định tại Việt Nam về quản trị công ty, từ năm 2012, Dự án đánh giá Thẻ điểm Quản trị Công ty khu vực ASEAN đã bắt đầu tiến hành đánh giá các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam. Sau một thời gian tham gia Dự án đánh giá Thẻ điểm Quản trị Công ty khu vực ASEAN, điểm số của các doanh nghiệp niêm yết Việt Nam đã từng bước cải thiện nhưng vẫn đạt điểm thấp nhất và dưới mức trung bình so với các nước tham gia đánh giá trong khu vực ASEAN (bao gồm: Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia, Philippines và Việt Nam).

Năm 2014, Việt Nam đạt tổng điểm trung bình là 35,1 điểm, tăng 1,2 điểm so với năm 2013, tuy nhiên vẫn còn cách biệt rất xa so với điểm số của nước đạt điểm cao nhất là Thái Lan với 84,5 điểm.

Trong đó, điểm số liên quan đến trách nhiệm của Hội đồng Quản trị của doanh nghiệp niêm yết Việt Nam chỉ đạt trên 20% và là điểm số thấp nhất trong số năm lĩnh vực được đánh giá.

Kết quả này một lần nữa khẳng định năng lực quản trị công ty của các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam còn khá thấp và là lĩnh vực cần được nghiêm túc nghiên cứu, đầu tư và tăng cường hơn nữa để các doanh nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội tiếp cận với thị trường vốn khu vực và quốc tế trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng mạnh mẽ.

Giải pháp nâng cao năng lực quản trị của các doanh nghiệp niêm yết

Đối với các cơ quan quản lý Nhà nước

Thứ nhất: Thành lập tổ chức quản lý cấp quốc gia về quản trị công ty

Kinh nghiệm thực tế từ các nước trong khu vực cho thấy, các quốc gia được đánh giá có điểm quản trị công ty cao và có nhiều tiến bộ trong khu vực như: Thái Lan, Singapore, Philippines,... đều có Viện Quản trị công ty của quốc gia.

Tại Việt Nam, hiện tại mới chỉ có một nhóm các chuyên gia nghiên cứu và tham gia vào Dự án Quản trị công ty trong khu vực. Chính vì vậy, sức lan tỏa và tầm ảnh hưởng đến công tác thực hiện và tuân thủ những nguyên tắc quản trị công ty của các doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế.

Do đó, các cơ quan quản lý Nhà nước cần sớm nghiên cứu, đề xuất việc thành lập một Tổ chức cấp quốc gia để chỉ đạo và định hướng công tác quản trị doanh nghiệp tại Việt Nam một cách có hiệu quả.

Theo đó, tổ chức này sẽ đóng vai trò: (i) Nghiên cứu, xem xét việc đưa các chuẩn mực và thông lệ quản trị công ty tốt trên thế giới và khu vực để áp dụng tại Việt Nam hoặc xây dựng các chuẩn mực quản trị công ty của quốc gia để triển khai thực hiện; (ii) hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu đánh giá và khuyến khích thực hành quản trị công ty tốt;

(iii) thực hiện công tác truyền thông rộng rãi về vai trò của quản trị công ty và cung cấp các nguồn thông tin, tài liệu để các doanh nghiệp tiếp cận, truy cập dễ dàng; (iv) tổ chức các chương trình đào tạo chuyên biệt cho các lãnh đạo doanh nghiệp mà đặc biệt là thành viên Hội đồng Quản trị để họ nhận thức được tầm quan trọng của quản trị công ty và đưa các mô hình, hệ thống tiêu chuẩn quản trị áp dụng trên thực tiễn tại doanh nghiệp, …

Thứ 2: Nâng cao hiệu quả giám sát tuân thủ quản trị công ty của các doanh nghiệp niêm yết:

Các cơ quan chức năng (Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội…) cần chủ động, thường xuyên rà soát các quy định về quản trị công ty/quy định về niêm yết và giám sát niêm yết nhằm nâng cao hiệu quả giám sát việc tuân thủ các quy định về quản trị công ty đối với các công ty niêm yết.

Bên cạnh đó, cần sớm đưa vào triển khai áp dụng các chế tài cụ thể đối với các doanh nghiệp chưa thực hiện hoặc chưa xây dựng lộ trình thực hiện theo các chuẩn mực quản trị công ty tốt, từ đó đảm bảo tính hiệu lực của quy định trên thực tế, đồng thời tạo động lực để các doanh nghiệp nâng cao năng lực quản trị công ty.

Đối với doanh nghiệp niêm yết

Một là: Nâng cao nhận thức về vai trò và nguyên tắc quản trị

Để nâng cao năng lực quản trị, trước hết các nhà quản trị cần nhận thức đầy đủ và sâu sắc về vai trò và các nguyên tắc quản trị, làm cơ sở cho quá trình thực hành quản trị.

Khi nhận thức đầy đủ và sâu sắc về vai trò và các nguyên tắc quản trị, các nhà lãnh đạo sẽ tự nguyện hướng doanh nghiệp đi theo những nguyên tắc quản trị tốt nhất để tối đa hóa hiệu quả hoạt động doanh nghiệp, nâng cao khả năng tiếp cận thị trường vốn, và thực hiện tốt hơn việc tuân thủ và giảm xung đột lợi ích giữa các bên có quyền lợi liên quan.

Việc thay đổi và nâng cao nhận thức về quản trị công ty phải được khởi nguồn từ cấp lãnh đạo cao nhất trong doanh nghiệp niêm yết mà ở đây chính là Hội đồng Quản trị và Tổng giám đốc.

Hai là: Chủ động áp dụng các công cụ để nâng cao chuẩn mực quản trị công ty

Hiện tại, các công ty niêm yết tại Việt Nam được khuyến khích sử dụng công cụ Thẻ điểm quản trị công ty khu vực ASEAN để nâng cao chuẩn mực và thực tiễn thực hành quản trị của doanh nghiệp.

Việc sử dụng công cụ này sẽ giúp doanh nghiệp xác định được cụ thể những điểm yếu/tồn tại trong quản trị của doanh nghiệp từ Bộ câu hỏi chi tiết trong Thẻ điểm, từ đó xác định những điểm doanh nghiệp có thể cải thiện ngay và kế hoạch dài hạn để vươn tới những chuẩn mực cao hơn.

Ba là: Gắn kết mục tiêu quản trị công ty với mục tiêu phát triển bền vững

Theo các nguyên tắc của OECD, để thực hiện nhiệm vụ giám sát hiệu quả quản lý, ngăn ngừa xung đột lợi ích và cân bằng khả năng cạnh tranh của công ty, Hội đồng Quản trị phải có khả năng đánh giá khách quan – điều này được thể hiện qua cơ cấu thành viên Hội đồng Quản trị độc lập trong Hội đồng Quản trị công ty.

Trên thực tế, đa phần các doanh nghiệp niêm yết lớn trên thị trường xuất thân từ doanh nghiệp nhà nước và hiện tại Nhà nước vẫn nắm giữ một phần vốn đáng kể trong doanh nghiệp. Vì vậy, việc thay đổi tư duy về việc bầu các thành viên Hội đồng Quản trị độc lập tham gia quản trị công ty cần có định hướng chỉ đạo và triển khai thực hiện từ các cơ quan quản lý vốn Nhà nước.

Chính vì vậy, các doanh nghiệp (đặc biệt là các doanh nghiệp niêm yết hiện Nhà nước đang nắm giữ cổ phần chi phối) cần có lộ trình và giải pháp cụ thể để đáp ứng tiêu chuẩn về cơ cấu thành viên Hội đồng Quản trị độc lập theo luật định. Năng lực hoạt động của các Tiểu ban thuộc Hội đồng Quản trị cũng cần được nâng cao để phát huy vai trò tư vấn, tham mưu của bộ phận này lên Hội đồng Quản trị, góp phần nâng cao năng lực quản trị của Hội đồng Quản trị.

Bốn là: Xây dựng và ban hành hệ thống các quy chế nội bộ

Bên cạnh việc xây dựng một cơ cấu quản trị vững mạnh trên cơ sở tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam kết hợp với việc vận dụng các thông lệ quốc tế về quản trị doanh nghiệp, doanh nghiệp cần xây dựng và ban hành hệ thống các quy chế nội bộ nhằm tạo ra một cơ chế quản trị thống nhất và xuyên suốt để kiểm soát, giám sát hoạt động của doanh nghiệp một cách chuyên nghiệp, minh bạch và hiệu quả, góp phần đảm bảo lợi ích của cổ đông và sự hài hòa với lợi ích của các bên liên quan bao gồm cổ đông, khách hàng, người lao động và cộng đồng.